Những sáng tạo của Việt Nam làm bất ngờ thế giới

15/10/2020 07:08

Trong bối cảnh cả thế giới hoang mang, chật vật đối phó dịch bệnh Covid-19, rất nhiều doanh nghiệp Việt Nam không những nhanh chóng thích ứng, xuất sắc vượt qua khó khăn mà còn cho ra đời những sáng kiến được báo chí nước ngoài ca ngợi, vinh danh.

Sáng kiến “ATM gạo” không còn là câu chuyện được quan tâm ở trong nước mà đã trở thành đề tài nhận được sự chú ý từ truyền thông quốc tế /// Ảnh: REUTERS/CHỤP MÀN HÌNH
Sáng kiến “ATM gạo” không còn là câu chuyện được quan tâm ở trong nước mà đã trở thành đề tài nhận được sự chú ý từ truyền thông quốc tế

Cuộc giải cứu khơi nguồn sáng tạo

Những ngày cuối tháng 2, cả nước “nín thở” chống dịch. Hằng ngày, trên các phương tiện thông tin đại chúng liên tục thông tin số ca nhiễm, ca tử vong tăng lên trên thế giới, số ca bệnh đã được kiểm soát, chữa khỏi tại Việt Nam. Ở kế ngay “ổ dịch” khởi nguồn Trung Quốc, những nguy cơ Việt Nam phải đối mặt càng tăng cao trên nhiều bình diện từ kinh tế đến xã hội, an ninh trật tự… Điển hình là khi Trung Quốc đóng cửa biên giới để kiểm soát dịch bệnh đã khiến hàng loạt nông sản Việt Nam lập tức ế đồng dội chợ. Hình ảnh người nông dân thất thần bên hàng ngàn tấn thanh long tồn kho, những cánh đồng thanh long chín cây không ai thu hoạch, khiến ai nấy xót xa, thương cảm. Giá thanh long rớt thảm hại, từ khoảng 40.000 đồng/kg xuống chỉ còn 3.000 – 4.000 đồng/kg, người trồng thanh long rơi vào tình cảnh éo le, bán cũng khổ, không bán cũng không xong. Liên tiếp những cuộc giải cứu thanh long được phát động nhưng với lượng tồn quá lớn, nhu cầu thị trường nội địa giảm mạnh vì dịch, thanh long trở thành “nỗi ám ảnh” của bà con nông dân.

Biến ý tưởng thành hiện thực phục vụ cuộc sống

Câu chuyện trái thanh long Việt Nam bị ùn ứ do ảnh hưởng dịch Covid-19 đã thôi thúc tôi mau chóng biến ý tưởng thành hiện thực. Sau bánh mì thanh long, để công thức làm bánh mì sầu riêng ra đời chỉ mất 2 ngày. Ngay ngày đầu tiên làm thử 300 ổ, bán hết chỉ sau 

1 tiếng. Ngày thứ 2 tăng lên 2.000 ổ, bán hết sạch. Bánh mì thanh long giá 6.000 đồng/chiếc, nhưng bánh mì thanh long – sầu riêng 25.000 đồng/chiếc người tiêu dùng vẫn xếp hàng mua sạch. Qua đây tôi nghiệm ra một điều, quan trọng là biến ý tưởng thành hiện thực, ý tưởng thôi chưa đủ, phải đưa nó vào cuộc sống hằng ngày của mình, như hơi thở vậy”.

Ông Kao Siêu Lực 

Đau đáu tìm cách “cứu” thanh long Việt Nam, “vua” bánh mì Kao Siêu Lực – chủ Công ty TNHH MTV bánh kẹo Á Châu (ABC), cũng là Chủ tịch Hiệp hội Bánh mì quốc tế khu vực Đông Nam Á – đã cùng đội ngũ nhân viên nghiên cứu, chỉ trong 3 ngày thử nghiệm xong công thức bánh mì thanh long ruột đỏ và lập tức tung ra thị trường, được người mua nhiệt tình ủng hộ.

Giữa cái nắng chói chang ở Sài Gòn, trong khi hầu hết hàng quán vắng vẻ vì dịch bệnh Covid-19 thì hệ thống cửa hàng bánh mì ABC vẫn nườm nượp khách đến mua bánh mì thanh long. Những mẻ bánh mì nóng hổi ra lò chỉ sau vài tiếng lên kệ đã được bán hết sạch. Ước tính lượng khách tại mỗi cửa hàng tăng khoảng 30 – 40%.

