419
category
432593

Những “nhà báo dân chủ” và mưu đồ thâm hiểm

Bảo An 22/09/2020 17:41

Việc lợi dụng quyền tự do báo chí, tự do ngôn luận để chống phá Đảng, Nhà nước ta là một trong những thủ đoạn chính đang được các đối tượng phản động, chống đối, cơ hội chính trị cũng như các thế lực thù địch sử dụng để làm lung lay, suy yếu sức mạnh của đất nước, tiến đến làm cho nước ta bị sụp đổ từ bên trong. Đây cũng là điều dễ hiểu vì hiện tại, “diễn biến hòa bình” đang là chiến lược chính được các thế lực thù địch, chống đối sử dụng để tấn công, làm sụp đổ các nước theo con đường xã hội chủ nghĩa.

Phạm Đoan Trang, một đối tượng núp danh nhà báo tiến hành nhiều hoạt động chống phá

Đặc biệt, với việc xác định lĩnh vực tư tưởng, chính trị là “mũi đột phá” nhằm xâm nhập sâu, chuyển hóa từ gốc bên trong và bên trên của Đảng, Nhà nước ta, việc sử dụng báo chí (lề trái) để tấn công chế độ càng được các đối tượng chống đối, cơ hội chính trị tích cực sử dụng. Và cũng chính bởi vậy, thời gian qua, chúng ta có thể thấy hàng loạt đối tượng phạm tội xâm phạm an ninh quốc gia đều được khoác danh nhà báo như Trần Thị Nga, Huỳnh Thục Vy, Nguyễn Đặng Minh Mẫn … Thậm chí, không ít đối tượng vi phạm pháp luật của Việt Nam, xâm phạm đến an ninh quốc gia của Việt Nam vẫn được hội nhóm, tổ chức chống đối ca ngợi, vinh danh giải thưởng “nhà báo nhân quyền”, “nhà báo can đảm”…

Hiện nay, trong giới “nhà báo dân chủ”, một số cái tên đang “nổi như cồn” có thể kể đến là Đỗ Ngà, Trương Châu Hữu Danh, Phạm Đoan Trang, Bạch Hoàn… Các đối tượng này thường xuyên tận dụng những vấn đề nóng, những sự kiện quan trọng để viết và đăng tải những thông tin xuyên tạc, thiếu kiểm chứng về tình hình đất nước hòng bôi đen, làm bẩn hình ảnh đất nước, dân tộc Việt nam. Đặc biệt, các đối tượng này có mối quan hệ mật thiết, chặt chẽ với các cá nhân, tổ chức phản động, chống đối trong và ngoài nước cũng như một số trang báo nước ngoài có cái nhìn thiếu thiện cảm với Việt Nam như BBC, RFA, RFI, Thoibao.de… để từ đó đăng tải những bài viết tiêu cực, chia sẻ rộng đến người đọc.

Lợi dụng quyền tự do ngôn luận, tự do báo chí và chiếc áo mang danh “nhà báo”, các đối tượng tiến hành tuyên truyền những quan điểm, tư tưởng, lối sống lệch lạc, sai trái; tấn công trực tiếp vào nhận thức, tư tưởng chính trị của quần chúng nhân dân. Một mặt, các đối tượng ca ngợi, cổ vũ các giá trị tư bản hòng tạo ra một sự mơ hồ, lầm tưởng, mất cảnh giác trong nhận thức về chính trị của cộng đồng. Mặt khác, thông qua vỏ bọc báo chí, các đối tượng xuyên tạc, đả phá nền tảng tư tưởng chính trị, tấn công chủ nghĩa Mác – Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh, các chủ trương, đường lối, chính sách của Đảng, Nhà nước, các giá trị đạo đức truyền thống của chúng ta; bẻ lái thông tin, xuyên tạc các vụ việc “nóng” trong xã hội hòng đánh lận bản chất vụ việc; kích động tư tưởng hoài nghi, thù hằn, phá vỡ khối đoàn kết dân tộc… Cái đích mà các đối tượng hướng đến là khiến cho người dân nói chung và cán bộ, đảng viên nói riêng “phai màu”, “từ bỏ”, “giã từ”, “rũ bỏ” ý thức hệ cộng sản, từ đó đánh một đòn “chí tử” vào con đường xã hội chủ nghĩa mà Đảng, Nhà nước và Nhân dân Việt Nam đang đi.

Đội ngũ “nhà báo dân chủ” hầu hết là những đối tượng cơ hội chính trị, bất mãn chính trị. Sau khi được các đối tượng phản động câu móc, được huấn luyện, đào tạo cũng như hỗ trợ về vật chất, tạo chỗ dựa về tinh thần, các “nhà báo dân chủ” được tung ra để tuyên truyền, phát triển lực lượng và tấn công chế độ. Không ít người đã coi “dân chủ” là một nghề kiếm cơm, vì vậy, họ không từ thủ đoạn gì, sẵn sàng xuyên tạc, đổi trắng thay đen, tung ra những thông tin sai trái hòng xâm hại Đảng, Nhà nước.

Nguy hiểm hơn, hiện nay một bộ phận người sử dụng mạng xã hội đang tiếp xúc với những luồng thông tin độc, hại và bị dẫn dắt theo hướng tiêu cực, hình thành những nhận thức sai lầm về tình hình đất nước. Họ bị lầm tưởng trước những thông tin núp danh “đấu tranh chống tiêu cực” được các đối tượng “dân chủ” đưa ra; nhầm lẫn trước việc nhận định đâu là hành động thẳng thắn đấu tranh, phê phán những hành vi tiêu cực và đâu là hành động lợi dụng quyền tự do ngôn luận để tiến hành chống phá chính quyền. Chính sự dễ dãi trong việc tiếp cận thông tin cũng như việc thiếu hiểu biết về tình hình chính trị, xã hội đất nước đã tạo cơ hội cho các đối tượng phản động, chống đối, cơ hội chính trị tận dụng để luồn lách thông tin, dắt mũi dư luận, tấn công tư tưởng, hình thành tư duy, nhận thức không đúng đắn. Đây là một nguy cơ vô cùng lớn đối với công tác bảo vệ an ninh tư tưởng.

Tự do báo chí, tự do ngôn luận là quyền được quy định trong Hiến pháp, được pháp luật bảo vệ. Tuy nhiên, nhiều đối tượng lại đang lợi dụng những quyền này để “dắt mũi dư luận”, tấn công chế độ, xâm hại lợi ích của quốc gia, dân tộc và của toàn thể quần chúng nhân dân. Những kẻ lợi dụng các quyền tự do báo chí, tự do ngôn luận để thực hiện những hành động phi pháp phải bị nghiêm trị trước pháp luật. Chỉ có như vậy, môi trường báo chí mới trong sạch, các quyền hợp pháp của người dân mới được bảo vệ.

Bảo An

* Bài viết thể hiện văn phong và quan điểm riêng của tác giả

Đọc nhiều