Những tỉnh thành nào chưa đồng ý sắp xếp, sáp nhập huyện xã?

30/07/2019 14:37

Giai đoạn 2019-2021, cả nước có 20 đơn vị hành chính cấp huyện và 623 đơn vị hành chính cấp xã phải sắp xếp, sáp nhập để giảm 4 huyện và 539 xã.

Bộ Nội vụ vừa có báo cáo nhanh thống kê số liệu về sắp xếp các đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã trong giai đoạn 2019-2021.

Báo cáo của Bộ Nội vụ cho biết, đến nay cả nước cơ bản đã thực hiện việc rà soát số liệu để xác định số đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã thuộc diện phải thực hiện sắp xếp trong giai đoạn 2019 – 2021.

Hiện chỉ còn hai địa phương là Cần Thơ và TP.HCM và chưa tổng hợp được số liệu về diện tích tự nhiên, quy mô dân số của các đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã.

Giảm 4 đơn vị hành chính cấp huyện

Trong số các tỉnh, thành phố đã thực hiện rà soát, có 13 tỉnh, thành phố trong cả nước thuộc diện phải sắp xếp các đơn vị hành chính cấp huyện. Trong đó, 4 tỉnh, thành đồng ý tiến hành việc sắp xếp 6 đơn vị hành chính cấp huyện trong giai đoạn 2019 – 2021 gồm: Cao Bằng (3 huyện), Hòa Bình (1 huyện), Yên Bái (1 huyện) và Điện Biện (1 huyện).

nhung tinh thanh nao chua dong y sap xep, sap nhap huyen xa? hinh anh 1
Theo Bộ Nội vụ, giai đoạn 2019-2021. cả nước có 20 đơn vị hành chính cấp huyện và 623 đơn vị hành chính cấp xã phải sắp xếp, sáp nhập để giảm 4 huyện và 539 xã. (Ảnh mh: T.A)

Các tỉnh, thành phố còn lại đề nghị chưa tiến hành việc sắp xếp các đơn vị hành chính cấp huyện trong giai đoạn 2019 – 2021, cụ thể gồm 9 tỉnh, thành: Tiền Giang 1, Quảng Trị 2, Quảng Ninh 2, Quảng Ngãi 4, Lào Cai 1, Lai Châu 1, Khánh Hòa 1, Hải Phòng 1, Hà Tĩnh 1.

Trong số này, có bốn huyện của bốn tỉnh, thành do có yếu tố đặc thù là huyện đảo, cù lao nằm biệt lập, gồm: Cô Tô (Quảng Ninh), Bạch Long Vỹ (Hải Phòng), Cồn Cỏ (Quảng Trị), Tân Thới Đông (Tiền Giang).

Theo các phương án các tỉnh, thành gửi đến Bộ Nội vụ, có 4 phương án sáp nhập hai huyện thành một huyện mới; 2 phương án điều chỉnh địa giới đơn vị hành chính để hình thành các đơn vị hành chính mới nhưng không làm giảm số lượng đơn vị hành chính.

Sau khi sắp xếp, số lượng đơn bị hành chính cấp huyện giảm là bốn đơn vị. Trong đó: Tỉnh Cao Bằng giảm 3 huyện, tỉnh Hòa Bình giảm 1 huyện; tỉnh Yên Bái có điều chỉnh đơn vị hành chính cấp huyện nhưng không giảm số lượng đơn vị hành chính cấp huyện. Số lượng đơn vị hành chính cấp huyện mới hình thành chưa đạt các tiêu chuẩn theo quy định là 6 đơn vị.

Giảm 539 đơn vị hành chính cấp xã 

Cũng theo báo cáo của Bộ Nội vụ, cả nước có 42 tỉnh, thành phố phải sắp xếp 623 đơn vị hành chính cấp xã. Trong đó, 39 tỉnh, thành phố đồng ý tiến hành sắp xếp 518 các đơn vị hành chính cấp xã.

3 tỉnh, thành đề nghị chưa tiến hành việc sắp xếp 105 đơn vị hành chính cấp xã (gồm: Hà Nội, tỉnh Vĩnh Phúc và Quảng Ninh). Bộ Nội vụ đã có văn bản gửi các tỉnh, thành này đề nghị thực hiện việc sắp xếp đơn vị hành chính theo đúng chủ trương của Đảng và quy định của pháp luật.

4 tỉnh, thành mặc dù không có đơn vị hành chính cấp xã thuộc diện phải sắp xếp nhưng đã tiến hành sắp xếp các đơn vị hành chính cấp xã theo diện khuyến khích, gồm: Bình Thuận, Kiên Giang, Sơn La và Tây Ninh.

Về phương án sắp xếp các xã: Có 3 phương án sáp nhập 4 xã thành một xã mới;  84 phương án sáp nhập 3 xã làm một xã mới; 337 phương án sáp nhập 2 xã  thành một xã mới; 56 phương án có điều chỉnh địa giới để hình thành các xã mới; tám phương án có điều chỉnh địa giới thành xã mới nhưng không làm giảm số lượng xã.

Đáng chú ý, trong số này có những tỉnh giảm nhiều như: tỉnh Hòa Bình giảm 59/210 xã, Cao Bằng giảm 40/199 xã, Phú Thọ giảm 52/277 xã, Hà Tĩnh giảm 46/262 xã, Thanh Hóa giảm 76/635 xã, Lạng Sơn giảm 26/226 xã, Hải Dương giảm 30/265 xã…

Sau khi sáp nhập, số lượng xã mới hình thành bảo đảm đạt cả hai tiêu chuẩn hoặc do có từ ba xã nhập thành một xã là 151 đơn vị. Số lượng xã mới hình thành chưa đạt các tiêu chuẩn theo quy định là 327 đơn vị.

Theo Nghị quyết 653/2019/UBTVQH14, việc sắp xếp lại các đơn vị hành chính cấp huyện, xã phải đáp ứng nguyên tắc như:

– Sau khi sắp xếp thì các đơn vị mới phải đạt tiêu chuẩn về diện tích tự nhiên, quy mô dân số, trừ khi nhập từ 3 đơn vị hành chính cùng cấp trở lên hoặc nhập 2 đơn vị hành chính cùng cấp mà có yếu tố đặc thù nên không thể nhập thêm.

– Gắn việc sắp xếp với đổi mới bộ máy của hệ thống chính trị tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả, tinh giản biên chế, cơ cấu lại đội ngũ cán bộ.

(Theo Dân Việt)

Đọc nhiều