8
category
405842

Nỗi day dứt của người lớn

02/07/2020 07:51

Tình cờ hai câu chuyện gây xôn xao nhất trên mạng xã hội mấy ngày qua đều liên quan đến trẻ em.

Chuyện thứ nhất là cái chết của bé sơ sinh Nguyễn Văn An, em bé bị bỏ rơi chỉ vỏn vẹn sống được 23 ngày từ khi chào đời ở Hà Nội.

Câu chuyện thứ 2 cũng đáng thương không kém: một em bé ở Tân Phú, TP.HCM bị người được cho là bạn trai của mẹ đánh tàn tệ, đập đầu vào tường… Người ta chỉ phát hiện được vụ việc thông qua một clip được quay lén và tung lên mạng.

Người được cho là bạn trai của mẹ em bé bị đánh đã bị công an triệu tập, mẹ bé An cũng đã phải làm việc với cơ quan chức năng. Nhưng có bao giờ chúng ta hỏi vì sao những câu chuyện đau lòng như của hai bé lại xuất hiện hằng ngày, với rất nhiều em bé là nạn nhân.

Và gia đình, người thân, nơi tưởng như chốn yên bình nhất với các em, lại là nơi phát sinh bạo lực? Đáng buồn hơn, những câu chuyện ấy lại xảy ra trong tháng 6 vừa qua – Tháng hành động vì trẻ em, khi chúng ta đã có đường dây nóng 111 và hệ thống cơ quan chức năng bảo vệ trẻ em.

Đó là nỗi day dứt lớn nhất của những người lớn chúng ta.

Ngay trong thời điểm bé An vừa bị bỏ rơi, có ít nhất hai em bé khác cũng bị từ bỏ ngay sau khi chào đời, một bé cũng bị bỏ rơi dưới hố ga tương tự bé An.

Một em bé khác bị tấn công trong thang máy. Những hành vi lạm dụng, bạo lực với trẻ em xảy ra ở nhiều nơi và dường như việc xử lý vẫn theo hướng “thấy đâu sửa đó”, “bắt cóc bỏ dĩa” mà không xử lý từ gốc, không đánh giá đúng nguy cơ vụ việc.

Việt Nam là quốc gia thứ 2 trên thế giới thông qua Công ước về quyền trẻ em (từ năm 1990). Những quy định liên quan đến quyền trẻ em và bảo vệ trẻ em chúng ta đều có, nhưng thực thi những quy định đó như thế nào lại là chuyện rất khác.

Ở Việt Nam, hành vi cha mẹ/người thân đánh con trẻ vẫn được coi là chuyện gia đình, ít khi được cơ quan pháp luật xử lý nếu hành vi đó không được các bên thứ ba can thiệp như đưa thông tin lên mạng, thông báo cho chính quyền sở tại hay cơ quan công an.

Hơn 10 năm trước, có một em bé bị bỏ rơi ngay sau khi chào đời ở Quảng Nam, bé bị động vật ăn mất một chân và bộ phận sinh dục, sau này bé được một gia đình ở Hà Nội nhận nuôi và hành trình của em đã truyền cảm hứng cho rất nhiều người, khi đã giúp kết nối và chỉnh sửa khiếm khuyết bộ phận sinh dục cho hàng ngàn em bé không may mắn.

Bé An mới qua đời cũng là một em bé bị bỏ rơi nhưng không được may mắn như thế. Bảo vệ trẻ em không phải bằng niềm tự hào chúng ta là quốc gia thứ 2 thông qua Công ước về quyền trẻ em hay hệ thống quy định đã có, mà phải bằng cách thực thi những quy định đó, bằng việc xử lý nghiêm những kẻ vi phạm, bằng cách có hệ thống nhà tạm lánh, nhà bình yên, tránh cho các cháu những tổn thương về tâm lý để trẻ có thể lớn lên và trở thành một công dân bình thường.

Chăm sóc trẻ giống như chăm một cây xanh, phải chăm sóc từ khi còn non tơ. Bảo vệ trẻ em thiệt thòi là bảo vệ cho tương lai, bởi nếu không thì những hệ lụy xã hội về sau này sẽ rất lớn và rất khó can thiệp.

LAN ANH/TTO

Đọc nhiều