128026
category
351252

Những tâm sự rơi nước mắt của người thân các chiến sĩ hy sinh trong vụ Đồng Tâm

Thành Nhân 10/01/2020 20:57

“Tối mùng 8/1 mẹ cháu đưa em đi học, bố cháu ngồi ăn cơm trước một mình, bảo ngồi đơm cơm cho bố để bố đi công tác không muộn. Rồi bố không về nữa…” – Nguyễn Gia Huy con trai của Thượng tá Nguyễn Duy Thịnh vừa hy sinh trong vụ gây rối ở Đồng Tâm nghẹn ngào kể trong nước mắt. Còn chị Quỳnh – vợ Trung úy Phạm Quốc Huy thì nghẹn ngào trong nước mắt “Chồng ơi, sao lại là anh…?”. 

Video thông tin ba chiến sĩ công an hy sinh ở Đồng Tâm:

“Bố nói bố đi công tác rồi bố không về nữa…”

Trong ngôi nhà có tuổi đời hơn 40 năm ở thôn Vàng 3, xã Cổ Bi, huyện Gia Lâm, Hà Nội, mẹ, vợ và người thân Thượng tá Nguyễn Huy Thịnh, Phó Trung đoàn trưởng Trung đoàn CSCĐ Thủ đô E22, Bộ tư lệnh Cảnh sát cơ động (Bộ Công an) đang vật vã với tận cùng nỗi đau. Anh ra đi khi thực hiện nhiệm vụ tại xã Đồng Tâm, huyện Mỹ Đức, Hà Nội.

Thượng tá Vũ Văn Khánh, Phó Trung đoàn trưởng Trung đoàn CSCĐ Thủ đô E22, Bộ tư lệnh Cảnh sát cơ động, cùng các đồng đội và gia đình Thượng tá Thịnh ngồi tiếp khách đến thăm hỏi, chia buồn. Mấy bộ bàn ghế, tấm bạt dựng vội để chuẩn bị lo hậu sự cho người sỹ quan công an vừa hy sinh.

Đồng đội an ủi mẹ đẻ Thượng tá Nguyễn Duy Thịnh.

Cháu Nguyễn Gia Huy, con trai lớn của anh Thịnh sụt sùi nước mắt kể lại thời khắc cuối cùng được gặp cha: “Mẹ cháu đưa em gái đi học, cháu định đi tắm còn bố ngồi ăn cơm một mình. Bố bảo cháu đừng đi tắm vội, ngồi đây đơm cơm cho bố để bố đi công tác không muộn. Hỏi bố bao giờ về, bố bảo: “Yên tâm đi, mai kia bố về, bố còn đi lớp bồi dưỡng cán bộ”. Tự nhiên cháu cũng có linh cảm xấu”.

“Hôm qua khi thấy trên mạng đăng thông tin có 3 cán bộ chiến sỹ công an hy sinh ở xã Đồng Tâm, cháu xem thấy rất lo. Rồi trong các comment có người bình rằng: “ông bác hy sinh” – cháu nghĩ, đó phải là người lớn tuổi. Rồi đọc những dòng comment tiếp theo thì thấy tên bố cháu. Cháu rụng rời chạy vào đơn vị bố. Chẳng ai nói với cháu là bố hy sinh, nhưng nhìn ánh mắt họ, cháu hiểu đã mất bố rồi…”.

Thuong ta Canh sat hy sinh o Dong Tam: “Bo noi bo di cong tac roi bo khong ve nua…”
Thượng tá Nguyễn Duy Thịnh. Ảnh chụp lúc anh mang quân hàm Trung tá.

Mẹ Thượng tá Thịnh năm nay 74 tuổi nói về con trai cả trong nước mắt: “Nhiều năm nay nó có về ăn Tết đâu. Gần nhất là hôm mùng 6 nó về gặp tôi, hỏi nó năm nay có về ăn Tết không thì nó bảo con chưa biết, công việc còn bộn bề lắm. Cả nhà đang chuẩn bị đón Tết thì nó đi mất thế này đây. Biết bao giờ gặp được con…”. Bà bảo, bà thương các cháu.

Thượng tá Vũ Văn Khánh kể về người đồng đội của mình bằng sự trân trọng rằng, Thượng tá Thịnh là một cán bộ năng nổ, tận tâm và trách nhiệm. Là cán bộ chịu khó học hỏi và rèn luyện bản lĩnh, anh luôn hoàn thành tốt công việc của người chỉ huy. Ngay sau khi anh hy sinh tại Đồng Tâm, đơn vị đã cắt cử người về động viên gia đình và cùng gia đình, chính quyền địa phương lo hậu sự chu đáo cho anh.

