Nỗ lực an dân bằng an sinh xã hội

Phạm Khoa 03/04/2023 10:14

Ai cũng biết, người dân các khu vực có nhà, đất bị giải tỏa đã phải đối diện với khá nhiều bấp bênh: cuộc sống, sinh hoạt bị đảo lộn; cá biệt, có một số hộ dân bị gián đoạn hoặc mất hẳn địa bàn mưu sinh. Do vậy, về mặt chính sách, nếu không có các quy định bồi thường, hỗ trợ hợp lý, người dân sẽ có tâm lý bị đối xử bất công, cho rằng chính quyền thiếu quan tâm, không chia sẻ khó khăn, trong khi họ đã phải hy sinh nhiều quyền lợi thực tế cho quá trình đô thị hóa, hiện đại hóa của thành phố.

Những người dân bám trụ ở khu đất Thủ Thiêm

Ủy ban MTTQ Việt Nam TP.HCM đã tổ chức Hội nghị phản biện xã hội đối với dự thảo Nghị quyết quy định mức hỗ trợ chi phí thuê nhà ở tạm cư cho hộ gia đình, cá nhân chờ bố trí nhà ở, đất ở tái định cư trên địa bàn TP.HCM sáng 28/03 vừa qua.

Đây được xem là động thái tất yếu thể hiện thái độ cầu thị, và sự quan tâm lớn của chính quyền, và các ban ngành đoàn thể ở TP.HCM đối với an sinh xã hội.

So với trước đây, mức hỗ trợ dành cho 4 khu vực, đặc biệt là khu vực 1 (gồm các quận: 1,3,5) đã tăng lên đáng kể, khi số tiền chi trả phí tạm cư tối đa chạm đến con số 24 triệu đồng/ tháng đối với hộ gia đình có nhiều hơn 4 nhân khẩu.

Dù vậy, vẫn còn không ít bất cập, khi có ý kiến rằng, cầm trong tay 8 triệu đồng, thuê nhà ở quận huyện vùng ven là chuyện dễ dàng, nhưng 8 triệu đồng thì khó mà thuê được một chỗ ở rộng rãi, thoải mái cho 4 người ở khu vực 1, chứ chưa nói đến các điều kiện kèm theo khác, như: giao thông, vệ sinh, cộng đồng dân cư…

Nhiều năm nay, những câu chuyện liên quan đến công tác tái định cư đã luôn làm đau đầu các đời lãnh đạo TP.HCM, vì nó ảnh hưởng trực tiếp đến đời sống của hàng ngàn hộ dân, đủ các lứa tuổi, giới tính, thành phần xã hội. Đặc biệt, câu chuyện đã trở nên căng thẳng hơn trong 3 năm trở lại đây, khi nhiều dự án chỉnh trang đô được yêu cầu tăng tốc, trong khi dịch bệnh và tình hình kinh tế khó khăn khiến công ăn việc làm và mức sống chung của người dân thành phố bị ảnh hưởng nghiêm trọng.

Việc tăng phí tạm cư của TP.HCM được dư luận ghi nhận, cho là cần, nhưng chưa đủ. Trong khi thành phố phải trả tiền để người dân thuê nhà ở đợi đất, đợi nhà, thì trên thực tế có những khu dân cư được xây dựng hàng chục ngàn tỷ đồng cả chục năm dài vẫn vắng bóng người, xuống cấp nghiêm trọng, thất thu ngân sách, lãng phí quỹ đất.

Không ai không thấy xót xa khi nhìn những hình ảnh xuống cấp của khu tái định cư Bình Khánh được xây dựng từ năm 2013, tiêu tốn gần 30.000 tỷ đồng tiền ngân sách, nhưng đến nay cũng không ai đến ở, buộc thành phố phải đem đấu giá, bằng 1/3 giá trị xây dựng ban đầu, vẫn chẳng có đơn vị nào chịu mua.

Để an dân, việc hỗ trợ phí tạm cư cần phải nằm trong chuỗi hành động liên hoàn, giúp công tác tái định cư có được hiệu quả. Thời gian tới đây, Chính quyền TP.HCM cần nắm bắt được nhu cầu thực tế của người dân bằng nhiều cuộc phản biện như thế này.

Qua phản biện, người dân thấy được quyết tâm, và quan tâm của Chính quyền TP.HCM đối với các vấn đề dân sinh, an sinh quan trọng; trong khi lãnh đạo TPHCM nhận lại được những phản hồi chân thực từ phía người dân, đối tượng chính của các chính sách an sinh xã hội trên địa bàn.

Một thành phố nghĩa tình không chỉ hỗ trợ người dân vượt khó bằng tiền, mà còn cho người dân cơ hội chủ động thay đổi hoàn cảnh sống tốt đẹp hơn, thuận lợi hơn. Sẽ cần không ít thời gian để TP.HCM từng bước chinh phục mục tiêu đó.

Phạm Khoa

Đọc nhiều