10
topics
564386

Những lợi ích về mặt kinh tế từ chuyến thăm Pháp của Thủ tướng Phạm Minh Chính

La Hoàng 08/10/2021 12:30

Trong những ngày vừa qua, Thủ tướng Chính phủ và Đoàn đại biểu cấp cao Việt Nam đã có chuyến công tác tốt đẹp tại Vương Quốc Anh và Cộng hòa Pháp. Thông qua tham dự Hội nghị lần thứ 26 Các bên tham gia Công ước khung của Liên hợp quốc về biến đổi khí hậu (COP26), Thủ tướng đã liên tục thăm hỏi và làm việc hiệu quả với lãnh đạo các quốc gia về hợp tác đa phương và song phương.

Thủ tướng Chính phủ Việt Nam Phạm Minh Chính tại COP26.

Tại COP26, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đã có những phát biểu quan trọng cùng những ý kiến đóng góp về Môi trường và Khí hậu được đánh giá cao bởi các bên tham gia Công Ước. Thủ tướng đã nhấn mạnh sự kết hợp của 3 lĩnh vực bao gồm tài chính – khí hậu, chuyển giao công nghệ và hoạt động nâng cao năng lực là sự tất yếu để hoàn thành mục tiêu của Hội nghị một cách nhanh chóng nhất. Bên cạnh đó, phát biểu của Thủ tướng nói riêng và các bên tham gia Công Ước nói chung luôn đề cao tính cam kết hoàn toàn của các nước phát triển trong công tác hỗ trợ tài chính cho các nước đang phát triển, nhằm bảo vệ công dân toàn cầu trước những tác động khó lường của Biến đổi khí hậu.

Tận dụng cơ hội lớn từ chuyến đi này, Thủ tướng đã chủ động tiếp xúc với hơn 20 nguyên thủ các quốc gia như Anh, Mỹ, Đức, Nhật Bản, Canada, Australia, Ấn Độ, Hàn Quốc, Thái Lan và lãnh đạo các tổ chức quốc tế như: Tổng Thư ký Liên hợp quốc (LHQ), Chủ tịch Ủy ban châu Âu (EC), Tổng giám đốc Cơ quan Năng lượng nguyên tử quốc tế (IAEA)…Bên cạnh đó, việc gặp gỡ, tiếp giao lãnh đạo của các tập đoàn kinh tế và các tổ chức thương mại lớn trên thế giới, cùng với những thỏa thuận hợp tác giữa các doanh nghiệp trong nước với các đối tác nước ngoài đã diễn ra vô cùng khả quan và tích cực trong khuôn khổ của Hội nghị. Điều này đã mang lại những dấu ấn tốt đẹp cho Việt Nam trong mắt bạn bè quốc tế về một quốc gia thân thiện, uy tín, và cởi mở trong hợp tác toàn cầu. Đặc biệt, dưới thời kỳ COVID-19 đầy khắc nghiệt, Việt Nam vẫn liên tục dẫn đầu Đông Nam Á về tốc độ phục hồi và tăng trưởng, đây được xem như là biểu hiện rất tích cực trên diễn đàn quốc tế cho một quốc gia chứa đựng nhiều tiềm năng triển vọng để thu hút các đối tác lớn từ nước ngoài.

Sau Hội nghị thượng đỉnh về Biến đổi khí hậu, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính và Đoàn Đại biểu cấp cao Việt Nam đã nhanh chóng thu xếp và thăm chính thức Cộng hòa Pháp vào ngày 3/11 vừa qua. Chuyến đi này của Thủ tướng xoay quanh mục đích tăng cường hợp tác và củng cố hơn nữa mối quan hệ song phương Việt – Pháp trong điều kiện mới về đảm bảo môi trường, khí hậu. Sự hợp tác được nhấn mạnh trên phương diện kinh tế và thúc đẩy thương mại giữa hai quốc gia. Cụ thể, Việt Nam mong muốn tiếp tục mở rộng hoạt động xuất khẩu hàng hóa sang thị trường Pháp, trong khi Pháp muốn đảm bảo vị thế của mình và mong Việt Nam mở cửa hơn nữa cho các nhà đầu tư và doanh nghiệp Pháp. Có thể thấy rằng, chuyến đi này rất có ý nghĩa đối với mối quan hệ hai nước nói riêng và quan hệ khối ASEAN – Liên minh Châu Âu nói chung.

Thủ tướng Phạm Minh Chính và Tổng thống Pháp Enmanuel Macron.

Dưới góc nhìn về phương diện kinh tế, Việt Nam nhận được những cơ hội cũng như lợi ích tiềm năng trong mục tiêu phục hồi và phát triển kinh tế nước nhà thông qua chuyến công tác đến Châu Âu của Thủ tướng Chính phủ.

