Nikkei Asian: Việt Nam thay Trung Quốc, trở thành công xưởng sản xuất mặt hàng “quý” nhất thế giới
Trang Nikkei Asian Review vừa có bài viết nói về việc các doanh nghiệp may mặc Việt Nam đã nhanh chóng chớp lấy thời cơ, chuyển hướng sản xuất mong phục hồi nền kinh tế. Nhờ đó, Việt Nam đã thành công thay thế Trung Quốc trở thành “công xưởng khẩu trang” được cả thế giới tín nhiệm, đem lại nguồn xuất khẩu may mặc vượt trội.
Theo Nikkei, từ nhiều năm nay, các công ty may mặc và giầy dép đang dần chuyển dây chuyền sản xuất sang các nước Đông Nam Á, nhằm giảm phụ thuộc vào Trung Quốc và tận dụng các thỏa thuận thương mại của Việt Nam. Tuy nhiên, đại dịch Covid-19 đã kìm hãm xu hướng này khiến Hiệp hội Dệt may Việt Nam (VITAS, cơ quan đại diện khoảng 450 công ty dệt may tại Việt Nam) gọi đại dịch là cuộc khủng hoảng tồi tệ nhất từ trước đến nay.
Vì đại dịch, đơn hàng may mặc từ Mỹ và châu Âu cạn kiệt, kim ngạch xuất khẩu hàng dệt may của Việt Nam cũng giảm 11,6% trong giai đoạn 8 tháng đầu năm nay.
Sau Trung Quốc và Ấn Độ, Việt Nam là nhà xuất khẩu dệt may lớn thứ 3 thế giới. Dệt may là một trong những lĩnh vực giúp Việt Nam thoát nghèo và trở thành một trong các nền kinh tế phát triển nhanh nhất thế giới. Trong năm 2019, Việt Nam xuất khẩu tổng cộng 32,6 tỷ USD hàng may mặc và dệt may dưới nhiều thương hiệu như Walmart và Adidas.
Đại diện thương hiệu thời trang H&M nói: “Mùa Xuân năm nay, nhu cầu hàng may mặc trên toàn cầu đi xuống, tác động lớn đến số lượng đơn hàng của chúng tôi với các nhà cung cấp ở tất cả các thị trường đối tác của công ty, bao gồm Việt Nam“.
Ông Vũ Đức Giang – Chủ tịch VITAS, cho biết: “Chưa bao giờ ngành dệt may chịu áp lực và thay đổi kế hoạch nhanh chóng mặt như hiện nay.”
Để “sống sót” qua khủng hoảng Covid-19, Bộ Công Thương cho rằng Việt Nam phải “trở thành công xưởng sản xuất khẩu trang của thế giới”.
Khi các thị trường nước ngoài giảm bớt nhu cầu với quần áo, một số nhà máy chuyển sang mục tiêu khác. Theo Bộ Công Thương, ít nhất 50 công ty dệt may Việt Nam đang sản xuất khẩu trang y tế hoặc lên kế hoạch tương tự. Công ty Cổ phần Đầu tư và Thương mại TNG, một trong những công ty lớn nhất ngành dệt may Việt Nam, thường cung ứng hàng cho nhiều đối tác nước ngoài như Levi’s, Tesco và Decathlon. Tuy nhiên, kể từ mùa Xuân năm nay, TNG đã xuất khẩu hàng triệu chiếc khẩu trang.
Ông Frank Weiand, cố vấn về nội địa hóa chuỗi cung ứng tại Cơ quan Phát triển Quốc tế Mỹ (USAID) tại Hà Nội nói: “Rất nhiều công ty dệt may chuyển sang sản xuất khẩu trang, hầu hết đều thành công“.
Khẩu trang là mặt hàng có giá trị nhỏ, nhưng theo Chủ tịch VITAS, sản phẩm này lại có tiềm năng xuất khẩu lớn vì đang trở thành mặt hàng bắt buộc và phổ biến trên toàn thế giới. Các hãng dệt may Việt Nam đặt cược vào sản xuất khẩu trang với niềm tin là nhu cầu khẩu trang trên toàn cầu sẽ duy trì ổn định vì việc chấm dứt đại dịch Covid-19 sẽ mất nhiều thời gian.
Theo Nikkei, với lợi thế có nhiều thỏa thuận thương mại nhất khu vực Đông Nam Á, bao gồm hiệp định TPP và EVFTA. Việt Nam đã rất nhanh chóng nắm bắt xu hướng, đổi mới sản xuất để phù hợp với nhu cầu người tiêu dùng. Điều đó khiến kinh tế phát triển mạnh, thế giới tin tưởng và dần thành công thay thế Trung Quốc trở thành công xưởng của thế giới.
Bảo Trâm (Lược dịch theo Nikkei Asian Review)