Những mối quan hệ “kết nghĩa” đem về tỷ đô của TP.HCM

13/03/2024 10:58

Hiện nay, xu hướng hội nhập và hợp tác kinh tế và tài chính trên thế giới đang có sự biến chuyển rõ rệt so với trước đây. Những xu hướng, diễn biến bất ổn định và tiêu cực này đã tạo nên những thách thức và tác động đến nền kinh tế Việt Nam. Tuy nhiên, bên cạnh những ảnh hưởng tiêu cực, những nhân tố, xu hướng thuận lợi có thể tạo ra những cơ hội và ảnh hưởng tích cực đối với tiến trình hội nhập và hợp tác kinh tế – tài chính quốc tế của Việt Nam.

P.HCM chính là thành phố có tiềm năng trở thành trung tâm tài chính của khu vực và thế giới.

Thời gian gần đây, truyền thông quốc tế cũng như các chuyên gia kinh tế đều đồng loạt có những nhận định cho rằng Việt Nam, cụ thể là TP.HCM chính là thành phố có tiềm năng trở thành trung tâm tài chính của khu vực và thế giới. Điều này được thể hiện rõ thông qua những bản ký kết các thỏa thuận hợp tác với các trung tâm tài chính lớn trên thế giới như New York, Thụy Sỹ, Hong Kong… nhằm thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, thu hút các dòng vốn đầu tư và qua đó nâng vị thế Việt Nam lên một nấc mới trên bản đồ thế giới.

TP.HCM “kết nghĩa” với New York

Một bản ghi nhớ ký kết trưa 21/9/2023 giữa Chủ tịch TP.HCM Phan Văn Mãi và Thị trưởng New York Eric Adams dưới sự chứng kiến của Thủ tướng Phạm Minh Chính đã diễn ra ngay tại New York.

TP.HCM một lần nữa là địa phương đầu tiên thiết lập quan hệ kết nghĩa với một địa phương của Mỹ trong bối cảnh hai quốc gia có bước tiến mạnh mẽ trong quan hệ.

Đặc biệt, việc kết nghĩa giữa TPHCM và thành phố New York, một trong những trung tâm tài chính quan trọng của thế giới, có thể mang lại nhiều lợi ích cho cả hai thành phố và hỗ trợ TPHCM trong việc thực hiện hóa mục tiêu trở thành trung tâm tài chính của khu vực và quốc tế.

Chủ tịch UBND TP.HCM Phan Văn Mãi và Thị trưởng New York ký kết biên bản ghi nhớ thiết lập quan hệ kết nghĩa giữa TP New York và TP.HCM.

Hợp tác TP.HCM – Hong Kong

Trước đó, Trung tâm tài chính lớn thứ 4 thế giới là Hong Kong cũng đã xúc tiến hợp tác cùng với TP.HCM vì thấy rõ được tiềm năng và lợi thế của nơi đây.

Theo Ông Christopher Hui, Bộ trưởng Dịch vụ Tài chính và Kho bạc Hồng Kông, với lợi thế về địa lý cũng với sự năng động vốn có của mình, TP.HCM hiện đang đứng đầu danh sách 10 trung tâm tiềm năng được xem xét để đưa vào danh sách đánh giá chính thức của GFCI, nhờ đạt mức điểm cao nhất về số lượng nội dung đánh giá (148/150). Việc xây dựng thành phố trở thành trung tâm tài chính quốc tế không chỉ là xu hướng tất yếu mà còn là biểu hiện của một quốc gia năng động, phát triển và hội nhập.

Ký kết thỏa thuận hợp tác TP.HCM và Diễn đàn Kinh tế Thế giới

Gần đây nhất, trong khuôn khổ Diễn đàn Kinh tế Thế giới tại Davos (Thụy Sỹ), Chủ tịch UBND TP.HCM Phan Văn Mãi đã ký thỏa thuận hợp tác thành lập Trung tâm Cách mạng Công nghiệp lần thứ 4 (C4IR) tại TP.HCM với Diễn đàn Kinh tế Thế giới (WEF).

C4IR TP.HCM dự kiến sẽ đi vào hoạt động từ tháng 6-2024 và tập trung hợp tác nghiên cứu, đề xuất chính sách, ứng dụng và chuyển giao công nghệ, huy động nguồn lực cho các lĩnh vực như: tăng trưởng xanh, đô thị thông minh, trí tuệ nhân tạo,…

Lễ ký kết trong khuôn khổ Diễn đàn Kinh tế Thế giới tại Thụy Sĩ

C4IR TP.HCM sẽ được đặt tại Khu Công nghệ cao TP.HCM. C4IR được xem là một trong các đề án phát triển kinh tế quan trọng của TP.HCM, đóng vai trò là động lực thúc đẩy phát triển của thành phố trong thời gian tới. Đây cũng đồng thời là lời khẳng định vị thế trung tâm của TP.HCM trên tiến trình trở thành trung trâm tài chính quốc tế trong tương lai.

TP.HCM hiện thực hóa kỳ vọng

Việc xây dựng TP.HCM thành trung tâm tài chính quốc tế được giới chuyên gia kỳ vọng sẽ trở thành động lực quan trọng mới thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, thu hút các dòng vốn đầu tư, qua đó, nâng vị thế Việt Nam lên một nấc mới trên bản đồ thế giới.

Hiện nay, mật độ tập trung các tổ chức tài chính trên địa bàn TP.HCM cao nhất so với cả nước. Chỉ tính riêng hệ thống ngân hàng và các tổ chức tín dụng đã có tới 2.138 đơn vị; trong đó có 50 ngân hàng 100% vốn nước ngoài, 31 ngân hàng thương mại cổ phần trong nước và 4 ngân hàng quốc doanh.

Ngoài ra, với các hoạt động cải cách thể chế, Việt Nam đã liên tục tăng hạng về chỉ số năng lực cạnh tranh và đổi mới sáng tạo trên thế giới. Không những thế, cũng phải kể đến nhiều yếu tố khác như sự năng động của nền kinh tế; tinh thần cởi mở của Chính phủ; sự phát triển các lĩnh vực như khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo, fintech… mà TP.HCM là cái tên nhận được sự quan tâm của cộng đồng quốc tế và đây đang là các trợ lực, tiềm năng tốt mà TP.HCM đang sở hữu để trở thành một trung tâm tài chính quốc tế.

Bảo Trâm

Tags :
Đọc nhiều