Nikkei Asia: Ba cách để ông Joe Biden có thể lập tức xoay trục Mỹ sang Châu Á
Tổng thống mới đắc cử Joe Biden được tin có thể bắt tay giải quyết ngay 3 vấn đề chính trong những ngày đầu nhậm chức để thay đổi chính sách của Mỹ đối với châu Á.
Các nhà phân tích nhận định, ông Biden khó có khả năng đảo ngược hoàn toàn đường lối của Tổng thống Donald Trump về các vấn đề quan trọng, gây ảnh hưởng đến toàn châu Á. Tuy nhiên, về an ninh, thương mại và biến đổi khí hậu, ông Biden được kỳ vọng sẽ có những hành động không chỉ tái thiết cam kết của Mỹ với các đồng minh và hiệp ước quốc tế, mà còn khích lệ việc hợp tác với các đối thủ như Trung Quốc.
Theo Nikkei Asia, ông Biden hôm 12/11 đã tìm cách củng cố quan hệ với các đồng minh châu Á quan trọng, qua những các cuộc điện đàm đầu tiên với các nhà lãnh đạo Nhật Bản, Hàn Quốc và Australia. Tờ báo này cũng chỉ ra 3 vấn đề chính ông Biden có thể bắt tay giải quyết ngay trong những ngày đầu nhậm chức, để có thể thay đổi chính sách của Mỹ đối với châu Á:
An ninh
Thái độ cứng rắn hơn với Trung Quốc là một trong số ít vấn đề quan trọng mà 2 chính đảng của Mỹ tìm được tiếng nói chung. Tuy nhiên, Nikkei Asia nhận định, thái độ của Washington đối với Trung Quốc trong tương lai sẽ thay đổi, ít nhất từ thời điểm này đến tháng 1 năm sau.
“Lối hành xử bốc đồng và những tuyên bố có phần quá đà dưới thời ông Trump có thể sẽ không còn nữa. Chúng ta có thể sẽ mong đợi những suy nghĩ và hành động chiến lược và thận trọng hơn của chính quyền Biden”, Jay Batongbacal, Giám đốc Viện Nghiên cứu hàng hải và luật biển thuộc Đại học Philippines, cho biết trong một cuộc gặp trực tuyến với báo giới hôm 9/11.
Còn theo ông Carl Thayer, giáo sư danh dự tại Đại học New South Wales, Mỹ vẫn sẽ tiếp tục các hoạt động tự do hàng hải trong các vùng biển tranh chấp, cũng như các cuộc tập trận quân sự với các nước thuộc “Tứ giác Kim cương”, liên minh quân sự mới được chính quyền Tổng thống Trump phục hồi.
Ông Biden được cho là sẽ bổ nhiệm những gương mặt vốn quen thuộc với các nguồn tài chính tại châu Á, những người có khả năng điều phối các nỗ lực của Washington trong việc mở rộng quan hệ với các quốc gia ở Đông Nam Á. Các tổ chức tại khu vực này, như ASEAN sẽ được chính quyền Biden ưu ái hơn so với ông Trump.
Chính sách của ông Biden đối với bán đảo Triều Tiên cũng có khả năng mang lại sự trợ giúp tức thì đối với Hàn Quốc và Nhật Bản, những nước đồng minh đang bị Tổng thống Trump gây áp lực phải trả thêm tiền để giữ quân đội Mỹ ở lại.
Giáo sư Carl Thayer nhận định, dưới thời ông Joe Biden, các mối quan hệ liên minh giữa Washington với Tokyo và Seoul được cho là sẽ “ít mang tính đối kháng hơn và mang tính phản ứng nhanh hơn”. “Điều đó đồng nghĩa với việc các nước cũng có thể phối hợp tốt hơn trong các cuộc tập trận trên Biển Đông, và tôi cho rằng chúng ta sẽ được thấy hải quân Hàn Quốc đóng vai trò lớn hơn”.
Tổng thống Trump đã gặp nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong Un hai lần trong các hội nghị cấp cao, song vẫn chưa đạt một được cam kết chắc chắn nào về việc phi hạt nhân hóa từ phía Bình Nhưỡng.
Theo Leif-Eric Easley, Phó giáo sư khoa Nghiên cứu quốc tế tại Đại học Nữ sinh Ewha ở Seoul (Hàn Quốc), chính quyền ông Biden nhiều khả năng sẽ theo đuổi các cuộc đàm phán cấp sự vụ với Bình Nhưỡng hơn là các hội nghị thượng đỉnh và các thỏa thuận lớn. Ông Biden cũng được cho là sẽ yêu cầu các khoản chi phí quân sự khiêm tốn hơn từ phía Seoul, mà không cần đe dọa sẽ rút quân Mỹ khỏi Hàn Quốc.
