Những vụ phóng tên lửa thất bại làm thay đổi lịch sử vũ trụ thế giới

17/01/2020 06:46


Phóng tên lửa vào vũ trụ là một công việc mang tỉnh rủi ro cao, với ranh giới vô cùng mỏng manh giữa thất bại và thành công.

Dưới đây là những vụ phóng tên lửa trong lịch sử nhắc nhở chúng ta về mức độ khó khăn của công việc này và cách thức con người học từ những sai lầm.

nhung vu phong ten lua that bai lam thay doi lich su vu tru the gioi hinh 1
Tên lửa Proton-M. Ảnh: NASA Spaceflight.

1. Vụ thử tên lửa VLS-1 sử dụng nhiên liệu rắn

Vào năm 2003, Brazil từng hy vọng trở thành một quốc gia không gian vũ trụ. Đất nước này nằm ở vị trí hoàn hảo trên đường xích đạo, nơi vòng quay của Trái đất giúp cung cấp thêm sức nâng cho tên lửa. Nhưng vào tháng 8/2003, 3 ngày trước khi vụ phóng được Cơ quan Vũ trụ Brazil lên kế hoạch thực hiện, thị trấn Alcantara đã rung chuyển bởi một vụ nổ lớn.

Tại sân bay vũ trụ, một cột khói đen cao chót vót bốc lên từ nơi đặt tên lửa VLS-1 sử dụng nhiên liệu rắn. Vụ nổ khiến 21 người thiệt mạng và hàng chục người bị thương. AP cho biết, các cuộc điều tra sau đó đều không rõ ràng. Báo cáo điều tra trích dẫn một số nguy cơ, mà bất kỳ nguy cơ nào trong số này cũng có thể gây ra thảm họa. Chất khí dễ bay hơi tập trung lại trong khi các cảm biến bị hỏng và tên lửa bị nhiễu điện từ. Báo cáo không xác định rõ có phải sự phóng điện đã đốt cháy một trong số 4 động cơ đẩy của quả tên lửa và gây ra thảm họa hay không, thay vì đó nó cho rằng chính cách quản lý lỏng lẻo là nguyên nhân dẫn đến thảm họa.

“Chúng tôi nhận thấy sự thiếu quản lý rủi ro một cách chính thức và chi tiết, đặc biệt là trong việc tiến hành các hoạt động liên quan đến việc chuẩn bị cho buổi phóng”, báo cáo cho biết. Theo báo cáo, đội ngũ nhân viên vận hành tên lửa quá mỏng và làm việc quá sức. Ngân sách quốc gia dành cho chương trình không gian của Brazil năm 2003 không quá 20 triệu USD, ít hơn nhiều so với ngân sách 300 triệu USD mà Ấn Độ dành cho chương trình không gian của họ cùng thời điểm. Bài học tại Alcantara là rất rõ ràng. Thực hiện một chuyến bay vào vũ trụ đòi hỏi phải đặt sự an toàn lên hàng đầu, sau đó mới kể đến chi phí. Các thủ tục phức tạp và các biện pháp dự phòng nhằm đảm bảo an toàn đòi hỏi cần có thêm nhiều nhân lực và chúng không hề rẻ, nhưng lại rất cần thiết.

Các động cơ của tên lửa đẩy dùng nhiên liệu rắn rất dễ sử dụng nhưng chúng cũng rất nguy hiểm. Vì thế việc sử dụng tên lửa này cần thêm một số biện pháp đảm bảo an toàn dự phòng. Vụ nổ về cơ bản đã chấm dứt khát vọng của Brazil nhằm xây dựng một chương trình vũ trụ vào thời điểm đó.

2. Vụ thử tên lửa Falcon-1 lần thứ nhất

Đảo san hô nhân tạo Kwajalein Atoll nằm cách quần đảo Hawaii ở trung tâm nhiệt đới của Thái Bình Dương, hơn 4.000 km về phía tây nam. Các đầu đạn không vũ trang được phóng từ California thường bay đến đây trong các vụ thử tên lửa đạn đạo xuyên lục địa ICBM bởi nơi đây có rất nhiều vùng đất trống. Kwajalein cũng có một chức năng khác, đây là nơi SpaceX đặt bệ phóng để thử nghiệm các tên lửa không gian.

Vào tháng 3/2016, 4 năm sau khi Elon Musk thành lập Spacex, công ty công nghệ này đã chuẩn bị mọi thứ cho vụ phóng tên lửa Falcon 1, có chiều dài hơn 23m. Elon Musk cần phải chứng minh được rằng tên lửa này không thể bay và hơn nữa, còn bay một cách ổn định nếu ông muốn thực hiện giấc mơ chinh phục không gian của mình. Chỉ vài tuần trước khi phóng, tên lửa này bị tiếp xúc với không khí mặn. Đến ngày 26/3, Falcon 1 được phóng vào vũ trụ mang theo vệ tinh của Học viện không quân.

Việc đếm ngược được tiến hành, không có âm thanh cảnh báo. Khi đồng hồ đếm ngược xuống còn 2 giây các van của tên lửa được mở ra để nhiên liệu chảy vào buồng đốt. Tuy nhiên lúc đó một đai ốc bằng nhôm đã bị bật ra khiến nhiên liệu phun ra ngoài và bốc cháy trong qúa trình phóng. Tên lửa bay lên khoảng 34 giây trước khi ngọn lửa nuốt chửng một đường khí nén khiến động cơ dừng hoạt dộng. Phân tích cho thấy không khí mặn đã làm rỉ các đai ốc bằng nhôm khiến nó không thể chịu được sức ép của vụ phóng.