Không ngừng sáng tạo, vài ngày sau khi bánh mì thanh long “lên cơn sốt” tại TP.HCM, ông Kao Siêu Lực tiếp tục đưa ra thị trường dòng sản phẩm bánh mì thanh long nhân sầu riêng 6 Ri. Với giá cao hơn 4 lần, nhưng loại bánh mì này còn được săn đón hơn cả bánh mì thanh long.

Sau khi tin tức về loại bánh mì độc đáo này được lan tỏa và chia sẻ rộng rãi trên nhiều trang mạng xã hội, phóng viên Kate Taylor của Business Insider (Mỹ) đã đến tận nơi để trải nghiệm. Chờ hơn 20 phút để có được trên tay chiếc bánh mì màu hồng nóng hổi, Kate Taylor bày tỏ thật sự thích thú và đã chia sẻ cảm xúc trong bài viết của mình: “Chiếc bánh mì màu hồng nổi bật khiến tôi bất ngờ. Mặc dù nó được sáng tạo ra để giải cứu nông sản trong đại dịch Covid-19, nhưng nó cũng rất phù hợp để đăng lên Instagram. Loại bánh mì này không phải chỉ để tạo danh tiếng trên phương tiện truyền thông xã hội mà nó thật sự ngon với lớp vỏ ngoài giòn tan và bên trong thanh mát, đầy hương vị trái cây nhẹ nhàng. Thêm thanh long vào bánh mì có thể là một gợi ý rất tinh tế. Điều này cho thấy sự thích nghi sáng tạo của người Việt trước những tác động của Covid-19, khi mà dịch có thể sẽ gây thiệt hại kinh tế đất nước hàng tỉ USD”.

Từ câu chuyện bánh mì thanh long “giải cứu” nông sản Việt bất ngờ gây sốt giới truyền thông cả trong và ngoài nước, nhiều sản phẩm chế biến từ nông sản độc đáo như bánh mì chuối, bánh mì dưa hấu… đã được tiếp tục nghiên cứu và cho ra đời. Điều này không chỉ nhanh chóng giúp nông dân vượt qua khó khăn mà còn giúp tái cơ cấu ngành nông sản Việt, đặt nền móng chuyển từ xuất thô sang các sản phẩm chế biến giá trị cao.

“Điều khó tin nhưng có thật ở Việt Nam”

Tiếp sau bánh mì thanh long, truyền thông quốc tế lại tiếp tục “lên cơn sốt” khi liên tiếp dành cơn mưa lời khen cho sáng kiến “ATM gạo” của Việt Nam.

Càng khó khăn, bản lĩnh doanh nghiệp Việt càng được thể hiện

Trong tình hình kinh tế khó khăn trên toàn cầu, mỗi quốc gia đều có cách để thoát khỏi Covid-19. Các nước phát triển có nguồn lực mạnh, nền tảng an sinh xã hội, cơ chế tốt như Mỹ, Singapore, Canada… dễ dàng hơn rất nhiều trong việc triển khai kích cầu bằng việc cấp tiền nhiều, trực tiếp đến người dân và doanh nghiệp. Tuy không có nguồn lực mạnh nhưng kinh tế Việt Nam trong 7 tháng qua không quá suy giảm và xảy ra những khủng hoảng tài chính như các cuộc khủng hoảng thế giới từng gặp. Đó không chỉ nhờ đặc tính nhanh chóng thích nghi của nền kinh tế Việt Nam đã được tôi rèn qua nhiều giai đoạn khó khăn, mà còn nhờ sự thay đổi nhanh chóng, linh hoạt, sáng tạo của các doanh nghiệp Việt. 

