Những ngộ nhận về nhiệt điện than ở Việt Nam
Đúng là nhiệt điện than là một trong những nguồn chính gây ô nhiễm không khí, là nguồn chính gây biến đổi khí hậu toàn cầu, cần phải có lộ trình thay thế bằng năng lượng mặt trời, năng lượng gió và năng lượng sạch khác.
Thế nhưng cả báo chí, truyền thông và mạng xã hội Việt Nam cũng như rất nhiều cá nhân đang có nhiều ngộ nhận về nhiệt điện than. Những ngộ nhận về nhiệt điện than có thể kể như sau:
Cả thế giới đang từ bỏ nhiệt điện than.
Trung Quốc đã đóng cửa và giảm mạnh điện than.
Các nước Âu, Mỹ, Úc, Nhật Bản không còn xây dựng mới nhiệt điện than.
Nhiệt điện than của Việt Nam nhiều hơn các nước Âu, Mỹ, Nhật Bản, Úc, Hàn Quốc…
Ngộ nhận 1: Cả thế giới đang từ bỏ nhiệt điện than
Đúng là cả thế giới đang có mong muốn từ bỏ nhiệt điện than, minh chứng là hiệp định Paris về biến đổi khí hậu toàn cầu. Thế nhưng thực tế là 3 cường quốc lớn, có công suất điện than lớn nhất thế giới là Mỹ, Trung Quốc và Ấn Độ không hề từ bỏ điện than. Mỹ đã rút khỏi hiệp định Paris, còn Trung Quốc và Ấn Độ vẫn là 2 quốc gia đang xây mới nhiều nhất các nhà máy nhiệt điện than.
Tổng số nhà máy nhiệt điện than đang xây và chuẩn bị xây mới trên toàn cầu là 1.600 nhà máy. Bất ngờ là trong số các nước xây mới nhiều nhiệt điện than, ngoài Trung Quốc, Ấn Độ có cả Nhật Bản (45 nhà máy), Hàn Quốc (26) và EU (27).
Ngộ nhận 2: Trung Quốc đã đóng cửa và giảm mạnh điện than
Đúng là Trung Quốc đã đóng cửa một số nhà máy nhiệt điện than nhỏ, công suất thấp, công nghệ lạc hậu, nhưng đồng thời Trung Quốc vẫn đang xây mới rất nhiều các nhà máy nhiệt điện than. Trong vòng 10 năm tới số nhà máy nhiệt điện than xây mới của Trung Quốc chiến gần 50% tổng số nhà máy nhiệt điện than xây mới trên toàn thế giới.
Theo kế hoạch Trung Quốc sẽ xây mới cỡ 1.171 nhà máy nhiệt điện than, với tổng công suất lên đến 121GW. Hãy tưởng tượng riêng số xây mới nhiệt điện than này của Trung Quốc đã gấp 2.2 lần tổng công suất điện của Việt Nam và gấp 7 lần tổng công suất nhiệt điện than của Việt Nam.
Ngộ nhận 3: Các nước Âu, Mỹ, Úc, Nhật Bản không còn xây dựng mới nhiệt điện than
Thực tế là rất nhiều nước Âu, Mỹ vẫn tiếp tục xây mới các nhà máy nhiệt điện than. Theo kế hoạch số nhà máy nhiệt điện than xây mới của EU, Nhật Bản, Hàn Quốc, Thổ Nhĩ Kỳ lần lượt là 27, 45, 26 và 93 nhà máy.
Trong giai đoạn 2010-2019, các nhà máy nhiệt điện than xây mới của Nhật Bản có công suất là 8.7GW, của Hàn Quốc là 5.2GW, của Ba Lan là 3.3GW.
Ngộ nhận 4: Nhiệt điện than của Việt Nam nhiều hơn các nước Âu, Mỹ, Nhật Bản, Úc, Hàn Quốc…
Thực tế là tổng công suất nhiệt điện than của Việt Nam là 17.5GW, ít hơn Đài Loan (18.6GW), Thổ Nhĩ Kỳ (19.8GW), Úc (24.4GW), Ba Lan (30.0GW), Hàn Quốc (37.6GW), Nhật Bản (45.5GW), Đức (45.6GW), Mỹ (254.3GW).
Tính về tỷ trọng nhiệt điện than trên tổng điện quốc gia của Việt Nam là 35% (tính cuối 2019 sau khi một loạt nhà máy điện năng lượng mặt trời đưa vào khai thác). Thật bất ngời là tỷ trọng nhiệt điện than của Úc lại lên đến 61.3%, Ba Lan là 78.8%, Nam Phi là 87.7%, Hàn Quốc là 46.3%, Đài Loan là 46.8%. Đức là nước được ca tụng như một quốc gia năng lượng sạch (điện gió và điện năng lượng mặt trời) thì nhiệt điện than vẫn chiếm 37% (tương đương Việt Nam).
Thật bất ngờ là lượng tiêu thụ điện than trên đầu người của Việt Nam chỉ gần bằng 1/3 của Úc và Đức, gần bằng 1/4 của Nhật Bản, gần bằng 1/5 của Mỹ và Ba Lan.
Thay lời kết
Đúng là Việt Nam chúng ta cần giảm nhiệt điện than, đẩy mạnh điện gió và điện năng lượng mặt trời, thế nhưng muốn làm bất cứ việc gì thì việc đầu tiên phải có thông tin thật chính xác, không thể tù mù và ngộ nhận như trên được.
Tin vui là năm 2019 lượng điện gió và điện năng lượng mặt trời mới của Việt Nam lên đến 4GW, gấp đôi công xuất của nhiệt điện than mới (Nhiệt điện Vĩnh Tân 4 và 4E), nâng tỷ trọng điện mặt trời và điện gió lên 9.7%.
Tieu Diem (Tổng hợp từ Wired, Carbonbrief, Visualcapitalist…)