Nobel Kinh tế về tay 2 nhà kinh tế nghiên cứu lý thuyết đấu giá
Các nhà kinh tế thắng giải năm nay đã nghiên cứu cách thị trường đấu giá hoạt động. Họ cũng sử dụng hiểu biết của mình để thiết kế các mô hình đấu giá mới cho các loại hàng hóa và dịch vụ khó bán theo cách cổ điển, ví dụ như sóng phát thanh.
Các thương gia, người mua và cơ quan thuế trên toàn thế giới đều hưởng lợi từ những đóng góp trên.
Vì mỗi người luôn muốn bán với giá cao hơn và mua với giá rẻ nhất, mọi vật hiện nay đều được qua tay với hình thức đấu giá. Không chỉ các vật dụng trong gia đình, đồ cổ hay tác phẩm nghệ thuật, cả chứng khoán, khoáng sản và năng lượng đều có thể mua bán bằng hình thức này.
Các chuyên gia đoạt giải Nobel Kinh tế năm nay đã bắt đầu với một lý thuyết nền tảng, sau đó sử dụng các kết quả thu được vào ứng dụng thực tiễn, giúp nó lan tỏa toàn thế giới. Các phát hiện của họ đã đem lại lợi ích lớn cho xã hội.
Chủ tịch Ủy ban giải Nobel Kinh tế Peter Fredriksson
Sử dụng lý thuyết đấu giá, các nhà nghiên cứu cố gắng tìm hiểu hệ quả từ các quy định khác nhau về ngã giá và chốt giá.
Nhà kinh tế Robert Wilson đã phát triển lý tuyết đấu giá đối với các vật dụng có giá trị chung (common value), tức các giá trị không được xác định từ đầu nhưng được tất cả mọi người đồng ý sau khi chốt.
Điển hình, giá hợp đồng tương lai của sóng phát thanh hoặc sản lượng quặng tại một địa điểm cụ thể. Ông Wilson cho thấy các nhà đấu giá thường ra giá thấp hơn so với giá trị chung họ ước lượng.
Khi xã hội dần phát triển, nhiều loại hàng hóa phức tạp hơn ra đời, chẳng hạn như vị trí trong bãi đậu máy bay.
Để đáp ứng nhu cầu định giá cho chúng, các nhà kinh tế Paul R. Milgrom và Robert B. Wilson đã sáng tạo ra hình thức đấu giá mới, trong đó bán đấu giá đồng thời nhiều hàng hóa có liên quan với nhau.
Phương pháp này dựa trên lý thuyết rằng người bán được động viên bởi các lợi ích xã hội lớn hơn doanh thu tối đa.
Vào năm 1994, Mỹ là chính quyền đầu tiên sử dụng phương pháp trên đế bán sóng phát thanh cho các nhà mạng viễn thông. Kể từ đó, nhiều quốc gia khác đã học theo cách làm này.
Giải Nobel kinh tế có tên chính thức là Giải thưởng của Ngân hàng Thụy Điển cho khoa học kinh tế để tưởng nhớ Nobel.
Giải Nobel Kinh tế thường được trao cho các nghiên cứu về bất bình đẳng, tâm lý học trong kinh tế, các mô hình đấu giá, sức khỏe nền kinh tế hay thị trường lao động. Đây là giải thưởng cuối cùng trong mùa giải Nobel năm nay.
Năm 2019, giải Nobel Kinh tế đã được trao cho ba kinh tế gia vì những nghiên cứu nhằm cải thiện tình trạng nghèo đói toàn cầu.
Các nhà kinh tế Abhijit Banerjee, Esther Duflo và Michael Kremer cho biết nghiên cứu của họ nhằm “đảm bảo công cuộc chiến đấu với đói nghèo có căn cứ khoa học”.
Hoài Nam (t.h)