Những nhân sự cơ quan quan trọng nhất Trung Quốc trước thềm đại hội 20

Bách Hoa 02/01/2022 09:54

Trước thềm đại hội, nhân sự Ban Thường vụ Bộ Chính trị khóa mới của Trung Quốc, một số báo chí của Hong Kong phân tích rằng, ông Lý Khắc Cường, nhân sự chủ chốt thứ hai trong số 7 ủy viên thường vụ Bộ Chính trị hiện nay, là người chịu sự ràng buộc quy định của Hiến pháp. Theo đó, ông sẽ không được tái nhiệm Thủ tướng tại đại hội đại biểu nhân dân toàn quốc (Quốc hội) khóa 14 vào năm 2023. 

Chủ tịch kiêm Tổng bí thư Trung Quốc Tập Cận Bình

Đại hội 20 vào năm 2022 có ý nghĩa to lớn đối với đảng Cộng sản (ĐCS) Trung Quốc. Đây là kỳ đại hội đảng đầu tiên của đại lục, đánh dấu việc Trung Quốc tiếp tục thực hiện mục tiêu 100 năm lần 2 vào năm 2049.

Kỳ đại hội này không những phải đối mặt với nhu cầu thay đổi và bố trí nhân sự trong nội bộ ĐCS Trung Quốc, mà còn cần xem xét bố cục phát triển và sự trỗi dậy của nước này trong 10 năm tới, thậm chí 20 năm hoặc thời gian dài hơn, trước những thay đổi chưa từng có của thế giới trong 100 năm qua.

Sẽ không theo khuôn mẫu?

Do vậy, việc bố trí nhân sự tại đại hội 20 có thể sẽ không theo khuôn mẫu trước đây. Ngoài những cân nhắc về nhân sự truyền thống, đại hội có thể sẽ tập trung hơn vào cách bố trí dài hạn trong tương lai khi 5-10 năm tới có thể là giai đoạn Trung Quốc đối mặt với khó khăn và tiếp tục vươn lên bằng thực lực.

Biến động nhân sự trong Ban Thường vụ Bộ Chính trị năm 2022 dự đoán có ít nhất 2 khả năng: “5 thành viên cũ và 2 thành viên mới” hoặc “2 thành viên cũ và 5 thành viên mới”.

Theo một số đánh giá, Ủy viên trưởng Ủy ban Thường vụ đại hội đại biểu nhân dân toàn quốc (Chủ tịch Quốc hội) Lật Chiến Thư hiện ở vị trí thứ 3 và Phó thủ tướng Quốc vụ viện Trung Quốc Hàn Chính xếp thứ 7 trong Ban Thường vụ Bộ Chính trị năm nay sẽ lần lượt 70 tuổi và 68 tuổi.

Theo thông lệ nhân sự “7 lên 8 xuống” (67 tuổi có thể tiếp tục lưu nhiệm, 68 tuổi sẽ nghỉ hưu), khả năng cao 2 người này sẽ nghỉ hưu vào năm nay. Như vậy, 5 người lưu nhiệm chỉ còn các ông Tập Cận Bình, Lý Khắc Cường, Uông Dương, Vương Hộ Ninh, Triệu Lạc Tế và sẽ có thêm 2 thành viên mới. Đây là khả năng có thể xảy ra.

Một khả năng khác về nhân sự năm nay là ngoài các ông Lật Chiến Thư và Hàn Chính, 3 ủy viên là Lý Khắc Cường, Uông Dương và Vương Hộ Ninh chỉ mới 67 tuổi, cũng có thể nghỉ hưu vì lý do “chú ý đến tình hình chung”. Khi đó, Thường vụ Bộ Chính trị đương nhiệm chỉ còn lại ông Tập Cận Bình và Triệu Lạc Tế, và cần thêm 5 ủy viên mới khác.

Nhân sự cơ quan quan trọng nhất Trung Quốc trước thềm đại hội 20
Ban Thường vụ Bộ Chính trị khóa 19 của Trung Quốc. Từ trái sang: Các ông Tập Cận Bình, Lý Khắc Cường, Lật Chiến Thư, Uông Dương, Vương Hỗ Ninh, Triệu Lạc Tế và Hàn Chính. Ảnh: Tân Hoa Xã

Người mới, người cũ

Về khả năng thứ nhất, làm thế nào để sắp xếp 5 người lưu nhiệm là một “vấn đề khó”. Trước hết, ông Lý Khắc Cường chắc chắn sẽ không được tiếp tục giữ vị trí Thủ tướng. Vì vậy, việc ai sẽ đảm nhận vị trí Thủ tướng cũng sẽ trở thành vấn đề quan trọng.

Nếu người kế nhiệm là “người mới”, thì về mặt vị trí, người mới này sẽ phải vượt qua Uông Dương, Vương Hộ Ninh… Mặc dù đã có tiền lệ tương tự trước đó, nhưng đó chỉ là cá biệt.

Nếu người kế nhiệm Thủ tướng là “người cũ”, thì các ông Uông Dương và Triệu Lạc Tế có khả năng cao nhất. Tuy nhiên, cho đến nay, việc sắp xếp nhân sự của ĐCS Trung Quốc vẫn chưa có tiền lệ Chủ tịch Chính hiệp và Bí thư Ủy ban Kiểm tra Kỷ luật Trung ương làm Thủ tướng.

