28
category
441159

Những “thân cò” nơi đỉnh lũ

21/10/2020 13:26

Nếu như không có cơn “đại hồng thủy” ập về, có lẽ họ – những người phụ nữ Quảng Bình cũng sẽ nhận được những bông hoa tươi thắm, hoặc chí ít thì những lời chúc ấm áp từ người thân, bạn bè trong ngày Phụ nữ Việt Nam 20/10.

Nhưng cơn lũ dữ đã xóa tất cả. Họ đang phải vật lộn để giữ lấy mạng sống cho chính bản thân và gia đình họ. Món quà ngày 20/10, nếu ai may mắn nhận được là từ đoàn từ thiện: chai nước hoặc miếng lương khô cầm hơi chờ nước rút.

Nhiều người dân phải chui mái ngói để nhận quà

Cô lập

Sáng 20/10, một chuyến hàng cứu trợ 500 suất quà, gồm nước lọc, lương khô, xúc xích, sữa tươi được PV kêu gọi từ Hội Golf Quảng Bình thẳng tiến đến hai xã Hiền Ninh và Tân Ninh, huyện Quảng Ninh (Quảng Bình). Chiếc thuyền nhôm cùng người lái chuyên vượt thác Tam Lu trên sông Long Đại chất đầy hàng chồm lên từng đợt sóng giữa mênh mang nước lũ. Người lái thuyền nói, hôm nay nước đã rút được hơn 1m, nhưng nhìn làng mạc hai bên, nhiều nhà nước vẫn còn chạm mái.

Những “thân cò” nơi đỉnh lũ - ảnh 1
Chị Hiệu với tay lấy gói quà trong hai hàng nước mắt

Thuyền giảm ga để tiến vào làng Cổ Hiền, xã Hiền Ninh thì gặp một chiếc thuyền nhỏ chòng chành tiến ra, có hai thanh niên đang chèo, còn một cụ bà ngồi giữa. Thấy thuyền chúng tôi chở hàng cứu trợ, họ rạng ngời, nói rằng đã mấy hôm rất đói và khát. Trước lũ, mọi đồ đạc trong nhà đã chất lên chỗ cao, đặc biệt là lương thực và nước uống. Nhưng nước lũ lên quá nhanh tất cả bị ngập, bao gạo, xô nước mưa hứng dự trữ cũng bị sóng đánh đổ ụp xuống dòng nước bạc.

Hỏi ra mới biết, bà là Trương Thị Hiên, đang nhờ mấy đứa cháu trong xóm đưa đi tìm con trâu bị nước lũ cuốn trôi. Cụ ông đau yếu đã đi sang nhà con ở từ trước lũ. Bà nói, cả làng đang đói và khát, nhà nào cũng cần lương thực và nước uống và đây là đoàn cứu trợ đầu tiên ghé vào ngôi làng này.

Cách đó không xa, trên mái ngôi nhà nằm ở bìa làng, một phụ nữ còn khá trẻ, đứng trên nóc nhà vẫy tay xin hàng cứu trợ. Chị là Lê Thị Hiền, có chồng đi làm ăn ở Huế khi lũ lên không về kịp. Lũ ập vào nhà, chị chỉ kịp bế con chạy qua gửi hàng xóm rồi quay về nhà để thu dọn đồ đạc, đưa lên chỗ cao nhằm tránh lũ. Nhưng được một lúc thì nước lũ lại mấp mé chực nuốt chửng. Mất điện, trong đêm tối, chị một mình mò mẫm mang, vác những thứ có giá trị trong nhà, chỗ nào cao cứ thế chất lên. Đến lúc không còn chỗ để chất lên nữa, chị bất lực để mặc cho nước lũ tràn lên. Trong nhà, nước đã lút đầu người, không còn đường sang nhà hàng xóm, chị đành trèo lên mái nhà tránh lũ.

Chiếc thuyền đi sâu vào làng, tất cả im phăng phắc, thi thoảng mới nhìn thấy vài con gà, hoặc con chó đi lại trên mái nhà. Thì ra dân làng đã lên trú ẩn trên gác xép áp mái của nhà rường. Mai Anh Tuấn, Tổng Thư ký Hội Golf Quảng Bình phải dùng chiếc còi gắn ở áo phao thổi lên để đánh động. Nghe tiếng còi, nhà nhà trong làng đồng loạt dở ngói chui lên vẫy tay xin hàng cứu trợ. Có cháu nhỏ thấy xúc xích thèm ăn nên xin thêm, người mẹ liền lấy tay đánh nhẹ vào con nhắc nhở: “Trong lúc khó khăn, mỗi người một ít, để các chú còn đi hỗ trợ người khác, các bạn của con giờ này chắc cũng đói lắm mà chưa có gì ăn”.