Thương mại
Đối với châu Á, một câu hỏi khác được đặt ra là liệu Tổng thống đắc cử Joe Biden có đưa Mỹ trở lại Hiệp định Đối tác Toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP) hay không.
Theo Nikkei Asia, việc Mỹ tái gia nhập CPTPP dưới chính quyền ông Biden sẽ mang lại nhiều cơ hội hơn cho các nền kinh tế định hướng xuất khẩu như Nhật Bản và Singapore. Điều này cũng có thể khuyến khích các quốc gia không phải thành viên xem xét tham gia, dù việc đàm phán lại các điều khoản của CPTPP có thể gây rủi ro đối với các thành viên hiện tại.
Song với việc ông Biden được cho là sẽ ưu tiên các vấn đề trong nước, như giảm thiểu cuộc khủng hoảng gây ra bởi Covid-19 hay đảm bảo việc làm cho người Mỹ, một thỏa thuận thương mại sẽ không thể diễn ra một cách nhanh chóng.
“Chúng tôi sẽ không đàm phán bất kỳ thỏa thuận thương mại mới nào trước khi đầu tư vào khả năng cạnh tranh của Mỹ ngay trên sân nhà”, cương lĩnh của Đảng Dân chủ, được phê duyệt vào tháng 8 vừa qua, nêu rõ.
Trong một bài viết được đăng tải hôm 9/11, Nick Marro, người đứng đầu bộ phận thương mại toàn cầu của Economist Intelligence Unit, cho rằng “không có khả năng chúng ta sẽ được thấy bất kỳ động thái mạnh mẽ nào từ việc Mỹ tham gia CPTPP trong thời gian tới, đặc biệt khi ông Biden đang cố gắng tránh làm suy giảm uy tín của mình đối với những cử tri cấp tiến, những người có xu hướng chống thương mại mạnh mẽ hơn”.
Ngành công nghệ của Trung Quốc có thể có một số không gian “dễ thở” hơn, vì ông Biden có thể không xem xét một cách kỹ lưỡng các hoạt động xuất khẩu công nghệ sang Trung Quốc như Tổng thống Trump. Ankit Panda, thành viên cấp cao của tổ chức Carnegie Endowment for International Peace, cho biết “tôi mong đợi việc Mỹ sẽ nới lỏng các lệnh áp thuế, nhưng vẫn tiếp tục các biện pháp phi thuế quan, đặc biệt tập trung vào tính toàn vẹn của chuỗi cung ứng và sở hữu trí tuệ”.
Biến đổi khí hậu
Trong suốt chiến dịch tranh cử của mình, ông Biden từng cam kết sẽ đưa Mỹ trở lại Thỏa thuận Paris về biến đổi khí hậu ngay trong ngày đầu tiên nhậm chức. Tuy nhiên, ngay cả khi đảng Dân chủ giành quyền kiểm soát lưỡng viện, ông Biden vẫn sẽ phải đối mặt với các phản ứng từ các ngành công nghiệp, như sản xuất ôtô, trong việc đề ra một biện pháp có thể gây ảnh hưởng đến các ngành phụ thuộc vào một số lượng lớn carbon nhập khẩu.
Theo giáo sư Mary Alice Haddad từ Đại học Wesleyan (Mỹ), không có lý do gì chính quyền của ông Biden lại không thể bắt tay vào các lĩnh vực có thể dễ dàng đưa ra chính sách khiến đôi bên cùng có lợi. Đối với ông Biden, điều đó có thể dễ dàng như việc xây dựng lại Cơ quan Bảo vệ môi trường và khôi phục các quy định từng bị ông Trump đảo ngược.
Trên bình diện quốc tế, điều này sẽ đồng nghĩa với một sự kết hợp giữa việc quảng bá các sản phẩm “xanh” của Mỹ ở nước ngoài, với việc gây ảnh hưởng đối với các tổ chức tài chính phát triển đa phương tiện như Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF), Ngân hàng Thế giới (WB) hoặc Ngân hàng Phát triển Châu Á (ADB) để ưu tiên các dự án hạ tầng xanh.
Khả năng này sẽ mở ra cánh cửa để Mỹ có thể hợp tác với sáng kiến Vành đai và Con đường của Trung Quốc. “Đó là sự thiết lập có lợi cho đôi bên, khi các công ty Mỹ có công nghệ và mong muốn được tiếp cận những thị trường lớn hơn, còn Trung Quốc có cả thị trường và nhu cầu thương mại”, giáo sư Mary Haddad nhận định.
Thành Nhân/Nikkei Asia