Nỗ lực quản lý thị trường Vàng
Sau hơn 10 năm thực hiện Nghị định số 24/2012/NÐ-CP của Chính phủ về quản lý hoạt động kinh doanh vàng, thị trường vàng tại Việt Nam đã phát triển ổn định và có những cải thiện đáng kể. Các vấn đề như đầu cơ tích trữ, buôn bán trái phép vàng đã được khắc phục, và quyền lợi của người dân được đảm bảo. Tuy nhiên, trong bối cảnh hiện nay, khi quá trình hội nhập tài chính ngày càng sâu rộng, cần thiết phải triển khai một loạt các biện pháp nhằm tăng cường quản lý thị trường vàng, đồng thời đảm bảo phù hợp với mục tiêu chính sách tiền tệ và góp phần tạo nguồn lực đầu tư cho nền kinh tế.
Quản lý thị trường Vàng là thay đổi thói quen sử dụng Vàng của người Việt!
Thực tế cho thấy, tại Việt Nam, nhiều giao dịch có giá trị thanh toán lớn thường được định giá và thực hiện bằng vàng. Tình trạng này gây ra nguy cơ “vàng hoá, đô la hoá”. Ứng phó với tình hình, vào ngày 3/4/2012, Chính phủ đã ban hành Nghị định số 24/2012/NÐ-CP về quản lý hoạt động kinh doanh vàng. Theo nghị định, Ngân hàng Nhà nước (NHNN) được ủy quyền là cơ quan chịu trách nhiệm tập trung quản lý các hoạt động sản xuất và kinh doanh vàng.
Sau hơn 10 năm triển khai, thị trường vàng tại Việt Nam đã phát triển ổn định. Tình trạng đầu cơ tích trữ và buôn bán trái phép đã được khắc phục một phần, đồng thời, quyền và lợi ích của người dân được bảo vệ. Các giao dịch trong nền kinh tế thường được thực hiện bằng Đồng Việt Nam, giảm bớt nguy cơ “vàng hoá, đô la hóa”. Hơn nữa, một lượng lớn vàng vật chất đã được chuyển đổi thành nguồn lực để đầu tư vào các hoạt động kinh tế.
Giai đoạn trước năm 2012
Trong một thời gian dài, việc tích trữ vàng đã trở thành thói quen của người Việt. Vàng không chỉ được coi là biểu tượng của sự giàu có, mà còn được sử dụng như một công cụ định giá và thanh toán trong nhiều giao dịch, đặc biệt là các giao dịch liên quan đến tài sản có giá trị lớn như nhà đất, xe hơi, trang thiết bị. Tình trạng này có nguồn gốc từ tập quán truyền thống và sự hạn chế của các kênh đầu tư khác, khiến việc tích luỹ vàng trở thành một cách để bảo vệ giá trị tài sản và đối phó với nguy cơ mất giá của đồng tiền.
Trong thời kỳ từ năm 2008 đến 2011, suy thoái kinh tế toàn cầu đã gây ra tác động mạnh mẽ đến kinh tế Việt Nam, khiến mức lạm phát tăng cao và làm suy giảm sức mua của đồng tiền. Tình trạng nắm giữ vàng và ngoại tệ như một biện pháp để bảo toàn giá trị tài sản và phòng ngừa rủi ro mất giá của đồng tiền đã tăng lên. Đồng thời, thị trường bất động sản và thị trường chứng khoán đã trải qua sự giảm sút mạnh mẽ, gây ra áp lực đối với đồng tiền, dự trữ ngoại hối và thị trường ngoại tệ. Hiện tượng “vàng hóa, đô la hoá” trong nền kinh tế đã trở nên rõ ràng khi vàng và đô la được sử dụng rộng rãi như một đơn vị đo giá trị và phương tiện thanh toán và tích trữ. Trên thị trường, nhu cầu về vàng miếng đã tăng cao, biến động mạnh, xuất hiện các hành vi thao túng giá và đầu cơ, tạo ra các làn sóng “sốt” gây ra sự bất ổn trong cung cầu vàng và ảnh hưởng đến sự ổn định kinh tế – xã hội.
Bên cạnh đó, chính sách huy động và cho vay vốn bằng vàng để thúc đẩy phát triển kinh tế – xã hội trong bối cảnh biến động của thị trường vàng đã tăng cường hoạt động đầu cơ và gây ra việc buôn lậu vàng qua biên giới để kiếm lợi. Hành động này đã gây ra tác động mạnh mẽ đến tỷ giá hối đoái VND/USD trên thị trường tự do, tạo ra áp lực lên thị trường tiền tệ và từ đó ảnh hưởng đến chính sách tiền tệ, kiểm soát lạm phát và ổn định kinh tế.