Chuyên gia kinh tế Đinh Thế Hiển 

Xuất phát từ mong muốn mọi người vẫn có thể nhận được lương thực, thực phẩm cùng nhiều loại hàng hóa khác bất chấp khó khăn của dịch bệnh, ông Hoàng Tuấn Anh, Giám đốc Công ty khóa điện tử PHG Lock, sáng tạo mô hình “ATM gạo” và nhanh chóng được rất nhiều doanh nghiệp hưởng ứng, nhân rộng tại nhiều địa phương. Không chỉ các doanh nghiệp, nhiều cá nhân, tổ chức cũng đã huy động mọi người góp tiền, góp gạo, lương thực để hình thành nên những cây “ATM lương thực”, “siêu thị 0 đồng” hỗ trợ các đối tượng khó khăn trong mùa dịch một cách thiết thực nhất. Mô hình này nhanh chóng trở thành 1 trong những sáng kiến được chú ý nhiều nhất trên thế giới mùa Covid-19. Hãng tin Reuters ngày 13.4 đã dành hẳn 1 bài viết để chia sẻ cảm nhận của những người nghèo khi nhận được sự hỗ trợ rất kịp thời của các doanh nghiệp vốn cũng đang rất khó khăn giữa dịch bệnh. Trong bài viết được CNN đăng tải cùng ngày (giờ địa phương), trang tin nổi tiếng này đã giới thiệu rất chi tiết về hệ thống “ATM gạo” tại nhiều nơi ở Việt Nam. Đi từ Hà Nội, tới Huế, rồi Đà Nẵng, CNN ca ngợi ý tưởng hình thành một chiếc máy có thể phát gạo miễn phí của Việt Nam là “quá khó tin nhưng lại là sự thật” và nhấn mạnh: “Những “ATM gạo” này đã được thiết lập ở khắp Việt Nam để giúp đỡ những người đang cần chúng nhất trong đại dịch Covid-19”. Tiếp theo đó, hàng loạt bài báo với nội dung tương tự đã được nhiều trang tin quốc tế khác như New York Post, Insider, The Times of India, Bangkok Post… đăng tải và nhận được sự quan tâm từ công chúng quốc tế.

Những sáng tạo Viêt làm bất ngờ thế giới
Một cây ATM gạo ở TP.HCM. Ảnh: Độc Lập

Tiên phong nền tảng công nghệ phòng, chống dịch

Những thành công trong việc đối phó và kiểm soát tốt tình hình dịch bệnh tại Việt Nam trong đợt bùng phát đầu tiên đã nhận được rất nhiều bình luận khen ngợi từ truyền thông quốc tế. Trong đó, điều được nhấn mạnh và gây bất ngờ lớn đó là việc tận dụng triệt để và hiệu quả nền tảng công nghệ, số hóa.

Trong bài viết ca ngợi về mô hình chống dịch Covid-19 của Việt Nam, trang ASEAN Post cho biết một nghiên cứu về chính sách phản ứng đối với Covid-19 đã cho thấy thành công ban đầu của Việt Nam trong việc làm chậm tốc độ lây lan là nhờ Chính phủ đã tập trung vào truyền thông mạnh mẽ và giáo dục cộng đồng thông qua các nền tảng công nghệ và hệ thống truy tìm dấu vết các mầm bệnh. Với 65% người Việt Nam sử dụng mạng trực tuyến, các kênh tin tức chính thống và các kênh truyền thông xã hội (60% trên Facebook) đã thực hiện tuyên truyền thành công các thông tin về dịch bệnh này.

Tại Việt Nam, công dân đã tự nguyện chia sẻ thông tin sức khỏe cá nhân thông qua một ứng dụng do Chính phủ ra mắt vào ngày 10.3 có tên NCOVI. Ứng dụng này cung cấp thông tin cập nhật về sự bùng phát và các cách phòng ngừa dịch bệnh cũng như nhanh chóng đính chính các thông tin sai lệch, thông tin không đúng về dịch bệnh. Ứng dụng thu thập thông tin một cách có hệ thống và xác định các nhóm trường hợp có khả năng lây nhiễm vi rút SARS-CoV-2. Cùng với đó, trong 3 tháng kể từ khi dịch bệnh bùng phát, các bệnh viện địa phương, viện nghiên cứu và trường đại học đã tạo ra những nền tảng đáng tin cậy để theo dõi các trường hợp nghi nhiễm Covid-19, tăng cường sản xuất thuốc khử trùng tay, công bố những phát hiện lâm sàng quan trọng về bệnh và phát triển bộ dụng cụ xét nghiệm vi rút với chi phí thấp. Đặc biệt, ứng dụng di động truy vết Covid-19 Bluezone đạt đồng giải nhất trong cuộc thi triển khai ứng dụng truy vết tìm kiếm F1, F2 hỗ trợ phòng chống dịch Covid-19 đã gây bất ngờ rất lớn khi được sinh ra bởi “cha đẻ” là một doanh nhân đang hoạt động trong lĩnh vực nhà hàng, dịch vụ. Ứng dụng Bluezone ngay khi ra đời cũng đã nhận được nhiều quan tâm, đánh giá cao từ các chuyên gia trên một số trang báo quốc tế và được so sánh với các ứng dụng tương tự tại các quốc gia phát triển như Singapore, Thụy Sĩ.

