Những tín hiệu lạc quan trong ‘cuộc chiến’ chống lại virus Corona
Trước sự lây lan ngày càng nhanh của dịch viêm phổi do virus Corona, các nước trên thế giới đang phải ‘chạy đua’ cùng thời gian với hy vọng có thể tìm ra phương thức điều trị bệnh hiệu quả trước khi số người tử vong quá lớn.
Nhật Bản nuôi cấy và cô lập thành công chủng virus Corola mới
Viện nghiên cứu các bệnh truyền nhiễm quốc gia (NIID) của Nhật Bản đã nuôi cấy và cô lập thành công chủng virus Corona mới gây bệnh viêm phổi cấp từ một bệnh nhân nhiễm virus này.
Theo NIID, chuỗi gen của chủng virus đã được cô lập trùng khớp tới 99,9% với chuỗi gen của virus Corona mà chính phủ Trung Quốc đã công bố. Trong virus đã được cô lập này, không có bất cứ sự biến đổi nào về gen có thể dẫn tới sự lây nhiễm hay độc tính cao hơn.
Với thành công này, NIID sẽ bắt đầu quá trình phát triển vaccine phòng ngừa, thuốc chữa trị và thiết bị chẩn đoán nhanh virus Corona. Bên cạnh đó, NIID dự định sẽ chia sẻ chủng virus đã bị cô lập này cho các nhà nghiên cứu và công ty trong lúc cố gắng tìm ra cơ chế lây nhiễm của chủng virus nguy hiểm mới, đồng thời thúc đẩy nghiên cứu về độc tính của chúng.
Nga công bố 3 loại thuốc có thể điều trị cho bệnh nhân
Trong khi các nhà khoa học trên thế giới vẫn đang nỗ lực nghiên cứu vaccine đối phó với dịch viêm phổi do chủng virus Corona mới gây ra, Bộ Y tế Nga đã công bố 3 loại thuốc có thể dùng để điều trị cho các bệnh nhân.
Theo Reuters, 3 loại thuốc mà Bộ Y tế Nga tin tưởng có thể dùng để điều trị cho bệnh nhân nhiễm virus Corona gồm ribavirin, lopinavir/ritonavir và interferon beta-1b. Các thuốc này thường được sử dụng cho các bệnh nhân viêm gan, HIV và đa xơ cứng.
Bộ Y tế Nga không chỉ đưa ra khuyến nghị mà còn miêu tả chi tiết phác đồ điều trị đối với các bệnh nhân nhiễm virus Corona. Bộ này cũng chỉ dẫn rằng, để ngăn chặn và giảm mức độ nghiêm trọng của các triệu chứng do virus này gây ra, thuốc cần được sử dụng trong vòng 2 ngày kể từ khi tiếp xúc với người nhiễm bệnh. Bộ Y tế Nga cũng khuyến cáo việc giữ gìn vệ sinh để tránh lây nhiễm như thường xuyên rửa tay, đeo khẩu trang.
Trước đó, Ribavirin từng được sử dụng trong điều trị dịch SARS năm 2003 ở Trung Quốc. Đại dịch SARS đã lấy đi sinh mạng của khoảng 774 người, khiến hơn 8.000 người nhiễm bệnh ở 17 quốc gia trên thế giới.
Trung Quốc tìm ra 3 loại thuốc chống virus Corona
Các nhà nghiên cứu Trung Quốc đã tìm ra 3 loại thuốc hiện hữu có tác dụng ức chế khá tốt đối với virus Corona mới ở cấp độ tế bào.
Tờ Hồ Bắc Nhật báo đưa tin rằng các nhà khoa học Trung Quốc đã tìm ra 3 loại thuốc chống virus Corona gây viêm phổi Trung Quốc khá hiệu quả là Remdesivir, Chloroquine và Ritonavir.
Hiện các nhà khoa học Trung Quốc đang xúc tiến các thủ tục liên quan để giới hữu trách chấp thuận cho sử dụng lâm sàng đối với 3 loại thuốc Remdesivir, Chloroquine và Ritonavir.
Chính các nhà khoa học tại Học viện Khoa học Quân y và Viện Vi rút học Vũ Hán (WIV) thuộc Viện Khoa học Trung Quốc (CAS) đã tìm ra công dụng ức chế khá tốt đối với virus Corona mới ở cấp độ tế bào của 3 loại thuốc Remdesivir, Chloroquine và Ritonavir, theo Tân Hoa xã.
Mới đây, các nhà dịch tễ học Trung Quốc tuyên bố đã tìm ra biện pháp điều trị cho những bệnh nhân bị ảnh hưởng nghiêm trọng bởi chủng virus Corona mới.
