Những ‘người vô tội’ trong thương chiến Mỹ – Trung

Tùng Anh 30/08/2019 15:17

Nỗi lo về sức khỏe kinh tế toàn cầu đang làm lan rộng tâm lý hoang mang về việc làm và tăng trưởng, đặc biệt ở châu Á.

Chiến tranh thương mại Mỹ – Trung đang phủ bóng đen lên kinh tế thế giới và những dấu hiệu cảnh báo về nguy cơ suy thoái đã bắt đầu xuất hiện trên các thị trường tài chính. Suy thoái không tạo ra mối đe dọa ngay lập tức đối với các nền kinh tế lớn nhất châu Á, dù tốc độ phát triển của họ cũng đang chậm lại. Tuy nhiên, một số nền kinh tế nhỏ ở khu vực, trong đó có cả Hong Kong và Singapore, chắc chắn sẽ gặp rủi ro, chuyên gia nhận định.

Louis Kuijs, lãnh đạo ban kinh tế châu Á tại công ty phân tích thị trường Oxford Economics, Anh, gọi họ là những “người ngoài cuộc vô tội” trong cuộc chiến thương mại giữa Washington và Bắc Kinh.

“Có những nền kinh tế nhỏ và mở cửa, nơi thương mại, nhất là thương mại với Trung Quốc, cực kỳ quan trọng”, Kuijs nói.

Bản thân tốc độ tăng trưởng kinh tế Trung Quốc đã chững lại trong những năm gần đây. Số liệu mới nhất cho thấy GDP Trung Quốc chỉ tăng 6,2% trong quý II vừa qua, mức thấp nhất kể từ đầu năm 1990. Việc Mỹ đánh thuế lên hàng hóa nhập khẩu từ Trung Quốc trị giá hàng trăm tỷ USD càng làm gia tăng thêm căng thẳng. Động thái đã khiến một số công ty Trung Quốc bị tổn thương bởi khoảng 20% hàng xuất khẩu của nước này có điểm đến là Mỹ. Nhưng điều gây hại hơn với doanh nghiệp là họ không biết chắc chắn bao giờ xung đột sẽ chấm dứt.

Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình (trái) và Tổng thống Mỹ Donald Trump. Ảnh: Reuters.
Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình (trái) và Tổng thống Mỹ Donald Trump. Ảnh: Reuters.

“Thứ gây ảnh hưởng tới các kế hoạch kinh doanh là sự bấp bênh của cuộc chiến tranh thương mại Mỹ – Trung, có thể nó còn nghiêm trọng hơn cả đòn thuế. Nó là yếu tố chính được quan tâm trên toàn cầu”, Kuijs nhận xét.

Bắc Kinh năm nay đã thực hiện một loạt động thái nhằm hỗ trợ nền kinh tế, bao gồm giảm thuế trong nước và chi tiêu xây dựng. Năm 2019, chính quyền nhắm mục tiêu tăng trưởng từ 6% đến 6,5%.

Theo Kuijs, những gì xảy ra với Trung Quốc có ảnh hưởng rất lớn tới phần còn lại của châu Á. Việc kinh tế Trung Quốc chững lại cùng cuộc chiến tranh thương mại đã đánh gục niềm tin tại Nhật Bản, quốc gia phụ thuộc khá lớn vào xuất khẩu, chẳng hạn như đồ điện tử và phụ tùng xe hơi.

Nhưng số liệu kinh tế mới nhất của Nhật Bản khá lạc quan. Dữ liệu sơ bộ cho thấy GDP tăng 0,4% trong quý II, vượt mức dự kiến là 0,1%, nhờ vào mức chi tiêu dùng lớn.

Dù vậy, nền kinh tế lớn thứ ba thế giới sắp phải đối mặt với một mối rủi ro khi biện pháp tăng thuế bán hàng sẽ được đưa ra vào tháng 10.

“Tình hình có thể sẽ không còn tươi sáng như bây giờ bởi nhu cầu trong nước suy yếu sau khi thuế tăng”, chuyên gia kinh tế tại công ty phân tích thị trường Capital Economics Japan Marcel Thieliant cho hay.

Với Ấn Độ, nền kinh tế lớn thứ ba châu Á, tăng trưởng đã chững lại trong bối cảnh nhu cầu trong nước sụt giảm và đầu tư yếu. Tăng trưởng GDP quý gần nhất của Ấn Độ đã giảm xuống 5,8%, mức thấp nhất trong vòng 5 năm.

