Nikkei: Amazon đi sân sau với mục tiêu đánh bại Alibaba tại thị trường Việt Nam

Bảo Trâm 17/06/2021 07:31

Trang Nikkei Asia Review vừa có bài viết với thông tin, “gã khổng lồ” thương mại điện tử Amazon đang đẩy mạnh việc tuyển dụng thêm nhiều nhà bán hàng trên nền tảng số tại Việt Nam với mục đích đánh bại đối thủ Alibaba.

Theo Nikkei, việc tập trung vào thị trường Việt Nam là một phần trong chiến lược mở rộng hoạt động của Amazon nhằm tiếp cận các nhà cung ứng khu vực châu Á.

Theo đó, chiến lược này đang dần có hiệu quả khi phía Amazon thông báo rằng số lượng nhà bán xuất khẩu hàng hoá trị giá ít nhất 1 triệu USD từ Việt Nam đã tăng gấp 3 lần số với năm ngoái. Kết quả này được thúc đẩy phần lớn do nhiều khách hàng nước ngoài mua sắm đồ đạc trong nhà giai đoạn giãn cách xã hội.

Amazon từ chối câu hỏi của Nikkei Asia về vấn đề có bao nhiêu nhà bán hàng ở Việt Nam đã vượt mốc doanh số 1 triệu USD. Tuy nhiên, Amazon lại tiết lộ, sự gia tăng này được thúc đẩy nhờ nhu cầu tăng mạnh đối với dụng cụ, đồ dùng nhà bếp, thủ công mỹ nghệ, đồ gia dụng và quần áo.

Trả lời Nikkei, ông Gijae Seong, Chủ tịch Amazon Global Selling Việt Nam chia sẻ: “Nhờ những nhà bán hàng Việt Nam, các mặt hàng trên Amazon ngày càng trở nên phong phú“.

Đặc biệt, Việt Nam hiện là nguồn cung ứng quần áo, cà phê và hải sản hàng đầu thế giới thông qua những nhà nhập khẩu chuyên nghiệp. Tuy nhiên, sự nổi lên của thương mại điện tử đồng nghĩa với việc nhiều doanh nghiệp Việt Nam có thể gửi hàng hoá thẳng đến khách hàng nước ngoài. Amazon kỳ vọng xu hướng này sẽ được thúc đẩy nhanh hơn nữa, theo Nikkei Asia Review.

Những năm gần đây, Amazon Global Selling đã dần mở văn phòng tại nhiều địa điểm châu Á, từ Trung Quốc đến Thái Lan. Tháng 3 vừa qua, công ty đã thiết lập văn phòng tại Hà Nội, sau đó bổ sung thêm chi nhánh tại TP. HCM.

Chủ tịch Gijae Seong nhấn mạnh, nhờ làn sóng chuyển dịch cơ sở sản xuất ra khỏi Trung Quốc, các công ty tại Việt Nam đang có nhiều lợi thế cạnh tranh trong lĩnh vực sản xuất. Năm 2015, Việt Nam là nguồn nhập khẩu lớn thứ 11 của Hoa Kỳ. Đến năm 2020, Việt Nam đã vươn lên vị trí thứ 6.

Bên cạnh đó, Mỹ là thị trường xuất khẩu lớn nhất của Việt Nam, khi ngày càng nhiều người Mỹ làm việc tại nhà và có nhu cầu về hàng hoá được sản xuất tại Việt Nam.

Khi có nhiều nhà cung ứng hơn trên nền tảng, sự cạnh tranh sẽ ngày càng tăng lên. Điều này cũng thúc đẩy giá cả hàng hoá giảm, đồng thời thu hút nhiều khách hàng trung thành hơn“, ông Hiếu Đinh, cựu tư vấn viên nói với Nikkei.
Theo Nikkei, điều này sẽ tạo ra “vòng quay không ngừng”, khi nhiều người mua sắm sẽ thu hút nhiều người bán hơn và ngược lại. Hơn nữa, đại dịch Covid-19 cũng khiến nhiều doanh nghiệp Việt Nam quyết định kinh doanh online. Báo cáo từ Hiệp hội Thương mại Điện tử Việt Nam nêu rõ, năm 2020, Việt Nam có khoảng 22% doanh nghiệp hoạt động trên nền tảng online. Con số này hồi năm 2015 chỉ đạt 13%.

Thực tế, cả Amazon và Alibaba đều phải đối mặt với vấn đề về hàng nhái và chính sách đối với người bán hàng. Nhằm giải quyết tình trạng này, Amazon và Alibaba đã tổ chức những khóa đào tạo cho hàng trăm doanh nghiệp trên khắp cả nước, đào tạo họ từ việc niêm yết sản phẩm, đăng ký thương hiệu, cho đến chuyển hàng thông qua hệ thống Fulfillment (đối với Amazon)…

Bảo Trâm (Theo Nikkei Asia Review)

Tags :
Đọc nhiều