Những ngôi sao lóe sáng và công tác cán bộ
Khá nhiều cán bộ tuổi đời còn trẻ, từng được dư luận đánh giá là ngôi sao chính trị đang lên bị kỷ luật, cách chức, vi phạm đạo đức là trái đắng của một cơ chế quản lý lạc hậu, “nhất hậu duệ”.
Với tỉ lệ 41/42 phiếu đồng ý miễn nhiệm, ngày 11/7 ông Nguyễn Bá Cảnh, con trai cố Bí thư Thành ủy Nguyễn Bá Thanh chính thức thôi làm nhiệm vụ đại biểu HĐND thành phố Đà Nẵng, đặt dấu chấm hết quan lộ của một hạt giống đỏ, người từng được phân công đảm nhiệm một lúc nhiều chức vụ quan trọng.
Trước đó, đại diện Sở Kế hoạch và Đầu tư Đà Nẵng xác nhận ông Trần Văn Mẫn, Trưởng phòng Đấu thầu Thẩm định và giám sát có đơn xin thôi việc. Ông Mẫn là con của vị nguyên chủ tịch UBND thành phố, Phó Ban tổ chức Trung Ương đang bị cơ quan điều ra Bộ Công an khởi tố, bắt tạm giam do “Vi phạm quy định về quản lý gây hậu quả nghiêm trọng”. Mặc dù ông Mẫn tự ý xin thôi chức chứ không phải bị kỷ luật nhưng ông từng bị tai tiếng du học bằng tiền ngân sách với một bộ hồ sơ không tương xứng.
Năm 2017, ông Nguyễn Xuân Anh bị cách chức Bí thư Thành ủy Đà Nẵng, cho thôi chức Ủy viên Ban chấp hành Trung ương Đảng khóa 12 do vi phạm nguyên tắc tập trung dân chủ và các quy định của Đảng, Nhà nước về công tác cán bộ. Ông Anh là con trai của một vị nguyên Chủ nhiệm Ủy ban Kiểm tra Trung ương.
Tỉnh Quảng Nam thì có Lê Phước Hoài Bảo, con trai của nguyên Bí thư tỉnh ủy Lê Phươc Thanh; Bộ Công Thương có Vũ Quang Hải, con trai của nguyên Bộ trưởng Vũ Huy Hoàng; TP. HCM có ông Lê Tấn Hùng, em trai của một nguyên UVBCT, Bí thư thành ủy… cũng lâm hoàn cảnh tương tự.
Khá nhiều hạt giống đỏ tuổi đời còn trẻ, từng được dư luận đánh giá là ngôi sao chính trị đang lên bị kỷ luật, cách chức là trái đắng của một cơ chế quản lý cán bộ lạc hậu, thiếu công khai, “nhất hậu duệ”, chứng tỏ dư luận về nâng đỡ, chạy ghế trong công tác nhân sự các cơ quan bộ ngành là có cơ sở.
Cây gia phả làm quan ở các tỉnh như Hà Giang, Bắc Ninh, Hải Dương,… mà việc xử lý “để lâu hóa bùn” cũng tiềm ẩn nhiều nguy cơ tiêu cực, cũng là một biến thể khác của tệ nạn này.
Một nữ đại biểu Quốc hội có lần nói: “Con em cán bộ lãnh đạo được các đại hội Đảng tín nhiệm giao trọng trách là điều hạnh phúc của dân tộc, của Đảng”. Câu nói ấy đã trở thành chủ đề nóng của dư luận xã hội vì liên hệ với tình hình thực tiễn của đất nước làm nổi bật lên mâu thuẩn giữa lý thuyết và thực tế, khuấy động bức xúc trong dân.
Thế giới cũng có hiện tượng “dòng dõi chính trị” nhưng thể chế của họ khác ta, pháp luật của họ là bất vị thân nên các hạt giống phải kinh qua chọn lựa công khai, sàng lọc khắc nghiệt, và bất kỳ ai dính phốt đều bị xử lý, khởi tố. Cựu Tổng thống Hàn Quốc Park Geun-hye, cựu Thủ tướng Malaixia Najib Razak đã bị bắt và đang ngồi tù do bê bối tài chính, lạm quyền. Trường hợp tự động từ chức do scandal diễn ra thường xuyên vì sĩ diện dẫn đến tự sát cũng không hiếm những ứng xử chưa có tiền lệ ở chính trường Việt Nam.