Khơi nguồn nền tảng nội lực doanh nghiệp Việt

Thực tế, không phải đến khi có bánh mì thanh long, “ATM gạo”, phần mềm truy vết Covid-19, cái tên Việt Nam mới nhận được sự chú ý của bạn bè thế giới. Chúng ta đã rất nhiều lần có mặt trong danh sách được tôn vinh về nền ẩm thực, phong cảnh, điểm đến hấp dẫn. Thế nhưng, dấu ấn mà những sáng kiến của doanh nghiệp Việt Nam để lại trong đại dịch mang thêm ý nghĩa rất khác, gây dựng một hình ảnh rất khác về Việt Nam trong mắt bạn bè quốc tế.

Những sáng tạo Viêt làm bất ngờ thế giới
“Vua” bánh mì Kao Siêu Lực với những mẻ bánh mì thanh long thử nghiệm. Ảnh: Giang Vũ

TS Đinh Thế Hiển, chuyên gia kinh tế, phân tích trước khi có Covid-19, kinh tế Việt Nam được nhìn nhận là nền kinh tế khá phụ thuộc. Doanh nghiệp phụ thuộc vào vốn, phát triển nhờ nhà nước cung ứng vốn mạnh; nông nghiệp phụ thuộc xuất khẩu; công nghiệp chủ yếu làm thuê, gia công ở giai đoạn thấp, không tham gia được vào chuỗi sản xuất toàn cầu… Thế nhưng, ngay khi xuất khẩu đóng băng, Chính phủ không còn “dư dả” để cung ứng vốn mạnh như trước, các doanh nghiệp đã thích ứng rất nhanh để thay đổi theo thực tế thị trường. Từ khó khăn buộc doanh nghiệp phải thử những thứ chưa từng thử, mạnh dạn tiến những bước mà trước đây không dám bước. Cụ thể, kinh tế 4.0 của Việt Nam đang ở thứ hạng thấp nhưng nền tảng hạ tầng

internet rất mạnh đã lập tức được các doanh nghiệp tận dụng, chuyển đổi rất nhanh nhiều dịch vụ từ offline qua online. Nông nghiệp trước giờ “mắc kẹt” trong bài toán xuất thô nhưng khó khăn cũng đã thúc ép doanh nghiệp chú ý tới chế biến, sáng tạo trong sản phẩm, thay đổi mô hình sản xuất, kinh doanh.

“Chúng ta hay nói Việt Nam có rừng vàng biển bạc, có nguồn nhân lực chất lượng cao nhưng rất nhiều lĩnh vực kinh tế lại loay hoay mãi chưa thể đột phá. Mặt khác, cứ qua mỗi giai đoạn khó khăn thì những cách thức sáng tạo lại xuất hiện để giúp nền kinh tế vượt qua khủng hoảng. Điều đó cho thấy, nền tảng năng lực nội tại của đội ngũ doanh nghiệp, của nền kinh tế Việt Nam là rất mạnh, nhưng nguồn trí lực này chưa có cơ hội được khai phá. Do đó, về phía Chính phủ, cần đánh giá, nhìn nhận lại môi trường kinh doanh, chính sách, cơ chế đã thực sự kiến tạo, khơi gợi sáng tạo và giúp doanh nghiệp có đất phát triển hay chưa? Về phía doanh nghiệp, không phải vàng chờ thử lửa mới sáng, mà cần mạnh dạn làm, mạnh dạn sáng tạo, đổi mới để chứng minh những sáng kiến như trên không chỉ là nhất thời mà đây là thế mạnh, là nội lực của Việt Nam”, ông Hiển nêu quan điểm.t

PV/TN

Đọc nhiều