‘Nội chiến’ giành ghế Thủ tướng Nhật

01/09/2020 14:40

Chức thủ tướng Nhật được cho là phụ thuộc vào vận động hành lang, bởi các nghị sĩ đảng cầm quyền khả năng cao sẽ chiếm phần lớn phiếu bầu.

Các lãnh đạo đảng Dân chủ Tự do (LDP) cầm quyền của Nhật Bản dự kiến công bố quy tắc bỏ phiếu để chọn ra người thay thế Thủ tướng Shinzo Abe, do ông từ chức hôm 28/8 vì lý do sức khỏe, sau cuộc họp hôm nay. Một số nguồn tin tiết lộ cuộc bầu chọn sẽ diễn ra vào ngày 14 hoặc 15/9, kết quả công bố vào ngày 17/9.

Người được bầu làm chủ tịch LDP gần như nắm chắc ghế thủ tướng Nhật, do đảng này chiếm đa số trong quốc hội. Trong khi đó, kết quả bầu cử được cho là phụ thuộc nhiều vào quy định bỏ phiếu.

Thông thường, một cuộc bỏ phiếu mở rộng sẽ được tổ chức, với một nửa quyền bỏ phiếu thuộc về hơn một triệu đảng viên, nửa còn lại dành cho các nghị sĩ LDP. Tuy nhiên, giới phân tích nhận định do ông Abe từ chức đột ngột, LDP nhiều khả năng sẽ chọn phương án bỏ phiếu khẩn cấp, thành phần chỉ bao gồm các thành viên của đảng trong quốc hội cùng ba đại diện từ mỗi tỉnh trong 47 tỉnh của Nhật, tổng cộng 535 cử tri.

Trường hợp này đồng nghĩa với việc 394 nghị sĩ thuộc đảng LDP chiếm thế áp đảo và có thể định đoạt cuộc bầu cử. Nếu LDP chọn phương án này, ứng cử viên hàng đầu kế nhiệm ông Abe được cho là Chánh văn phòng Nội các Yoshihide Suga, cánh tay phải của Thủ tướng Nhật.

Chánh văn phòng Nội các Nhật Yoshihide Suga tại cuộc họp báo ở Tokyo hồi tháng 9/2019. Ảnh:Reuters.
Chánh văn phòng Nội các Nhật Yoshihide Suga tại cuộc họp báo ở Tokyo hồi tháng 9/2019. Ảnh:Reuters.

Truyền thông Nhật Bản hồi cuối tuần tiết lộ ông Suga đã quyết định tham gia vào “cuộc đua quyền lực”. Kênh truyền hình TV Tokyo dẫn nguồn tin cho biết trong một cuộc họp kín với Tổng thư ký LDP Toshihiro Nikai, quan chức này đã bày tỏ mong muốn trở thành lãnh đạo đảng và nhận được lời động viên: “Hãy làm hết sức mình”, dấu hiệu thể hiện sự ủng hộ.

Dù không thuộc bất kỳ phe phái nào trong LDP, ông Suga dường như ngày càng chiếm được cảm tình từ hai trong số những phe lớn nhất đảng cầm quyền, bao gồm phe do Nikai đứng đầu với 47 nghị sĩ. Phe còn lại do Phó thủ tướng kiêm Bộ trưởng Tài chính Taro Aso dẫn đầu, bao gồm 54 nghị sĩ, cũng sẵn sàng ủng hộ ông Suga, Kyodo dẫn các nguồn thạo tin cho hay.

Một thành viên cấp cao giấu tên của Hosoda, phe lớn nhất trong LDP gồm 98 thành viên, cũng mô tả Suga là “ứng cử viên hàng đầu”. Trong khi đó, Takeo Kawamura, thành viên cấp cao của phe Nikai, cho biết “bầu không khí ủng hộ Suga ngày càng tăng”, bởi ông được đánh giá là người “có thể gánh vác công việc của chính quyền hiện nay”.

Tobias Harris, chuyên gia Nhật Bản tại hãng tư vấn Teneo của Mỹ, chỉ ra rằng ông Suga còn sở hữu “những thế mạnh rõ ràng về thành tựu”, với vai trò người đưa ra quyết sách hàng đầu trong gần 8 năm, dù quan chức 71 tuổi này cũng hứng một số chỉ trích như việc chính phủ thúc đẩy du lịch trong nước bất chấp Covid-19.