Về thương mại, chuyến đi thăm và xác lập những thỏa thuận hợp tác mới tại Pháp của Thủ tướng là cơ hội tốt để củng cố và thúc đẩy gắn kết cho mối quan hệ song phương Pháp – Việt. Trên thực tế, Pháp và Việt Nam đã và đang thực thi Hiệp định EVFTA rất hiệu quả trong hoạt động trao đổi thương mại giữa các quốc gia. Đặc biệt, dưới tác động nặng nề của đại dịch COVID-19, khi các mối quan hệ kinh tế hầu hết bị gián đoạn, thì hoạt động giao thương, xuất nhập khẩu hàng hóa giữa Việt Nam và Pháp vẫn tăng trưởng một cách lạc quan. Điều này thể hiện, sự hợp tác song phương này là một quyết định vô cùng đúng đắn và sáng suốt của hai quốc gia, nó thúc đẩy tăng trưởng kinh tế bền vững ngay cả trong thời điểm hoạt động thương mại trên toàn cầu chịu những tổn thất lớn do dịch bệnh gây ra. Từ kết quả đáng bất ngờ ấy, không chỉ vị thế của Pháp trên thị trường quốc tế được củng cố, mà Việt Nam nhờ đó cũng tiến gần hơn đến với mục tiêu khẳng định tiềm năng quốc gia trên diễn đàn kinh tế toàn cầu. Không chỉ vậy, việc Pháp sẽ đảm nhiệm chức vụ Chủ tịch Hội đồng châu Âu trong 6 tháng đầu năm 2022 càng mang lại cho Việt Nam những lợi thế quan trọng dựa trên mối quan hệ bền vững và mật thiết với Pháp. Cụ thể, những hoạt động hỗ trợ mang tính cấp thiết và tính nhân văn cao trong lĩnh vực y tế, an sinh xã hội giữa Pháp và Việt Nam khi đại dịch COVID-19 tàn phá đã gia tăng thêm sự gắn kết cho mối quan hệ của hai quốc gia, điều này hoàn toàn mang lại những cơ hội thỏa thuận dễ dàng cho Việt Nam khi muốn đàm phán với Pháp trên phương diện kinh tế trong tương lai. Có thể nói rằng, nếu như trước đây, mối quan hệ thương mại song phương này mang tính ngoại giao và hỗ trợ, thì chuyến công tác lần này của Thủ tướng Chính phủ là sự khẳng định cho tính bền vững, chắc chắn và cùng hướng đến mục tiêu hợp tác phát triển đồng đều, mang đến lợi ích tối đa cho cả hai quốc gia trên mọi phương diện trong thời kỳ mới.

Về đầu tư, cuộc gặp gỡ này mang lại những cơ hội rất tốt cho sự phục hồi và phát triển hoạt động đầu tư FDI của Việt Nam, dựa vào mục tiêu hướng đến những khu vực đầu tư hấp dẫn của Pháp và những tiềm năng mà sự hợp tác về thương mại do mối quan hệ song phương này mang lại. Được biết rằng, Pháp là nhà đầu tư châu Âu lớn thứ 2 với hơn 375 dự án trị giá 3,7 tỷ USD và cũng là nước viện trợ phát triển chính thức (ODA) lớn thứ 3 của Việt Nam. Điều này thể hiện rằng, với sự năng động và mức đóng góp tiềm năng của mình, Việt Nam đang là một quốc gia đầy sức hấp dẫn đối với các nhà đầu tư quốc tế, đặc biệt với Pháp nói riêng và các đối tác thương mại châu Âu nói chung.

Từ chuyến đi thăm và làm việc tại Anh và Pháp của Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính, Việt Nam đã một lần nữa khẳng định tính chủ động, năng nổ, luôn luôn cởi mở và thiện chí hợp tác, phát triển với các quốc gia trên toàn thế giới. Sự kết hợp giữa thái độ tích cực và tiềm lực quốc gia được công nhận là thành tố quan trọng để Việt Nam thu hút mạnh mẽ sự đầu tư từ các đối tác nước ngoài. Điều này được minh chứng khi rất nhiều quốc gia thể hiện cái nhìn thiện cảm với những hoạt động của nước ta trong hội nhập quốc tế và khẳng định sẵn sàng hợp tác với Việt Nam trong triển khai các biện pháp nhằm thúc đẩy tăng trưởng xanh, kinh tế tuần hoàn và hỗ trợ các cộng đồng dân cư trên toàn cầu.

Nhìn chung, chuyến công tác vừa qua của Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính và Đoàn Đại biểu cấp cao Việt nam đã được diễn ra một cách hiệu quả. Nó đã tận dụng những cơ hội quan trọng để tiếp xúc cũng như tăng cường hợp tác mở rộng, gắn kết giữa Việt Nam và các quốc gia trong phạm vi Hội nghị, các nhà lãnh đạo Pháp cũng như các doanh nghiệp nước ngoài. Từ những tiềm năng đã và đang được công nhận trên thị trường quốc tế, Việt Nam đã thành công khi hình thành cái nhìn tích cực về hình ảnh quốc gia trong mắt bạn bè quốc tế, gặt lấy những cơ hội đầu tư từ đối tác nước ngoài về kinh tế trong tiến trình phục hồi và phát triển trở lại nền kinh tế nước nhà.

La Hoàng

Đọc nhiều