SpaceX đã thực hiện nhiều nỗ lực để tiến hành vụ phóng tiếp theo nhưng vụ phóng thứ 2 cũng bị thất bại. Sau các nỗ lực bất thành, đến ngày 28/9/2008, Flacon-1 đã trở thành tên lửa có động cơ sử dụng nhiên liệu lỏng đầu tiên do tư nhân phát triển đạt tới quỹ đạo, và đưa Space X phát triển theo một hướng mới.

3. Phóng tên lửa mang vệ tinh Kanopus-ST

Vào ngày 5/5/2015, quân đội Nga đã học được một bài học đáng nhớ về việc xử lý tất cả các tình huống bất ngờ.

Lực lượng phòng vệ không gian vũ trụ Nga đã sử dụng tên lửa  Soyuz-2.1B  để phóng vệ tinh Kanopus-ST vào quỹ đạo với mục đích tiến hành các nghiên cứu về thời tiết.

Tuy nhiên, vệ tinh Kanopus-ST không tách ra được khỏi tên lửa, do trục trặc ở một trong các ổ khóa cố định vệ tinh vào tên lửa. Có 4 ổ khóa nhưng chỉ có 3 cái mở, trong khi cái còn lại vẫn gắn chặt vệ tinh này với tên lửa.

Các kỹ sư bất lực, không có kế hoạch cho việc tách rời trong tình huống khẩn cấp. “Các nhà phát triển tài liệu kỹ thuật đã không đưa ra một thuận toán khẩn cấp trong trường hợp cơ chế piston không mở khóa”, TASS trích dẫn các nguồn tin quân sự của Nga cho biết.

4. Phóng tên lửa mang vệ tinh của Arianespace

Vào ngày 25/1/2018, nhà thầu phóng vệ tinh Arianespace đã phóng 1 cặp vệ tinh lên quỹ đạo tại sân bay vũ trụ ở Guiana của Pháp. 9 phút 26 giây sau khi các vệ tinh được phóng đi, phòng điều khiển đã mất dữ liệu từ xa đối với cặp vệ tinh này. Sự yên lặng bao trùm bầu không khí. Các vệ tinh đã không ở vị trí chúng cần ở. Quỹ đạo của chúng bị sai lệch và các trạm theo dõi trên toàn cầu không thể tìm thấy chúng.

Tuy nhiên, sự lo lắng đã giảm bớt phần nào ngay trong buổi tối hôm đó khi tín hiệu từ con tàu vũ trụ tái xuất hiện. Các vệ tinh đang ở trong quỹ đạo và hoạt động rất tốt, nhưng có điều gì đó không ổn. Chúng không ở đúng vị trí.

Các nhà điều tra đã sớm công bố vấn đề: những chỉ dẫn tồi đã được đưa ra đối với hệ thống dẫn đường của tên lửa. Trong vài giây đầu của chuyến bay, tên lửa đã ở góc phương vị 90 độ, trong khi hoạt động này đòi hỏi góc phương vị 70 độ. Khi quỹ đạo bị lệch, trung tâm kiểm soát đã mất liên lạc với tên lửa, vệ tinh bay đúng khoảng cách nhưng ở góc sai lệch. Sau sự cố này Arianespace đã thiết lập các quy trình mới nhằm kiểm soát kỹ lưỡng việc điều hướng và những thao tác khác của con người.

5. Tên lửa Proton-M rơi do thừa nhiên liệu

Vào ngày 5/12/2010, Nga thực hiện vụ phóng 3 vệ tinh định vị toàn cầu phiên bản mới GLONASS bằng tên lửa Proton-M. Tên lửa này cũng là phiên bản nâng cấp.

Chuỗi thảm họa bắt đầu khi các kỹ thuật viên tiếp nhiên liệu cho tên lửa. Họ đã sử dụng các quy trình lỗi thời để đổ đầy nhiên liệu vào bể chứa, lấp đầy tầng trên của tên lửa với 1,5 tấn oxy lỏng. Đây là một sai lầm nghiêm trọng vì điều đó đã làm tăng trọng lượng phần đầu của tên lửa và không cho phép tên lửa đạt được tốc độ cần thiết đến cuối hành trình để đưa 3 vệ tinh vào quỹ đạo. Do vụ phóng không thành công nên cả tên lửa và 3 vệ tinh đều bị rơi xuống Thái Bình Dương.

Bài học rút ra ở đây là cần phải chú ý đến việc tiếp nhiên liệu, vốn là một phần quan trọng của vụ phóng mà không thể xem nhẹ. Tiếp đến là chú ý tới các thao tác đối với phiên bản nâng cấp. Việc nâng cấp tên lửa là một ý tưởng tuyệt vời và là dấu hiệu của sự sáng tạo về kỹ thuật. Nhưng điều này cũng tạo ra các rủi ro khi hệ thống cũ khác biệt hơn nhiều so với các hệ thống mới. Trong trường hợp này, quy trình cũ đã không tương thích với loại tên lửa mới.

Thành Nhân

Tags :
Đọc nhiều