Thiếu tá Lưu Hồng Quân, Phó Tổng Biên tập Báo An ninh Thủ đô chia buồn với thân nhân Thượng tá Nguyễn Huy Thịnh

Thượng tá Thịnh sẽ được đưa về nghĩa trang liệt sỹ xã Cổ Bi, vùng quê thanh bình nơi anh sinh ra và lớn lên, nơi có mẹ, có anh chị em luôn thương nhớ và tự hào về anh. Cô cháu gái năm nay mới học lớp 7, còn Nguyễn Gia Huy học đại học năm thứ hai ĐH Giao thông vận tải.

Từ tối qua đến giờ, ngôi nhà nhỏ của gia đình Thượng tá Nguyễn Huy Thịnh có nhiều bà con làng xóm và đồng đội của anh đến thăm hỏi, chia buồn. Chị Tạ Thị Lộc SN 1978, vợ Thượng tá Nguyễn Huy Thịnh không đủ sức tiếp khách, có đồng đội của chồng cùng họ hàng, bà con thân thiết hỗ trợ.

Thuong ta Canh sat hy sinh o Dong Tam: “Bo noi bo di cong tac roi bo khong ve nua…”-Hinh-3
Cháu Nguyễn Gia Huy nghẹn ngào kể về bố.

Những đứa con của anh, dù sốc nặng trước sự ra đi đột ngột của bố, nhưng vẫn cố gắng vững vàng: “Cháu lấy niềm tự hào về bố để vượt qua nỗi đau này” – Gia Huy chia sẻ, cố nén mà nước mắt vẫn không ngừng rơi.

Những chiến sỹ Công an, giữa thời bình vẫn chịu nhiều hy sinh, gia đình các anh cũng vậy, họ cũng phải gánh nỗi đau mất mát quá lớn vì một cuộc sống bình yên cho mỗi mái nhà, và điều an ủi còn lại là niềm tự hào về người ra đi, là sự ấm áp tình đồng đội, sự ủng hộ, chia sẻ của nhân dân.

Chuyến công tác định mệnh

Ảnh cưới của hai vợ chồng chị Quỳnh – anh Huy (Ảnh chị Quỳnh cung cấp)

Căn nhà nhỏ trong ngõ Thổ Quan (phường Thổ Quan, quận Đống Đa, TP Hà Nội) – nơi Trung úy Phạm Công Huy hàng ngày vẫn vui đùa với cô con gái bé bỏng của mình giờ đây vắng hẳn tiếng cười trẻ thơ.  Thế là đã bước sang ngày thứ hai chị Quỳnh nhận được tin chồng mình, Trung úy Phạm Quốc Huy (SN 1993) – một trong ba chiến sĩ CAND hy sinh trong khi thực hiện nhiệm vụ ở xã Đồng Tâm (huyện Mỹ Đức, TP Hà Nội). Trong chớp mắt, người phụ nữ trẻ tuổi ấy trở thành quả phụ, còn đứa con thơ mới 6 tháng tuổi mãi mãi mất cha…

Chúng tôi đã đấu tranh tư tưởng rất nhiều trước khi quyết định liên lạc với chị Quỳnh. Chúng tôi không muốn những lời thăm hỏi của mình một lần nữa khơi lại nỗi đau của người vợ trẻ. Nhưng chúng tôi cho rằng, sự hi sinh của các anh cần phải được đông đảo người dân biết đến để thêm hiểu, thêm chia sẻ và ủng hộ lực lượng CAND luôn sống, chiến đấu, hy sinh vì Tổ quốc, vì nhân dân.

Chị Quỳnh kể lại, anh Huy tốt nghiệp Đại học PCCC rồi về công tác tại Công an TP Hà Nội. Chị Quỳnh cũng học ở ngôi trường này (hệ dân sự) rồi sang thực tập tại đúng đơn vị của anh Huy. Hai người quen và mến nhau từ đấy. Đến tháng 11/2018, họ cùng nhau bước lên xe hoa và nên nghĩa vợ chồng. Niềm vui nhanh chóng đến với đôi vợ chồng trẻ khi con gái đầu lòng chào đời…

Đại úy Chu Quốc Dũng, Phó Tổng Biên tập và cán bộ chiến sĩ Báo An ninh Thủ đô động viên, chia sẻ sự mất mát với thân nhân Trung úy Phạm Công Huy

Chuyến công tác cuối cùng trước khi tới xã Đồng Tâm, giống như bao buổi sáng khác, chồng chị, Trung úy Phạm Quốc Huy sửa soạn đồ đạc, hôn chào tạm biệt vợ con. Chị Quỳnh có hỏi chồng: “Khi nào anh về”? và được anh Huy trả lời: “Anh đi công tác chắc vài ngày là về thôi, em yên tâm”.