Giai đoạn sau năm 2012
Để khắc phục những vấn đề tồn tại trên thị trường vàng, vào ngày 3/4/2012, Chính phủ đã ban hành Nghị định số 24/2012/NĐ-CP về quản lý hoạt động kinh doanh vàng. Nghị định này đặt Ngân hàng Nhà nước (NHNN) là cơ quan quản lý tập trung các hoạt động sản xuất và kinh doanh vàng.
Theo Nghị định, việc quản lý kinh doanh vàng được cụ thể hóa bao gồm cấm sử dụng vàng làm phương tiện thanh toán hoặc phương tiện trao đổi, chuyển quyền độc quyền sản xuất vàng miếng trong toàn quốc sang NHNN, duy nhất được phép nhập khẩu và xuất khẩu nguyên liệu vàng. Đồng thời, chỉ các tổ chức được cấp phép mới được thực hiện kinh doanh vàng miếng. NHNN được cho phép lữu giữ vàng thỏi như một dự trữ chính thức và áp dụng các quy định nghiêm ngặt về việc sở hữu vàng miếng của các tổ chức tín dụng.
Đối với thị trường vàng miếng, Nhà nước chiếm độc quyền về sản xuất, xuất khẩu nguyên liệu vàng và nhập khẩu nguyên liệu vàng để sản xuất vàng miếng. NHNN đảm nhận tổ chức và quản lý sản xuất vàng miếng cũng như xuất khẩu và nhập khẩu nguyên liệu vàng để sản xuất vàng miếng, cùng với việc kiểm soát giao dịch mua bán vàng miếng trên thị trường nội địa. Mọi giao dịch này đều phải được cấp phép bởi Thủ tướng Chính phủ và NHNN.
Về thị trường vàng trang sức, mỹ nghệ, việc sản xuất vàng trang sức, mỹ nghệ được xem xét là hoạt động kinh doanh có điều kiện và phải có giấy chứng nhận đủ điều kiện từ NHNN.
Đối với việc nhập khẩu và xuất khẩu nguyên liệu vàng để sản xuất vàng trang sức, mỹ nghệ, các doanh nghiệp được cấp giấy chứng nhận đủ điều kiện từ NHNN. Đồng thời, các doanh nghiệp đầu tư trong lĩnh vực khai thác vàng ở nước ngoài có thể được xem xét cấp phép nhập khẩu nguyên liệu vàng để sản xuất vàng trang sức, mỹ nghệ. Các doanh nghiệp này cũng cần được xem xét cấp phép xuất khẩu nguyên liệu vàng do họ khai thác được.
Các doanh nghiệp kinh doanh vàng có hợp đồng gia công vàng trang sức, mỹ nghệ với các nước ngoài cũng cần phải được cấp phép tạm nhập vàng nguyên liệu để tái xuất sản phẩm. Các hoạt động kinh doanh vàng khác được xem xét và cấp phép sau khi được Thủ tướng Chính phủ và NHNN phê duyệt.
Việc thực hiện Nghị định số 24/2012/NĐ-CP đã giúp kiểm soát thị trường vàng trong nước, làm giảm biến động giá vàng và hạn chế hiện tượng buôn lậu và tích trữ vàng. Tuy nhiên, giá vàng vẫn còn chịu ảnh hưởng mạnh mẽ từ yếu tố tâm lý thị trường, có thể dẫn đến những tăng giảm đột biến ở một số thời điểm. Tuy nhiên, tình hình hiện nay đã ổn định hơn và thị trường đã bắt đầu điều chỉnh tự nhiên. Sự minh bạch và công khai trong các hoạt động giao dịch vàng đã giúp giải tỏa áp lực từ các yếu tố tâm lý và tạo ra một môi trường ổn định và chuyên nghiệp hơn. Những nỗ lực này của NHNN trong quản lý thị trường vàng đã góp phần vào sự ổn định của nền kinh tế và tạo niềm tin cho người dân vào đồng tiền quốc gia.
Thực hiện chủ trương chống “vàng hóa”, kể từ khi triển khai Nghị định số 24/2012/NĐ-CP và đặc biệt là từ năm 2014 trở lại đây, NHNN đã ngừng nhập khẩu vàng nguyên liệu để sản xuất vàng miếng, ảnh hưởng đến nguồn cung vàng miếng trong nước. Điều này đã làm tăng giá vàng miếng, đặc biệt là vàng miếng SJC – thương hiệu vàng miếng của Nhà nước – gần đây, gây lo ngại về nguy cơ nhập lậu vàng từ nước ngoài và gây mất thuế cho nhà nước.
Với thói quen tích trữ “găm vàng” của người dân vẫn diễn ra phổ biến, những người muốn mua vàng trong nước có thể gặp khó khăn. Đồng thời, việc hạn chế nhập khẩu vàng cũng ảnh hưởng đến nguồn cung của các doanh nghiệp trong ngành sản xuất vàng trang sức.
