Những nỗ lực của EVN trong thời kỳ “bão giá”

Minh Thanh 02/12/2022 05:13

Tập đoàn điện lực Việt Nam (EVN) đã công bố kết quả kinh doanh trong 10 tháng đầu năm. Theo đó công ty báo lỗ 15.758 tỷ đồng và số lỗ cả năm dự kiến là hơn 31.000 tỷ đồng. Đây là một kết quả không quá bất ngờ bởi …

Tập đoàn điện lực EVN dự kiến lỗ hơn 31.000 tỷ đồng trong năm 2022

Trước đó trong bảng kế hoạch vận hành hệ thống điện đã được Bộ Công Thương phê duyệt từ đầu năm, tình hình giá nhiên liệu leo thang khiến EVN dự kiến có thể lỗ lên tới hơn 64.800 tỷ đồng. Đây có thể coi là một con số kỷ lục đối với một tập đoàn điện lực lâu đời như EVN.

Nguyên nhân chính được công ty này đưa ra là do biến động giá nhiên liệu (than, dầu, khí) thế giới diễn ra từ đầu năm nay khiến cho chi phí sản xuất, mua điện của doanh nghiệp này tăng vọt. Điều này không chỉ ảnh hưởng nghiêm trọng đến doanh thu của công ty mà còn gây khó khăn trong việc cân đối dòng tiền để thanh toán chi phí mua điện và huy động vốn để đầu tư các dự án điện của EVN.

Tuy nhiên may mắn là nhờ vào các chính sách cắt giảm hợp lý từ phía công ty như cắt giảm các chi phí sửa chữa, chi thường xuyên (khoảng 10%), tạm chi lương cho cán bộ, công nhân viên bằng 80% mức lương bình quân năm 2020; vận hành tối ưu hệ thống điện để phát tối đa nguồn chi phí thấp (thuỷ điện), tăng cường quản trị các khoản giảm giá thành điện, tối ưu hóa dòng tiền,… Từ đó đã phần nào giúp cho tập đoàn điện lực số 1 tại Việt Nam giảm đi đáng kể khoản lỗ gần 33.445 tỷ đồng. Như vậy, dự kiến đến cuối năm nay EVN có thể lỗ khoảng 31.360 tỷ đồng.

Mặc dù phải gánh khoản lỗ khổng lồ thế nhưng công bằng mà nói trong suốt 3 năm qua mặc cho Covid-19 hoành hành hay biến động nhiên liệu nhưng EVN vẫn không tăng giá điện. Hiện tại, giá bán lẻ điện bình quân năm 2022 là 1.915,59 đồng một kWh. Mức giá này chỉ cao hơn 2,74% so với giá bán lẻ điện bình quân đang áp dụng từ năm 2019, là 1.844,64 đồng một kWh.

Thực tế, không riêng Việt Nam đang chịu những áp lực đầu vào sản xuất, kinh doanh điện. Soi chiếu với các nước bạn trong khu vực, ngay trong tháng 8, Thái Lan thông báo tăng giá điện tới 18% trong 3 tháng cuối năm, Indonesia tăng giá 19%, Philippines tăng giá lên tới 20%, khiến giá điện của quốc gia này cao gấp 2-2,5 lần giá điện Việt Nam.

Trước đó, ngay từ đầu tháng 4, cơ quan quản lý của Singapore đã quyết định tăng 30% giá bán lẻ điện so với mức giá 26 cent/kWh hiện nay. Cuối tháng 8, giá điện tại Pháp lên tới 1100 euro/MWh, còn ở Đức lên tới 995 euro/MWh… Theo đánh giá của France24 thì mức giá trên cao cấp 10 lần cùng kỳ năm trước. Tại Anh, cơ quan quản lý năng lượng Ofgem thông báo tăng giá điện và khí đốt lên gấp đôi vào 1/10/2022 vì nhu cầu mùa đông tăng đột biến và khan hiếm nhiên liệu. Cần nói rằng, các quốc gia trên sở hữu nguồn điện hạt nhân rẻ, ổn định và dồi dào, vậy mà họ còn không thể tránh khỏi “bão giá điện”.

Đây là một sự cố gắng rất lớn đến từ tập đoàn EVN, đặc biệt là trong bối cảnh giá nhân công, giá nhiên liệu đầu vào liên tục tăng phi mã, thậm chí là chạm đỉnh trong thời gian qua. Dù vậy, các lãnh đạo của tập đoàn EVN vẫn khẳng định sẽ tiếp tục đảm bảo sản xuất, cung ứng điện an toàn, liên tục cho người dân để phục vụ phát triển kinh tế – xã hội và sinh hoạt người dân. Đồng thời giữ cho giá điện không tăng mạnh trước bối cảnh giá nhiên liệu toàn cầu biến động không ngừng.

Minh Thanh

Đọc nhiều