Nỗ lực ngăn chặn “cái chết trắng” của Bộ trưởng Tô Lâm

Đặng Trường 09/11/2020 16:53

“Cái chết trắng” là cách gọi đầy hình tượng cho kết cục của những người sử dụng ma túy. Bên cạnh rượu chè, cờ bạc thì ma túy chính là tác nhân chính khiến người nghiện u mê, mất kiểm soát, gây ra nhiều hệ lụy nghiêm trọng và đau lòng cho xã hội. Trước thực trạng nhiều vụ án mạng thương tâm gần đây đều do người sử dụng ma túy gây ra, Bộ trưởng Tô Lâm đã góp ý thẳng thắn vào dự thảo Luật Phòng, chống ma túy sửa đổi tại phiên thảo luận tổ của Quốc hội.

Nỗ lực ngăn chặn “cái chết trắng” của Bộ trưởng Tô Lâm.

Như đã biết, ma túy ảnh hưởng đến nhân cách, phẩm chất của con người và xã hội chưa bao giờ chấp nhận người nghiện ma túy là người tử tế. Họ cũng rất khó để trở thành người tử tế bởi khoảng cách từ việc sử dụng ma túy đến con đường phạm pháp là vô cùng ngắn. Rất nhiều vụ tai nạn giao thông, tài xế xe container, xe tải, xe ben đâm vào hàng chục xe máy đang đứng chờ đèn đỏ, khiến nhiều người thiệt mạng và hàng chục người bị thương đều có nguyên nhân do họ sử sụng ma túy. Nhớ lại vụ bắt cóc, hiếp dâm, sát hại dã man nữ sinh giao gà ở Điện Biên vào đầu năm 2019, hầu như các bị cáo máu lạnh đều là con nghiện. Ngay cả mới đây, hung thủ cướp tài sản, sát hại nữ sinh Học viện Ngân hàng dưới dòng sông Nhuệ ở Hà Nội cũng dương tính với ma túy.

Cái chết thương tâm của nữ sinh Điện Biên do các đối tượng sử dụng ma túy gây nên.

Thực trạng những mất mát về vật chất và đau thương về tinh thần do người sử dụng ma túy gây ra là có thể thấy được nhưng thật đáng buồn, luật pháp Việt Nam hiện nay chỉ xem buôn bán ma túy là tội phạm còn người sử ma túy thì chỉ bị xem là “người bệnh”, chỉ bị xử phạt hành chính, không bị truy tố trách nhiệm hình sự. Bộ luật Hình sự năm 1999 (sửa đổi, bổ sung năm 2009) quy định hành vi sử dụng trái phép chất ma túy không phải là tội phạm và không bị xử lý hình sự. Chưa kể, một số nước còn có xu hướng hợp pháp hóa ma túy. Tất cả những điều đó khiến Việt Nam trở thành địa bàn có nhu cầu sử dụng ma túy lớn và cũng là bất cập, là lỗ hổng của cái lưới pháp luật, làm để lọt vô số người có nguy cơ phạm tội hình sự nặng hơn như giết người, cướp của, hiếp dâm,…

Thêm một điều phi lý nữa, nếu xem người nghiện ma túy là người bệnh thì hàng năm nước ta phải nhập về chính thức một lượng ma túy nhất định để cung cấp cho những người nghiện. Nhà nước phải xây dựng cơ sở đồng bộ để chữa bệnh trong khi đó, trên cả nước còn biết bao nhiêu người dân nghèo, lương thiện đang chờ người dân giúp đỡ. Chính vì vậy, Bộ trưởng Tô Lâm khẳng định “đây là điều không thể” và Bộ Công an đã xác định tội phạm ma túy là tội phạm của các loại tội phạm, là nguyên nhân gây ra các loại tội phạm khác dựa trên số liệu, 50% người bị giam giữ trong trại giam của Bộ Công an liên quan đến ma túy.

Lực lượng chức năng tìm kiếm thi thể nữ sinh ngân hàng bị hung thủ (dương tính với ma túy) sát hại ở sông Nhuệ.

Được biết, giữa tháng 8/2019, Bộ Chính trị đã ban hành Chỉ thị số 36 về tăng cường, nâng cao hiệu quả công tác phòng, chống và kiểm soát ma túy. Chỉ thị nêu rõ sớm sửa đổi bổ sung Luật phòng, chống ma túy và các văn bản pháp luật khác có liên quan theo hướng đồng bộ, thống nhất, phù hợp với thực tiễn phòng chống ma túy và có chế tài nghiêm khắc hơn với hành vi sử dụng trái phép chất ma túy. Và theo như tư lệnh ngành thì Bộ Công an đã có hơn một năm khẩn trương soạn thảo luật này. Bộ trưởng Tô Lâm đã khẳng định dự luật sửa đổi, bổ sung các chế tài nhằm không để Việt Nam là địa bàn trung chuyển ma túy. Dự luật cũng quy định rõ về tiền chất ma túy, ngăn chặn việc lợi dụng sơ hở để tinh chế ma túy từ tiền chất; quy định giải pháp quản lý người nghiện để hạn chế nguồn cung trong nước, ngăn chặn nguồn cung cấp từ nước ngoài vào. Người đứng đầu ngành Công an còn nhấn mạnh thêm rằng: “Chúng tôi sẽ có các giải pháp cai nghiện, trong đó tính đến nhân quyền, nhưng nhân quyền lớn nhất là bảo đảm cuộc sống an toàn cho đại đa số nhân dân”. Từng câu từng từng chữ của Bộ trưởng Tô Lâm như một lời cam kết của toàn ngành Công an cho quyết tâm ngăn chặn tệ nạn và hậu quả do ma túy gây ra cũng như bù lắp những lỗ hổng trong Luật phòng, chống ma túy và các văn bản pháp luật khác có liên quan.

Đã đến lúc chúng ta cần nỗ lực hành động vì một đất nước không có người buôn ma túy, không có người nghiện ma túy. Bởi những tiếng gào khóc, gọi tên vợ/chồng, con cái, người thân ra đi vì những con nghiện đã quá đủ rồi. Để Luật Phòng, chống ma túy sửa đổi có thể hoàn thiện nhanh chóng, kín kẽ, sớm được Quốc hội thông qua, Bộ Công an đã cho ý kiến hành động rồi nhưng thiết nghĩ nếu chỉ một ngành Công an thì không thể nào có một bản dự thảo trọn vẹn, kịp thời áp dụng thực tiễn được. Chính vì vậy, chúng ta, những người công dân có trách nhiệm với đất nước và với sự an toàn của gia đình, người thân và chính mình, hãy cùng nhau xây dựng dự thảo Luật này.

Đặng Trường 

Đọc nhiều