Do đặc thù nghề nghiệp, anh Huy không nói cho vợ biết là mình đi công tác ở đâu. Là người vợ của một chiến sĩ công an, chị Quỳnh cũng quá thấu hiểu nên không hỏi nhiều về nhiệm vụ của chồng. “Lúc đó, tôi chỉ nghĩ chuyến công tác này cũng như những lần trước thôi. Ai ngờ đó là lần cuối cùng tôi và con được nhìn thấy anh ấy”, chị Quỳnh nghẹn ngào.

Khi chị đang ở nhà trông con thì bố chồng trở về nhà với vẻ thất thần. Nhưng sợ chị bị sốc nên ông tạm thời giấu chị. Sau khi làm công tác tư tưởng, mọi người mới cho chị biết: “Chồng con đã hy sinh trong khi làm nhiệm vụ”.

Trung úy Phạm Quốc Huy ra đi khi còn rất trẻ, để lại người vợ trẻ và con thơ 6 tháng tuổi (ảnh chị Quỳnh cung cấp).

Tâm sự nhói lòng của vợ Trung úy cảnh sát hy sinh

Nhận được tin chồng hy sinh tại Đồng Tâm, chị Quỳnh bàng hoàng, ngã quỵ, không tin: “Bố hỏi lại xem, hay anh ấy chỉ bị thương đang đưa đi cấp cứu thôi! Bố hỏi lại xem!?”. Tiếng hét thất thanh của người vợ trẻ khi ấy tựa như nhát dao cứa vào tâm can những người thân trong gia đình người chiến sĩ công an trẻ tuổi.

Như bao người chồng, người cha khác, anh Huy hết mực thương yêu và chăm sóc vợ con. Chị Quỳnh chia sẻ, sinh con được khoảng hai tháng thì chị không may bị mất sữa. Những đêm không phải đi trực ở đơn vị, anh Huy đều hỗ trợ vợ bằng cách dậy pha sữa cho con. Giấc ngủ của anh cũng chập chờn theo con mỗi đêm ngày.

Sự quan tâm, chăm sóc của anh Huy dành cho vợ con kéo dài đến tận buổi tối trước ngày anh hy sinh. Chị Quỳnh kể lại, tối 8/1, chị bất ngờ nhận được điện thoại của chồng. Anh nói nơi anh đang công tác, sóng điện thoại rất chập chờn nên khó liên lạc. Anh mới nhận được lương nên sẽ chuyển khoản ngay để chị chăm sóc con và lo chi tiêu gia đình. Ngay sau cuộc gọi ấy, chị Quỳnh đã nhận được số tiền lương mà chồng mình chuyển về. Và đó cũng là lần liên lạc cuối cùng của đôi vợ chồng trẻ.

Từ đầu đến cuối cuộc trò chuyện với tôi, giọng chị Quỳnh nghẹn ngào, nhiều lúc không thành lời. Chị chia sẻ rằng, từ lúc nhận hung tin đến giờ, rất đông anh em họ hàng, bạn bè, xóm giềng đến thăm hỏi, chia sẻ cùng gia đình nhưng chị chỉ có thể nằm một chỗ. Chị đã ngã gục trước nỗi đau quá lớn.

Nhưng chị đồng ý với tôi rằng, chị sẽ sớm phải đứng dậy để nuôi dạy con thơ của vợ chồng chị thành người. Đó là cách tốt nhất để chị tưởng nhớ anh – một người chiến sĩ công an đã hy sinh vì nhiệm vụ, một người chồng đã không thể cùng chị song hành.

“Chồng ơi, sao lại là anh…?”. Người sĩ quan trẻ tuổi ấy sẽ không bao giờ có thể trả lời câu hỏi nghẹn ngào của vợ. Bởi anh đã mãi mãi ra đi…

“Chúng tôi chỉ được phòng thủ, không được đáp trả làm hại dân”

Nhìn những hình ảnh được cho là chân dung các chiến sĩ hi sinh được chia sẻ trên goup “Cảnh sát cơ động” mà như càng thêm nhói đau. Họ còn quá trẻ, ngoài một Thượng tá Trung đoàn phó thì bốn chiến sỹ còn lại đều rất trẻ, tuổi đời mới ngoài hai mươi. Trong số đó có đồng chí bố mất, mẹ đang bị bệnh thần kinh, có đồng chí cưới vợ chưa tròn một năm, đứa con đầu lòng vừa mới chào đời, có đồng chí là nữ chiến sỹ Cảnh sát cơ động xinh xắn … Phía sau họ là những người mẹ, người cha, người vợ đang chờ đón phút giây sum họp trong dịp Tết cổ truyền!