Ấn Độ chủ yếu dựa vào tiêu dùng nội địa để thúc đẩy nền kinh tế khổng lồ của mình nhưng mức chi tiêu dùng đang lao dốc. Doanh số xe hơi là một ví dụ đáng lo ngại. Hồi tháng 7, doanh số bán xe chở khách giảm 31%, mức giảm mạnh nhất tính theo tháng trong gần hai thập kỷ. Doanh số thấp đồng nghĩa với việc làm và sản xuất bị cắt giảm.

Đến nay, ngân hàng trung ương Ấn Độ đã giảm lãi suất 4 lần. Lãi suất tham chiếu hiện đứng ở mức thấp nhất trong gần một thập kỷ. Ấn Độ được cho là sẽ thực hiện nhiều biện pháp nhằm kích thích kinh tế cũng như chống lại mối đe dọa từ một cuộc xung đột thương mại với Mỹ.

Đặc khu Hong Kong đang phải chống lại những áp lực từ sự sụt giảm ở Trung Quốc cùng với những bất ổn từ cuộc biểu tình chống dự luật dẫn độ kéo dài hơn hai tháng qua. Một số nhà phân tích cho rằng kết hợp hai yếu tố trên, Hong Kong rất có nguy cơ sẽ sớm rơi vào suy thoái.

GDP của Hong Kong đã giảm 0,4% trong quý II so với quý trước đó. Nhưng con số này chưa phản ánh tác động của các cuộc biểu tình đối với ngành du lịch và bán lẻ.

Chuyên gia kinh tế tại DBS Bank, trụ sở ở Singapore, và Capital Economics, đánh giá trong quý III, Hong Kong sẽ rơi vào suy thoái về mặt kỹ thuật, được định nghĩa là hai quý tăng trưởng âm liên tiếp.

Singapore, quốc gia phụ thuộc vào thương mại, giờ đây cũng phải gánh chịu thiệt hại từ tình trạng kinh tế giảm tốc, sụt giảm nhu cầu ở Trung Quốc và cuộc chiến thương mại Mỹ – Trung.

Xuất khẩu công nghệ cao là một ngành mũi nhọn của Singapore nên nhu cầu thiết bị điện tử suy yếu trên toàn thế giới sẽ làm lu mờ triển vọng kinh tế của nước này.

GDP Singapore đã giảm 3,3% trong quý II, khiến chính phủ phải giảm dự báo tăng trưởng trong năm 2019 xuống còn từ 0% đến 1%. Chuyên gia từ Oxford Economics cho rằng GDP quý III sẽ tiếp tục chứng kiến mức tăng trưởng âm, đồng nghĩa Singapore sẽ đối mặt với tình trạng suy thoái kỹ thuật.

Theo Kuijs ảnh hưởng của chiến tranh thương mại với Hong Kong và Singapore “lớn hơn so với Trung Quốc, dù họ không chịu bất kỳ đòn thuế nào”.

Hàn Quốc hồi đầu năm từng đối mặt với những mối lo ngại về suy thoái song họ đã nỗ lực để thoát được kết cục trên sau một khoản chi khổng lồ của chính phủ nhằm giúp nền kinh tế quay trở lại đà tăng trưởng. Trong quý II, GDP Hàn Quốc đã tăng 1,1% so với quý trước, thời điểm chính phủ công bố mức giảm mạnh nhất kể từ cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu. Hồi tháng 7, ngân hàng trung ương Hàn Quốc đã giảm lãi suất lần đầu tiên trong ba năm.

Hầu hết thương tổn bắt nguồn từ việc xuất khẩu công nghệ bị chững lại, do sự suy giảm nhu cầu thiết bị điện tử toàn cầu. Đây vốn là lĩnh vực vô cùng quan trọng với Hàn Quốc khi thiết bị điện tử chiếm 30% lượng hàng hóa xuất khẩu.  Bên cạnh đó, một cuộc chiến thương mại đang leo thang với Nhật Bản cũng làm tăng thêm tính bất ổn đối với triển vọng tăng trưởng của Hàn Quốc, chuyên gia nhận định.

Hồng Anh (Theo BBC)

Đọc nhiều