Mặc dù không thể loại trừ khả năng ông Uông Dương (từng có kinh nghiệm làm Phó thủ tướng) hay ông Triệu Lạc Tế vốn sẽ 65 tuổi bất ngờ giữ vị trí Thủ tướng quá độ 1 nhiệm kỳ, thì “người mới” sẽ tiếp quản Quốc vụ viện sau đại hội 21 vào năm 2027. Nhưng chắc chắn đây là một trong những lựa chọn khả thi.

Dù có sắp xếp như thế nào thì đây thực chất là ý tưởng “lão tướng lưu nhiệm để ổn định thế trận”.

Nói một cách tương đối, đó là một lựa chọn truyền thống nghiêng về tính ổn định.

Hội nghị toàn thể lần thứ 6 Ban Chấp hành Trung ương ĐCSTQ khóa 19 củng cố thêm vị trí cốt lõi của Tập Cận Bình, nêu bật vị trí lịch sử của Tư tưởng Tập. Ảnh: Visual China

Hiện nay, có nhiều dự đoán rằng Phó Thủ tướng Quốc vụ viện Trung Quốc Hồ Xuân Hoa, Bí thư Thành ủy Trùng Khánh Trần Mẫn Nhĩ và Bí thư Thành ủy Thượng Hải Lý Cường sẽ vào Thường vụ Bộ Chính trị tại đại hội 20.

Tuy nhiên, vấn đề là nếu theo cách sắp xếp trên, không những người kế nhiệm còn khá trẻ của ĐCS Trung Quốc sẽ không thể lần thứ 2 đảm nhiệm vị trí này, mà kể cả trong 3 nhân sự có khả năng cao nhất nói trên cũng sẽ có tối thiểu 1 người không được vào danh sách Thường vụ Bộ Chính trị. Điều này dường như không “thân thiện” đối với công tác xây dựng đội ngũ kế nhiệm.

Về khả năng nhân sự thứ hai, đây thực chất là tình huống “người mới lên nắm quyền mở ra cục diện mới”. Tuy nhiên, dự đoán về việc “thêm 5 thành viên mới trong Thường vụ Bộ Chính trị” rõ ràng vẫn bị mắc kẹt trong tư duy cũ về kinh nghiệm và tuổi tác.

Mở ra cục diện mới

Trước đó, một số thông tin khác cũng từng phân tích rằng, không loại trừ sẽ có sự sắp xếp bất ngờ, khả năng 6 người mới sẽ vào Thường vụ Bộ Chính trị, mở ra cục diện mới. Nói một cách tương đối, đây là một cách bố trí dài hạn tích cực và chủ động hơn.

Nếu dựa vào phân tích truyền thống, đại hội 20 là năm có sự thay đổi nhân sự cấp cao mới của ĐCS Trung Quốc, là nút thắt quan trọng trong quá trình thay người kế nhiệm và tạo thành một cuộc thay đổi nhân sự quy mô lớn trong Thường vụ Bộ Chính trị. Điều này cũng hợp lý, cần thiết và cũng có thể có lợi hơn cho cách bố trí đội ngũ kế nhiệm trẻ tuổi hơn.

Chủ tịch kiêm Tổng bí thư Trung Quốc Tập Cận Bình nhấn mạnh hệ thống chính trị Trung Quốc là “dân chủ toàn bộ quá trình”, và cho rằng không nên đánh giá tất cả hệ thống chính trị bằng một tiêu chí giống nhau.

Sự thay đổi nhân sự cấp cao tại đại hội thậm chí sẽ liên quan đến các mục tiêu dài hạn  đến năm 2035, đặc biệt là việc thực hiện “2 mục tiêu 100 năm”. Nếu muốn vươn lên trở thành trung tâm của vũ đài thế giới, Trung Quốc cần bước lên một tầm cao mới trong lĩnh vực kinh tế, khoa học và công nghệ, đồng thời phải đối mặt với nhiều áp lực và bao vây của thế lực bên ngoài.

Do đó, việc bố trí nhân sự cấp cao mang ý nghĩa mở rộng và dài hạn. Đối mặt với những thay đổi to lớn chưa từng có của thế giới trong 100 năm qua, Trung Quốc rõ ràng cần những quan chức có tư duy hiện đại, tiên phong hơn và có khả năng “ứng phó thách thức” hơn để đi đầu và dẫn dắt nước này tiến vào trung tâm vũ đài thế giới.

Đương nhiên, đối mặt với tình hình trong nước và quốc tế, ngoài những khả năng nêu trên, cũng không loại trừ khả năng khác, ví dụ những người đã quá quy định giới hạn tuổi “7 lên 8 xuống” truyền thống tiếp tục lưu nhiệm, những người chưa đến giới hạn tuổi sẽ lui xuống tuyến 2.

Một câu hỏi là liệu ai sẽ vượt qua hai cấp Bộ Chính trị vào thẳng Thường vụ Bộ Chính trị hay không. Điều này phụ thuộc vào các nhân sự cấp cao của ĐCS Trung Quốc cuối cùng sẽ đưa ra lựa chọn như thế nào.

Bách Hoa 

Đọc nhiều