Gia đình lập bàn thờ chờ đưa thi thể Thiếu uý Dương Đức Hoàng Quân về

Căn nhà nhỏ nằm tít trong con ngõ hun hút trên phố Đội Cấn bỗng trở nên lạnh lẽo. Ông Sửu, chú ruột của Thiếu úy Dương Đức Hoàng Quân hy sinh trong vụ Đồng Tâm cho biết:

“Đau đớn lắm, tôi không thể nhận ra hình hài cháu tôi. Có 3 người thì toàn thân và mặt mũi đều bị cháy đen, chiếc áo giáp những chiến sĩ mặc đều căng phồng rất khó cởi ra. Mẹ cháu và chị gái cháu định vào nhận dạng nhưng tôi không cho vào vì sợ không chịu được hình ảnh đó”, ông Sửu nấc nghẹn.

Cán bộ chiến sĩ Báo An ninh Thủ đô thăm hỏi, chia sẻ sự mất mát với mẹ và người thân Thiếu úy Dương Đức Hoàng Quân

Thử hỏi ai có thể cầm lòng trước chia sẻ đầy xót xa của một chiến sĩ công an tên Hiếu Nghĩa rằng: “Tôi xin cam đoan những lời tôi nói đều là sự thật. Trong lúc làm nhiệm vụ, vào đến căn nhà cưỡng chế thì người dân dùng bom xăng, a xit tạt vào lực lượng, nhưng các vị chỉ huy chỉ cho phòng thủ, không được làm hại dân. Chúng tạt mà lá chắn cũng không đỡ nổi và chúng tôi chỉ biết phòng thủ, tôi thiết nghĩ trong hoàn cảnh đó, tại sao không cho chúng tôi rút lui, dùng vòi rồng xịt sập căn nhà đó? Mà phải để chúng tôi chống chịu như vậy. Xong trận chúng tôi bị bỏng rất nhiều,được đưa đi giám định thương tích. 5 năm trôi qua rồi, vết sẹo trên tay và mặt cũng ko còn đỏ như ngày trước. Hôm nay đọc báo lại nghe các đồng đội hy sinh, thật sự thấy nhói”.

Chia sẻ về nỗi sợ này, người chiến sĩ ấy đã biết rằng điều mình lo sợ nhất đã xảy ra…

Theo lời chia sẻ của một chiến sĩ cảnh sát cơ động, khi làm nhiệm vụ bảo vệ, đàn áp sự nổi loạn của người dân họ chỉ được phép phòng thủ không được phép tấn công, làm hại nhân dân.

Càng quặn thắt hơn khi mà được biết, các chiến sĩ đã ra đi một cách vô cùng đau đớn, dã man hơn thời trung cổ, họ đã bị đội quân những con nghiện đánh thuê “thiêu sống”. Có quá nhiều câu hỏi được đặt ra, rằng tại sao công an được đào tạo bài bản lại để mình phải hy sinh như thế nhưng nào hay đâu, những kẻ chủ mưu gây rối ở Đồng Tâm đã đang tâm đẩy người gia và trẻ em ra làm khiên chắn, hỏi làm sao những người lính của chúng ta có thể ra tay cơ chứ…

Cái giá phải trả cho cuộc sống bình yên này quá lớn. Những kẻ khủng bố, gây ra tội ác dưới sự kích động, biên đạo của cha con ông Lê Đình Kình phải bị xử lý thích đáng. Tránh gây nên tội ác cho nhân loại.

Diễn biến vụ khủng bố ở Đồng Tâm

Theo Thông báo của Bộ Công an, từ ngày 31/12/2019, một số đơn vị của Bộ Quốc phòng phối hợp với lực lượng chức năng tiến hành xây dựng tường rào bảo vệ Sân bay Miếu Môn thành phố Hà Nội theo kế hoạch.

Trong quá trình xây dựng, sáng 9/1/2020, một số đối tượng có hành vi chống đối, sử dụng lựu đạn, bom xăng, dao phóng… tấn công lực lượng chức năng, chống người thi hành công vụ, gây rối trật tự công cộng, dẫn đến hậu quả 3 cán bộ chiến sỹ công an hy sinh, 1 đối tượng chống đối chết, 1 đối tượng bị thương.

Các đơn vị chức năng đã khống chế và bắt giữ các đối tượng vi phạm pháp luật nghiêm trọng, khởi tố vụ án, khởi tố bị can, tiến hành xử lý theo đúng quy định của pháp luật và đang tiến hành xây dựng tường rào Sân bay Miếu Môn theo kế hoạch.

Tiêu Điểm

Đọc nhiều