Ở xã Tân Ninh, nước lũ ngập sâu hơn ở Hiền Ninh, rất nhiều lợn, gà, trâu, bò chết dạt vào bụi rậm. Có những con bò đã bị ai đó dùng dao cắt mất 4 cái đùi, chỉ còn lại đầu và thân nổi lềnh bềnh trên mặt nước. Nhà nào chúng tôi ghé cũng kêu đói và khát, họ xin mì tôm để tiện cho việc nhai sống. Do không lường được hết tình hình, nên lượng thực phẩm mang theo vơi đi rất nhanh.

Ở thôn Hoà Bình chúng tôi gặp một hoàn cảnh rơi nước mắt. Chị Võ Thị Hiệu nhà ở nơi khác, nghe tin lũ lên chạy về định đưa mẹ già, vợ liệt sỹ, ở một mình đã 80 tuổi về nhà chị. Nhưng không kịp, hai mẹ con đành trèo lên gác xép trú ẩn. Ngôi nhà rường có tuổi đời đã gần trăm năm, vừa thấp vừa yếu, nước lũ lên lút cả gác xép, chị dở ngói, hai mẹ con ôm nhau đứng thò đầu ra ngoài, mặc cho trời mưa như trút. “Trời tối đen như mực, mưa to, gió lớn, tui kêu gào khàn cổ mà chẳng ai nghe thấy. Hai mẹ con đã tính đến chuyện chết, thì may nước không lên nữa. Hôm nay nước rút, hai mẹ con lau chùi sàn gác mới có chỗ nằm. Đói và khát lắm, bà thì ốm rồi, may có mấy chú” – Chị Hiệu với tay lấy túi quà trong hai hàng nước mắt.

Chia sẻ yêu thương

Những “thân cò” nơi đỉnh lũ - ảnh 2
Những suất cơm thiện nguyện gửi đến vùng lũ

Lũ về, đến 18/10, cả Quảng Bình thức trắng, tiếng kêu cứu khắp nơi. Ở TP Đồng Hới cũng vậy, nước tràn vào thành phố nằm ngay cửa biển này, người người, nhà nhà náo loạn vì lần đầu tiên nhìn thấy lũ lụt. Mặc dù nước mấp mé tràn vào, rất lo lắng, nhưng chị Bùi Thanh Huyền (Đài PT-TH Quảng Bình) nghĩ ngay đến những phận người vùng ngập lụt. Bao năm làm PV của đài, đi nhiều chị biết, TP. Đồng Hới mà ngập thì chắc chắn các vùng khác đang đối mặt với đại hồng thủy, đói khát đang bủa vây. Chị liền lên Facebook cá nhân kêu gọi những phụ nữ Đồng Hới chung tay nấu cơm, để sáng ra có thể đưa đến vùng ngập lụt, giúp người dân sau một đêm đánh vật với lũ dữ.

Chị Huyền chia sẻ: “Chỉ sau 20 phút đăng tin nấu cơm cứu trợ đồng bào vùng lũ, những người bạn Facebook mình chưa bao giờ gặp đã ùa đến. Mỗi người mỗi việc, thanh niên, phụ nữ và các bé đang học PTTH xắn tay làm việc như ở nhà mình. Rồi gạo, rau, trứng, sữa, bánh, cá khô, nước suối… của bao người xa lạ ngỡ như đã thân tình bấy lâu nay. Ai có chi góp nấy. Mọi người nói, không ngủ được vì thương người dân vùng lũ. Mình chưa từng gặp những người này bao giờ nhưng cảm giác thật gần gũi, thân thương”.

Vậy là từ nửa đếm ngày 18/10, đến sáng ngày 19/10, nhóm chị Huyền nấu được gần 1.000 suất cơm để đưa đến vùng lũ hai huyện Quảng Ninh và Lệ Thủy. Từ nhóm của chị Huyền lan toả ra toàn TP Đồng Hới, rồi toàn tỉnh Quảng Bình, nơi nào không ngập lụt là chị em lại xúm vào, góp gạo, góp rau nấu cơm cứu trợ người dân vùng lũ.

Tính đến ngày 20/10, theo thống kê sơ bộ đã có hơn 20.000 suất cơm do các mẹ, các chị nấu gửi đến người dân vùng lũ. “Làm được gì dù nhỏ, nhưng giúp được bà con thì cứ làm. Cơm, cháo thiện nguyện cứ thế chuyển đến bà con. Cố lên nhé, người dân miền Trung chịu khổ nhiều quen rồi, tuyệt đối không được ai buông tay bà con vùng lũ nhé” – nhóm của chị Khuyên Nguyễn, ở TP. Đồng Hới chia sẻ trên Facebook cá nhân.

Hoàng Nam/ TPO

Đọc nhiều