Những lễ tang chớp nhoáng ở nghĩa trang New York vật lộn với số thi thể khổng lồ
Trong 180 năm tồn tại, nghĩa trang Green-Wood ở New York từng nhiều lần treo cờ rủ, nhưng chưa bao giờ khoảng thời gian này kéo dài đến vậy.
“Đã 7 tuần trôi qua, nhưng chúng tôi không biết khi nào nên kéo cờ lên. Tôi nghĩ chuyện đó sẽ không xảy ra trong tương lai gần”, Eric Barna, phó chủ tịch nghĩa trang Green-Wood ở New York, tâm dịch Covid-19 tại Mỹ, cho hay. Là một trong số ít cơ sở cung cấp dịch vụ hỏa táng tại thành phố, nghĩa trang này phải gánh chịu tác động nặng nề của đại dịch.
Trong vòng hai tháng, thành phố New York ghi nhận hơn 16.400 người chết, con số cao chưa từng thấy kể từ sau đại dịch cúm Tây Ban Nha năm 1918. Toàn nước Mỹ cũng báo cáo hơn 100.000 người tử vong vì nCoV, cao nhất thế giới. Vào thời kỳ đỉnh điểm của dịch bệnh ở New York tháng trước, trung bình cứ mỗi 2 phút lại có một người chết, gấp 4 lần tỷ lệ tử vong bình thường của thành phố.
Mặc dù số ca tử vong bắt đầu chững lại, các nhà tang lễ và hỏa táng của New York vẫn phải vật lộn với số lượng thi thể khổng lồ. Các xe tang nối đuôi nhau trên lối đi dưới mái vòm tại Green-Wood, trong khi thân nhân những người đã khuất xếp hàng phía sau.
Những đám tang thời Covid-19 dường như chỉ mang tính thủ tục. Tại một góc nghĩa trang, Daniel Rodriquez đang dự đám thứ hai trong ngày. Sau buổi tưởng niệm ngắn cho em trai Junior, người đàn ông 52 tuổi đi bộ qua ngọn đồi để tới nơi mọi người đang rải tro cốt Sandra, dì của ông.
Chỉ vài thân nhân đến dự đám tang của Sandra. Họ đều đeo găng tay cao su, khẩu trang và kính bảo hộ. Không có linh mục, không có bạn bè, không ai tiếp xúc gần nhau. Có lẽ không người nào dám mạo hiểm, đặc biệt khi chứng kiến Covid-19 đã tàn phá gia đình Rodriquez đến mức nào. Chưa đầy 10 phút, những thủ tục đưa tiễn Sandra kết thúc.
“Họ qua đời cách nhau vài giờ ba tuần trước. Junior bị hen suyễn và tiểu đường, nên chúng tôi biết mọi chuyện sẽ trở nên tồi tệ từ khi cậu ấy bắt đầu ho. Lúc cuối đời, em tôi thậm chí không thể nuốt được”, Rodriquez kể lại.
“Chúng tôi bị ảnh hưởng nặng nề”, Rodriquez đề cập tới cộng đồng người Tây Ban Nha ở New York. “Mọi người đều quen biết ai đó đã tử vong vì Covid-19. Điều kỳ diệu là cha tôi vẫn sống sót. Ông ấy 87 tuổi, nhiễm nCoV trong một viện dưỡng lão rồi bị hôn mê. Giờ đây, ông ấy đang nói chuyện trở lại”.
Rodriquez muốn thi thể người thân được chôn cất theo cách truyền thống như gia đình ông vẫn thường làm, nhưng trong tình hình hiện nay, hỏa táng là phương pháp rẻ và an toàn hơn. Barna, phó chủ tịch nghĩa trang, cho biết ngày càng nhiều gia đình lựa chọn phương án này, đồng thời nuôi hy vọng tổ chức lễ tang chu toàn hơn cho thân nhân sau khi các lệnh hạn chế nhằm ngăn nCoV được dỡ bỏ.
Nghĩa trang Green-Wood đang ngập trong hàng loạt yêu cầu hỏa táng. Trước khi Covid-19 bùng phát, họ hỏa táng khoảng 65 thi thể mỗi tuần. Giờ đây, con số này đã vượt 150. “Nếu chúng tôi không đặt ra giới hạn, số ca hỏa táng trong tuần có thể lên tới 300-400”, Barna nói.
Số lễ mai táng mỗi tuần tại cơ sở của Barna cũng tăng từ 20 lên 40-45. “Trước đại dịch, bạn có thể gọi chúng tôi vào buổi sáng và được phục vụ ngay buổi chiều. Nhưng mọi thứ đã đảo lộn từ ngày 22/3. Đêm hôm đó, điện thoại của chúng tôi reo không ngừng”, ông kể lại, nói thêm rằng hơn 600 người đã đặt chỗ trước.