Li Lanjuan, nhà dịch tễ học hàng đầu Trung Quốc, cho biết: “Phương pháp này được gọi là ‘4 chống và 2 cân bằng’. Đây là chiến lược tổng thể mới để giải cứu các bệnh nhân nguy kịch”.
Bà Li hiện là học giả của Học viện Kỹ thuật Trung Quốc, đồng thời là người đứng đầu Phòng thí nghiệm quốc gia về chẩn đoán và điều trị các bệnh truyền nhiễm. Theo bà Li, đầu tiên là chống lại virus. Các nhà khoa học nhận thấy nếu bắt đầu điều trị bằng thuốc kháng virus một ngày trước đó, tỷ lệ bệnh nhân trong tình trạng nguy kịch giảm 10% và tỷ lệ tử vong giảm 13%.
“Thứ hai là chống sốc bằng cách bổ sung các chất muối. Thứ ba là ngăn ngừa thiếu oxy và suy đa tạng. Thứ tư là ngăn ngừa và chống nhiễm trùng thứ cấp. Chúng tôi áp dụng điều trị bằng thuốc kháng virus ở giai đoạn đầu và sử dụng kháng sinh khi nhiễm trùng thứ cấp xảy ra”, bà Li cho biết.
Ngoài ra, bà Li cũng cho biết “2 cân bằng” đề cập đến việc duy trì cân bằng chất điện giải nước, axit bazơ và cân bằng sinh thái vi mô. “Việc điều trị cho những bệnh nhân nguy kịch có ý nghĩa rất lớn. Chỉ bằng cách hạ thấp tỷ lệ tử vong, chúng ta mới có thể xoa dịu nỗi sợ hãi của người dân”, chuyên gia này nhận định.
Trước đó, các nhà khoa học Hồng Hồng Kông đã phát triển được vaccine cho bệnh viêm phổi Vũ Hán do virus Corona mới gây ra nhưng cần thời gian để thử nghiệm. Giáo sư Viên Quốc Dũng tại Đại học Hồng Kông cũng cho biết nhóm nghiên cứu của ông đã sản xuất được vaccine ngừa virus Corona mới nhưng sẽ cần nhiều thời gian để thử nghiệm trên động vật.
Việt Nam đã chữa khỏi 2 trường hợp nhiễm virus Corona
Tính đến thời điểm hiện tại, Việt Nam đã có 6 trường hợp mắc bệnh (gồm 4 người Việt Nam và 2 người Trung Quốc) và chính thức chữa khỏi 2 trường hợp.
Theo thông tin từ Bệnh viện Chợ Rẫy (TP.HCM) cho biết, ông Li Ding, 66 tuổi, một trong 2 bệnh nhân bị nhiễm virus Corona và điều trị tại bệnh viện hiện đã âm tính.
Theo bác sĩ Lê Quốc Hùng, Trưởng khoa Bệnh Nhiệt đới Bệnh viện Chợ Rẫy, kết quả xét nghiệm hôm nay cho thấy bệnh nhân âm tính. Trước đó, con trai ông Li Ding là Li Zichao, 28 tuổi cũng đã được chữa trị thành công, xét nghiệm âm tính đối với virus Corona.
Theo bác sĩ Hùng, hiện chưa có phác đồ điều trị chính thống cũng như không có loại thuốc kháng virus đặc hiệu. Khuyến cáo chung của các nhà khoa học là điều trị hỗ trợ. Tuy nhiên, điều trị khác nhau ở mỗi nơi dựa trên tình trạng của từng bệnh nhân.
Với người con tên là Li Zichao, các bác sỹ Bệnh viện Chợ Rẫy đánh giá toàn bộ tình trạng bệnh nhân. Bệnh viện chỉ sử dụng một loại thuốc hạ sốt. Bên cạnh đó là một số biện pháp triệt để như mở rộng cửa tạo luồng không khí tự nhiên, 12 luồng không khí tự nhiên mỗi giờ, nhiệt độ phòng cao, có ánh nắng mặt trời nhằm diệt virus Corona. Thứ hai, theo bác sĩ Hùng, bệnh viện áp dụng biện pháp súc họng bằng dung dịch sát khuẩn.
Với người cha Li Ding, vốn có rất nhiều bệnh nền như tiểu đường, cao huyết áp, suy mạch vành, ung thư phổi đã qua phẫu thuật, phải xét nghiệm mỗi ngày để phán đoán chuyện gì có thể xảy ra, từ đó điều chỉnh lượng thuốc.
“Quan trọng nhất là phải theo dõi, áp dụng tất cả kinh nghiệm điều trị lâm sàng để phát hiện sớm biến chứng và ngăn ngừa. Làm sao để giữ sức cho bệnh nhân, cơ thể ổn định, chống lại sự tàn phá của virus”, bác sĩ Hùng nói.
Thanh Thắng/NDT