Có thể khẳng định, thực hiện Nghị định số 24/2012/NĐ-CP, tình trạng “vàng hoá, đô la hoá” đến nay cơ bản đạt được kết quả tích cực. Mặc dù, tại một số thời điểm, giá vàng trong nước biến động mạnh theo giá vàng thế giới, nhưng khác với trước đây, những biến động này không ảnh hưởng đến công tác điều hành chính sách tiền tệ. Tỷ giá ngoại tệ trên thị trường tự do bám sát tỷ giá chính thức, nhiều thời điểm còn thấp hơn tỷ giá niêm yết của các ngân hàng thương mại. Diễn biến của thị trường vàng và thị trường ngoại tệ tự do không còn ảnh hưởng đến diễn biến tỷ giá và tình hình thị trường ngoại tệ chính thức, không gây bất ổn thị trường, nhu cầu doanh nghiệp và người dân, nhìn chung, được đáp ứng.
Đấu thầu vàng miếng là biện pháp kịp thời để hạ nhiệt thị trường vàng
Trong khoảng thời gian từ đầu năm 2024 đến nay, vàng đã trở thành điểm đến ổn định cho dòng tiền khi các lựa chọn đầu tư khác gặp khó khăn. Chỉ trong gần bốn tháng, giá vàng trên thị trường thế giới đã tăng đến 16%, vàng nhẫn trong nước cũng đã leo lên 25% so với cuối năm 2023. Vàng miếng SJC đã tiến sát mức 85 triệu đồng/lượng, vàng nhẫn SJC đạt 79 triệu đồng/lượng, phá vỡ mọi kỷ lục trước đó. Tình trạng khan hàng và thậm chí là “cháy hàng”, hạn chế về nguồn cung, không thường xuyên nhưng cũng đã xuất hiện.
Một trong những nguyên nhân chính gây ra tình trạng giá vàng liên tục phá kỷ lục là do cầu mua gia tăng mạnh từ các ngân hàng trung ương của nhiều quốc gia. Sự bất ổn trong chính trị và các cuộc xung đột lớn đã thúc đẩy nhu cầu này, đặc biệt khi kỳ vọng rằng Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) sẽ giảm lãi suất trong năm nay. Không chỉ các ngân hàng trung ương mà cả các quỹ đầu tư và nhà đầu tư nhỏ lẻ cũng đang đổ tiền vào đầu tư vàng. Sự tăng đột biến về cầu hàng đã làm tăng giá vàng liên tục. Trong bối cảnh lãi suất tiết kiệm thấp và thị trường chứng khoán không ổn định, giá vàng cao đã kích thích nhà đầu tư, từ tiết kiệm, dịch chuyển sang đầu tư vào vàng. Một dòng tiền lớn đang chuyển hướng, đẩy giá vàng lên cao và việc cơ quan chức năng tăng cường kiểm tra hoạt động kinh doanh vàng cũng đã làm cho thị trường trở nên sôi động hơn.
Nhằm đáp ứng yêu cầu từ Thủ tướng Chính phủ về quản lý thị trường vàng, NHNN đã phát hành ba văn bản gửi đến các bộ, ngành liên quan vào ngày 15/4. Cơ quan này cũng đã ban hành một công văn chỉ đạo các tổ chức tín dụng và doanh nghiệp được cấp phép kinh doanh mua, bán vàng miếng để nâng cao tính minh bạch và hiệu quả trong quản lý thị trường vàng. Trước đó, NHNN cũng đã thông báo về việc tái khởi động đấu thầu vàng miếng để tăng nguồn cung cho thị trường, lần đầu tiên sau 11 năm. Mục tiêu của việc đấu thầu là giảm chênh lệch giữa giá vàng trong nước và trên thế giới, đảm bảo hoạt động của thị trường lành mạnh và minh bạch, theo đúng chỉ đạo từ Thủ tướng Chính phủ.
Những biện pháp tích cực từ Ngân hàng Nhà nước nhằm làm dịu thị trường vàng đã nhận được sự hoan nghênh, vì chúng phản ánh sự thận trọng cần thiết và sự hiểu biết về tình hình thị trường vàng trong nước. Việc thực hiện các biện pháp điều chỉnh thị trường vàng cần phải được thực hiện một cách cẩn thận, do Việt Nam vẫn đang phụ thuộc nhiều vào các yếu tố xuất nhập khẩu và bị ảnh hưởng trực tiếp từ những biến động chính trị và xung đột quân sự trên thế giới.
Thế nhưng, đương nhiên, khi “hạ nhiệt” thị trường vàng – một thị trường hiện đang quá “nóng” bằng giải pháp ngắn hạn thì hiệu quả đem lại sẽ không nhiều cũng như khó có thể có tác động theo hướng “ngay lặp tức”!
Thành An