Lần duy nhất tình trạng tương tự xảy ra tại Green-Wood là dịch cúm Tây Ban Nha năm 1918. “Chúng tôi từng chuẩn bị cho viễn cảnh tồi tệ nhất sau vụ khủng bố 11/9, được yêu cầu sẵn sàng chôn cất hàng trăm người. Tuy nhiên, việc này trên thực tế chưa bao giờ được tiến hành do những rắc rối trong quá trình tìm hài cốt”, Barna cho hay.
Những người đào mộ và điều hành hỏa táng đang làm việc 16 giờ mỗi ngày, 7 ngày một tuần để kịp xử lý số lượng lớn thi thể. Chính quyền thành phố New York thậm chí tạm bỏ các quy định về chất lượng không khí, tạo điều kiện cho các nhà hỏa táng hoạt động liên tục.
Ali Meawad, một người điều hành nhà hỏa táng, đôi khi ngủ ngay tại chỗ làm bởi không thể đi quãng đường dài về nhà rồi trở lại chỉ sau vài giờ. Sau những ngày làm việc kiệt quệ, giờ đây anh hy vọng nhận được những quan tài làm bằng bìa cứng, bởi chúng cháy nhanh hơn nhiều so với gỗ, giúp tiết kiệm thời gian.
Meawad mặc đồ bảo hộ, đeo kính và găng tay trong lúc làm việc, khử trùng mọi thứ sau khi xử lý xong mỗi thi thể. Anh không thể chấp nhận bất cứ rủi ro nào bởi còn con gái 9 tháng tuổi mắc bệnh hen suyễn.
Theo Đạo luật về Tính linh hoạt và Trách nhiệm với Bảo hiểm Y tế tại Mỹ, thông tin của các bệnh nhân được giữ kín, có nghĩa là về nguyên tắc, nhà hỏa táng không được phép nói người nào chết vì Covid-19. “Các giám đốc nhà tang lễ thường chỉ cảnh báo cần đề phòng với trường hợp nào đó, đồng nghĩa với người này có khả năng chết vì Covid-19. Đây là một hệ thống thực sự điên rồ”, Barna nêu ý kiến.
Không gian hạn chế tại nghĩa trang cũng gây khó khăn lớn cho các nhà tang lễ. Một số nơi thậm chí phải đặt các túi đựng xác trong phòng quan sát hỏa táng và nhà nguyện.
Tháng trước, những chiếc xe tải không có chức năng đông lạnh chứa hàng chục thi thể đang phân hủy được phát hiện bên ngoài nhà tang lễ Andrew T. Cleckley ở quận Brooklyn, New York. Chủ cơ sở này khai với cảnh sát rằng ông “đã hết chỗ”.
Thành phố New York cũng đang đặt các thi thể trong hơn 30 xe tải đông lạnh tại một bãi đỗ xe ở khu Sunset Park. Họ thậm chí phải chôn tập thể trên đảo Hart thuộc quận Bronx những người chết vì Covid-19 không có thân nhân đến nhận. Tuy nhiên, việc này chấm dứt sau khi hình ảnh những ngôi mộ tập thể khiến công chúng phẫn nộ.
Đối với gia đình những người đã khuất, tình trạng quá tải tại các nghĩa trang và nhà tang lễ khiến nỗi đau của họ thêm dài. Một số người cảm thấy những cái chết chỉ còn là con số. “Có những người không được đề tên và ảnh, đặc biệt trong cộng đồng người da màu”, nhà tổ chức cộng đồng Alexa Aviles cho hay, trong lúc đứng cạnh một “đài tưởng niệm” tạm thời bên ngoài nghĩa trang.
“Đài tưởng niệm” này chăng biểu ngữ với dòng chữ “Trả lại tên cho người đã khuất” bằng nhiều thứ tiếng, bên dưới là các tấm ảnh và thiệp đề tên những người đã qua đời vì Covid-19 được chôn cất tại nghĩa trang.
Ngay bên dưới biểu ngữ là ảnh một gia đình ba người chết cách nhau vài ngày. Một bức ảnh khác chụp chủ cửa hàng địa phương được nhiều người yêu mến. Kế đó là bài thơ một học sinh gửi cô giáo quá cố của mình.
“Đây là cách để chúng tôi cùng nhau tưởng niệm người quá cố, điều đã bị virus tước đoạt”, Aviles nói.
Nguyễn Anh (Theo Telegraph)