8
category
596352

Những loại thuốc F0 không được tự ý sử dụng tại nhà

15/03/2022 19:51

Trong hướng dẫn mới nhất, Bộ Y tế đã loại bỏ một số loại thuốc mà người bệnh có thể sử dụng điều trị tại nhà.

Trong Hướng dẫn quản lý tại nhà đối với người mắc Covid-19 cập nhật ngày 14/3, Bộ Y tế đưa ra quy định mới về các thuốc được cho phép điều trị tại nhà và cập nhật các dấu hiệu nặng cần chuyển viện ở trẻ em.

Các loại thuốc sử dụng cho F0 điều trị tại nhà

Điểm khác biệt trong bản cập nhật lần này là Bộ Y tế loại thuốc kháng viêm, kháng đông, kháng virus khỏi danh mục thuốc điều trị tại nhà.

Đây là nhóm thuốc kháng viêm corticosteroid (Dexamethasone, Methylprednisolone), thuốc kháng đông (Rivaroxaban, Apixaban) và thuốc kháng virus (Favipiravir, Molnupiravir).

Người mắc bệnh không được tự ý mua ba loại thuốc trên nếu không có chỉ định, kê đơn của bác sĩ.

F0 điều trị tại nhà không được tự ý sử dụng Molnupiravir nếu không có chỉ định tư vấn của bác sĩ. Ảnh: Bích Huệ.

Thay vào đó, hướng dẫn ngày 14/3 cập nhật các nhóm thuốc liên quan điều trị triệu chứng, bao gồm dung dịch bù nước và điện giải (điều trị tiêu chảy), thuốc giảm ho, dung dịch nhỏ mũi (giảm nghẹt mũi).

Như vậy, 5 danh mục thuốc được cho phép sử dụng khi theo dõi người mắc Covid-19 gồm:

– Thuốc hạ sốt (Paracetamol) cho người lớn viên 500 mg số lượng đủ dùng trong 3-5 ngày, không dùng quá 4 g/ngày.

Paracetamol dùng cho trẻ em tùy theo cân nặng và độ tuổi có dạng gói bột, cốm pha hỗn dịch uống hay viên 80 mg, 100 mg, 150 mg, 250 mg, 325 mg, 500 mg đủ dùng trong 3-5 ngày.

Người lớn dùng Paracetamol tối đa 4 g (4.000 mg)/ngày, trẻ em không được dùng liều quá 60 mg/kg/ngày.

– Dung dịch bù nước và điện giải: Oresol, gói bù nước, chất điện giải khác.

– Thuốc giảm ho tuỳ theo triệu chứng: Thuốc từ thảo dược, thuốc giảm ho đơn thuần, thuốc giảm ho kết hợp kháng histamin đủ dùng trong 5-7 ngày.

– Dung dịch nhỏ mũi: NaCl 0,9% đủ dùng từ 5-7 ngày

– Thuốc điều trị bệnh nền theo đơn thuốc được kê đơn đang sử dụng cho người bệnh.

Bên cạnh đó, Bộ Y tế cũng lưu ý phụ huynh không xông cho trẻ em.

Các dấu hiệu bất thường

Theo Bộ Y tế, các nhóm đối tượng theo độ tuổi được phân chia rõ ràng hơn, cụ thể gồm 3 nhóm: trẻ dưới 5 tuổi, trẻ 5-16 tuổi và người lớn trên 16 tuổi.

Trẻ em là đối tượng được đưa lên đầu tiên trong mục Theo dõi sức khỏe người mắc Covid-19. Điều này hợp lý vì số trẻ em được tiêm ngừa vaccine chưa cao, đồng thời chương trình tiêm chủng vaccine cho trẻ từ 5 đến 11 tuổi vẫn chưa được thực hiện.

Nôn mọi thứ là triệu chứng bất thường ở trẻ mắc Covid-19 có độ tuổi dưới 5, phụ huynh cần thông báo cho nhân viên y tế hoặc đưa đi bệnh viện. Ảnh minh họa: Quỳnh Danh.

Đối với người lớn, các dấu hiệu nặng vẫn được giữ nguyên. Với trẻ em, Bộ Y tế bổ sung thêm các dấu hiệu bất thường khác phụ huynh cần lưu ý như sau:

– Sốt: Trẻ em được xem có triệu chứng bất thường khi sốt cao liên tục trên 39 độ C không giảm khi dùng thuốc hạ sốt và chườm/lau người bằng nước ấm hoặc sốt không cải thiện sau 48 giờ.

– Mất nước: Trẻ có dấu hiệu mất nước khi môi khô, mắt trũng, khát nước, tiểu ít, tiêu chảy.

Ngoài ra, cha mẹ cần lưu ý ở trẻ dưới 5 tuổi, nôn mọi thứ là triệu chứng bất thường. Với trẻ 5-16 tuổi, người lớn cần lưu ý thêm khi con chia sẻ có cảm giác khó thở, ho thành cơn không dứt.

Khai Tâm

Đọc nhiều