Ngay sau khi ông Abe tuyên bố từ chức hôm 28/8, hai ứng cử viên “nặng ký” cho cuộc chạy đua ghế thủ tướng đã bày tỏ mong muốn kế nhiệm là cựu bộ trưởng quốc phòng Nhật Shigeru Ishibacựu ngoại trưởng Fumio Kishida, người đang giữ chức trưởng ban nghiên cứu chính sách của LDP.

Tuy nhiên, một cuộc bỏ phiếu khẩn cấp gần như sẽ dập tắt hy vọng của Ishiba, người chỉ trích Abe mạnh mẽ, dù ông được ủng hộ nhiều nhất trong các cuộc thăm dò dư luận. Theo khảo sát của Kyodo cuối tuần trước, 34% người dân ủng hộ Ishiba, cao hơn gấp đôi so với tỷ lệ 14% dành cho Suga. Nguyên nhân là Ishiba lãnh đạo một phe riêng trong LDP chỉ bao gồm 19 thành viên và được cho là khó thu hút nghị sĩ từ phe khác.

Để cứu vãn tình hình, Ishiba được cho là đã tìm đến Nikai, bằng cách mời Tổng thư ký LDP đến phát biểu tại các sự kiện xã hội do phe Ishiba tổ chức. Tuy nhiên, sự ủng hộ của Nikai lại dành cho Suga ngay khi Chánh văn phòng Nội các bày tỏ nguyện vọng làm lãnh đạo, khiến những tính toán của Ishiba bị lung lay.

Do đó, theo bình luận viên Masahiro Tateno và Yusuke Tanabe của tờ Mainichi, cuộc chạy đua thủ tướng sẽ trở thành màn “đấu tay đôi” đầy cam go giữa Suga và Kishida, người cũng dẫn đầu một phe riêng trong LDP với 47 thành viên. Kishida từ lâu được coi là “người thừa kế” Abe, kiên nhẫn chờ đợi tới lượt làm thủ tướng.

Cựu ngoại trưởng Nhật Fumio Kishida tại Tokyo hồi tháng 8/2017. Ảnh: Reuters.
Cựu ngoại trưởng Nhật Fumio Kishida tại Tokyo hồi tháng 8/2017. Ảnh: Reuters.

Ông Kishida được cho là đã tới gặp ông Abe hôm qua nhằm tìm kiếm sự ủng hộ. Các nguồn tin cho biết một ngày trước đó ông cũng cố thuyết phục những người có ảnh hưởng lớn khác trong LDP, bao gồm Bộ trưởng Tài chính Aso, người đứng đầu phe lớn thứ hai trong đảng.

Tuy nhiên, cựu ngoại trưởng 63 tuổi này thường gặp khó khăn trong thu hút sự chú ý. Một số người, ngay cả cùng phe với Kishida, cũng nhận xét rằng ông thiếu sức hút, yếu tố có thể ảnh hưởng tới số phiếu bầu.

Người chiến thắng trong cuộc bầu cử sắp tới sẽ tiếp nối nhiệm kỳ của ông Abe đến tháng 9/2021. Khi đó, một cuộc bỏ phiếu khác sẽ được tổ chức để xác định lãnh đạo LDP trong ba năm tiếp theo.

Nhiệm vụ của tân thủ tướng Nhật được cho là sẽ vô cùng nặng nề, với nền kinh tế bị tàn phá vì đại dịch, cùng công tác chuẩn bị dang dở cho Thế vận hội Tokyo, dù chưa chắc sự kiện được tổ chức vào mùa hè năm sau như kế hoạch.

Trên lĩnh vực ngoại giao, một loạt vấn đề nan giải cũng chưa được giải quyết, như quan hệ lạnh nhạt với Hàn Quốc, thuyết phục Triều Tiên hồi hương những công dân bị bắt cóc trong những năm 1970 và 1980, hay sức ảnh hưởng ngày càng tăng của Trung Quốc.

Thêm vào đó, người kế nhiệm Abe sẽ phải đối phó với 4 năm nhiệm kỳ tiếp theo của Donald Trump hoặc một chính quyền mới dưới thời Joe Biden, ứng viên tổng thống Mỹ của đảng Dân chủ.

“Quan hệ giữa Shinzo Abe và Donald Trump đã không còn. Tân thủ tướng sẽ phải xây dựng một mối quan hệ mới, trong lúc cẩn trọng để không bị Mỹ chèn ép”, Masahiro Iwasaki, giáo sư khoa học chính trị tại Đại học Nihon của Nhật Bản, nhận định.

Thành Nhân/Kyodo, Mainichi, Nikkei, Bloomberg

Đọc nhiều