Nỗ lực thực hiện an sinh xã hội giữa thời “bão” giá
Bảo đảm an sinh xã hội là nhiệm vụ thường xuyên, quan trọng, là trách nhiệm của cả hệ thống chính trị và toàn xã hội. Hiện nay, mục tiêu đó ngày càng nhiều thách thức khi cả thế giới đang phải gánh chịu “bão” giá và suy thoái kinh tế. Nhiệm vụ ổn định cuộc sống cho người dân không chỉ còn gói gọn trong lãnh thổ Việt Nam mà còn cả những lao động Việt ở mọi quốc gia trên thế giới.
Theo kế hoạch, trong tháng 9/2022 Bộ trưởng Bộ LĐ-TB&XH Đào Ngọc Dung sẽ có cuộc tiếp xúc cấp cao với Ngài Yashuhiro Hanashi, Bộ trưởng Bộ Tư pháp Nhật Bản. Thông qua buổi gặp gỡ để thảo luận về việc cải thiện điều kiện làm việc cho người lao động Việt ở Nhật và đưa ra giải pháp nhằm giảm thiểu tình trạng người lao động cư trú bất hợp pháp. Bên cạnh đó, Bộ trưởng cũng sẽ đưa ra các giải pháp đẩy mạnh hơn nữa việc người lao động Việt Nam sang tu nghiệp, làm việc tại Nhật Bản.
Theo thống kê từ Bộ LĐ-TB&XH, Nhật Bản là một trong những thị trường trọng điểm của người lao động Việt Nam. Những năm gần đây, số người Việt sang làm việc tại Nhật Bản chiếm 50% tổng số lao động đi làm việc ở nước ngoài hàng năm. Đây là một trong những thị trường có điều kiện làm việc và thu nhập tốt nhất, được người lao động Việt Nam ưa thích. Chính vì lí do đó, Nhật Bản được lựa chọn là điểm đến cho chuyến công tác đầu tiên ra nước ngoài của Bộ trưởng Đào Ngọc Dung kể từ sau khi đại dịch Covid-19 xảy ra.
Trong thời điểm hiện tại, khi vật giá leo thang và khủng hoảng tiền tệ đang diễn ra trên thế giới, việc đưa người Việt đi xuất khẩu lao động vừa là cơ hội vừa là rủi ro. Nếu để tồn đọng quá nhiều người thất nghiệp trong nước thì sẽ xảy ra tệ nạn xã hội, mức sống người dân không được đảm bảo. Trong khi đó, nếu không đảm bảo được chỗ ở và nơi làm việc đảm bảo cho nhân công thì cuộc sống của họ ở nơi xứ người lại càng nguy hiểm hơn. Số lượng người Vệt nhập cư bất hợp pháp ở Nhật để làm những công việc nguy hiểm đến tính mạng không phải là con số ít. Chính vì vậy, đảm bảo nơi ăn chốn ở và nơi công tác đảm bảo cho người dân ở thị trường lao động tiềm năng như Nhật Bản chính là một trong những nỗ lực đảm bảo an sinh xã hội lớn nhất của Chính phủ.
Qua đại dịch Covid-19, chúng ta càng hiểu rõ hơn vai trò quan trọng của hệ thống an sinh xã hội là bảo đảm an toàn cho người dân trong điều kiện biến động về kinh tế – xã hội, chuẩn bị nguồn lực để bảo đảm một số dịch vụ xã hội cơ bản nhằm tránh rủi ro và tạo cơ hội công bằng cho toàn dân. Do đó, thay vì cấm cản nhân công vượt biên sang nước ngoài để lao động và định cư bất hợp pháp thì tạo điều kiện cho người dân xuất khẩu lao động an toàn là một chính sách đầy tiềm năng của Chính phủ.
Chính sách này không chỉ giúp khai thác triệt để thế mạnh của Việt Nam là nguồn lực lao động dồi dào mà còn góp phần ổn định cuộc sống, tạo cơ hội việc làm cho người dân. Có lẽ, chúng ta đã có cơ sở để hi vọng vào một tương lai không còn lao động Việt nhập cư bất hợp pháp, sống lẩn trốn ở các quốc gia trên thế giới nữa.
LS Lê