Nước ta, thế hệ những lãnh đạo có bản lĩnh tôi rèn qua chiến tranh theo quy luật thời gian phần nhiều đã qua đời, xuất hiện một bộ phận các lãnh đạo thuộc thế hệ “thái tử”. Đa số họ lớn lên trong nhung lụa, được che chắn bởi cái bóng của cha mẹ, người thân, được giao quyền lực mà không kinh qua tôi luyện thử thách, vì thế họ sẽ dễ lâm vào nhiều rủi ro như sớm sinh lòng tự mãn, lạm quyền, coi thường luật pháp. Ai cũng có bằng cấp cao nhưng phần nhiều là để hợp thức hóa thủ tục, cho đẹp hồ sơ, giải quyết khâu oai, còn chất lượng thì khó kiểm chứng, thậm chí rất ảo.
Thực trạng này đặt ra yêu cầu cải cách thể chế về công tác cán bộ là vấn đề cấp thiết. Một cơ chế quản trị khoa học tiến bộ sẽ loại trừ những kẻ cơ hội, tham nhũng, kém tâm và tầm ngay từ nguồn. Sau đó trong quá trình công tác tiếp tục thử thách sàng lọc, loại trừ những người làng nhàng, ăn may, bản lĩnh yếu kém để chọn được người ưu tú, làm việc vì dân vì nước.
Nếu không đưa được người tài đức vào các cấp lãnh đạo, cơ quan dân cử thì mục tiêu phát triển thành một nước công nghiệp hiện đại, tiến hành Cách mạng 4.0 dù có tuyên truyền bao nhiêu cũng khó mà thành công.
Nước ta có xuất phát điểm thấp lại đang trong thời kỳ vàng của dân số trẻ nên GDP tăng vài điểm phần trăm cũng như một cơ thể lớn lên về mặt sinh học, còn tăng trưởng về chất như y tế giáo dục phát triển, xã hội an toàn văn minh, môi trường bền vững mới là điều đáng kỳ vọng thì chuyển biến không đáng kể, thậm chí có lĩnh vực chiều hướng xâu đi.
Những giải pháp chúng ta đã bàn nhiều mà làm chưa tới nơi tới chốn như pháp luật nghiêm minh, xử lý trách nhiệm người đứng đầu, kiểm tra giám sát công khai đa chiều, minh bạch tài sản lương bổng cán bộ, quay phim ghi hình người làm công vụ, nơi hỏi cung, công đường, nếu áp dụng rốt ráo cũng sẽ phát huy tính hiệu quả.
Còn duy trì cách làm hiện nay rồi ngồi chờ cán bộ tốt lên cho dân nhờ là bất khả thi. Một ứng xử căn bản như bắt dân chúng tuân thủ luật giao thông đường bộ, nhưng xe biển xanh biển đỏ chạy ngoài đường vi phạm luật vô tư và ngang nhiên thì thật khó biện minh. Giữa thanh thiên bạch nhật, “quan trên trông xuống người ta trông vào” mà không chấp hành thì ở những nơi không ai nhìn thấy, sau cánh cửa phòng đóng kín, tự giác được chăng!
Trước đây tôi đi từ Huế ra Quảng Bình với một người nước ngoài làm nghiên cứu sinh đề tài lịch sử Việt Nam, đoạn đến sông Thạch Hãn tỉnh Quảng Trị chúng tôi dừng xe ở cầu Bến Hải để nghỉ chân, chụp hình. Nói về cây cầu và dòng sông dày dấu tích văn học sử này tôi đọc những câu thơ: “Đò lên Thạch Hãn ơi chèo nhẹ / Đáy sông còn đó bạn tôi nằm / Có tuổi 20 hòa sóng nước”… Như chạm vào dòng điện của anh linh trăm ngàn liệt sĩ, đọc và chép xong bốn câu thơ chủ và khách không thể kiềm chế được sự xúc động.
Theo truyền thuyết của Nhật Bản, những người sống có nghĩa khí, hy sinh vì đất nước khi chết sẽ hóa thành những ngôi sao ngụ trên bầu trời quan sát việc chúng ta làm. Những người dấn thân vào con đường quyền lực mà không mang tâm thế phục vụ, vì dân vì nước nên biết như vậy.
(Theo Vietnamnet)