Về luận điệu tấn công Chỉ thị chống dịch của Thủ tướng
Trên mạng xã hội những ngày gần đây đang lan truyền bài viết với nội dung cho rằng việc Thủ tướng Chính phủ ban hành Chỉ thị về công tác phòng, chống dịch là vi Hiến, không đúng thẩm quyền. Ngoài ra, không ít luận điệu xuyên tạc công tác điều hành phòng, chống dịch cũng đã được đưa ra, tạo ra sự hiểu nhầm, gây hoang mang dư luận.
Gần đây, nhiều luận điệu công kích công tác lãnh đạo, điều hành phòng chống dịch của lãnh đạo nhà nước được các đối tượng tích cực rêu rao, lan truyền trên mạng xã hội. Chúng xuyên tạc, việc xác định “chống dịch như chống giặc” khi Chủ tịch nước chưa có Lệnh ban bố tình trạng khẩn cấp là vi phạm về thẩm quyền; Thủ tướng Chính phủ ban hành Chỉ thị để chỉ đạo phòng chống dịch là không đúng quy định, có dấu hiệu vi phạm Hiến pháp và pháp luật; do Chủ tịch nước và Chính phủ “coi thường pháp luật”, không ban hành các văn bản quy phạm pháp luật để chỉ đạo phòng, chống dịch, không phân công nhiệm vụ rõ ràng dẫn đến những hậu quả tiêu cực trên thực tế. Những luận điệu, quan điểm như trên mới đọc thì nghe có vẻ “tâm huyết”, mang tính chất góp ý. Vậy nhưng thực tế, trong bối cảnh hiện nay, nó chẳng giúp ích được gì cho công tác phòng, chống dịch; ẩn chứa đằng sau những luận điệu này là các mưu mô vô cùng nham hiểm.
Về luận điệu cho cho rằng Chủ tịch nước phải ban hành Lệnh ban bố tình trạng khẩn cấp, sau đó Chính phủ ban hành Nghị quyết chỉ đạo công tác phòng, chống dịch mới là đúng quy định, hợp Hiến, hợp pháp, đây thực chất là luận điệu đánh lạc bản chất vấn đề. Không phải đến khi các “nhà dân chủ” nêu ra vấn đề về việc ban bố tình trạng khẩn cấp liên quan đến dịch Covid-19 thì các cơ quan chức năng mới chú ý đến vấn đề này. Ngay khi dịch bệnh mới xuất hiện, Thủ tướng Chính phủ đã chỉ đạo Bộ Tư pháp nghiên cứu, sẵn sàng ban bố tình trạng khẩn cấp về dịch bệnh khi Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) công bố tình trạng khẩn cấp y tế toàn cầu. Ngày 31/01/2020, Bộ Tư pháp đã có Văn bản số 297/BTP-PLHSHC báo cáo Thủ tướng Chính phủ về cơ sở pháp lý để có thể sẵn sàng công bố tình trạng khẩn cấp về dịch bệnh viêm đường hô hấp. Nói như vậy để thấy, chúng ta đã chủ động và có thể sẵn sàng ban bố tình trạng khẩn cấp khi cần thiết.
Tuy nhiên, căn cứ tính chất, mức độ, thực trạng của dịch bệnh, có thể thấy tình hình thực tế chưa đến mức phải ban bố tình trạng khẩn cấp về dịch bệnh. Tình trạng khẩn cấp là một sự kiện pháp lý đặc biệt, việc ban bố được quy trong pháp lệnh về tình trạng khẩn cấp (ban hành năm 2000): “Khi trong cả nước hoặc nhiều địa phương có thảm họa lớn do thiên nhiên hoặc con người gây ra, có dịch bệnh nguy hiểm lây lan trên quy mô rộng, đe dọa nghiêm trọng đến tài sản của nhà nước và tổ chức, tính mạng, sức khỏe, tài sản của nhân dân hoặc có tình hình đe dọa nghiêm trọng đến an ninh quốc gia và trật tự an toàn xã hội thì Ủy ban Thường vụ Quốc hội hoặc Chủ tịch nước ban bố tình trạng khẩn cấp để áp dụng các biện pháp đặc biệt nhằm kịp thời ngăn chặn, hạn chế và khắc phục hậu quả xảy ra, nhanh chóng ổn định tình hình”.
Ngoài ra, về tình trạng khẩn cấp về dịch cũng được quy định cụ thể tại Luật phòng, chống dịch bệnh. Nhìn chung, tình trạng khẩn cấp được ban bố khi xã hội xảy ra những bất thường, vượt quá khả năng ứng phó thông thường của chính quyền, không thể lấy các quy định của pháp luật bình thường để điều hành và quản lý, đòi hỏi phải có sự ứng xử nhanh từ Nhà nước. Việc ban bố tình trạng khẩn cấp sẽ gây ra những ảnh hưởng không nhỏ về chính trị, xã hội cũng như dư luận nhân dân.
Và cũng cần nói thêm, liên quan đến một luận điệu khác khi cho rằng việc Thủ tướng Chính phủ ban hành Chỉ thị – không phải văn bản quy phạm pháp luật – để chỉ đạo công tác phòng, chống dịch là không đúng quy định, rõ ràng đây tiếp tục là luận điệu đánh lạc hướng dư luận. Nói về thẩm quyền ban hành văn bản quy phạm pháp luật, theo quy định của Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật, Chính phủ có quyền ban hành Nghị định; Thủ tướng Chính phủ có quyền ban hành Quyết định. Văn bản quy phạm pháp luật là văn bản có chứa quy tắc xử sự chung, có hiệu lực bắt buộc chung, được áp dụng lặp đi lặp lại nhiều lần đối với cơ quan, tổ chức, cá nhân trong phạm vi cả nước hoặc đơn vị hành chính nhất định, được ban hành theo đúng thẩm quyền, hình thức, trình tự, thủ tục quy định. Dịch bệnh có những diễn biến nhanh chóng, vì vậy để ban hành được văn bản quy phạm pháp luật thì đúng là “nước xa không cứu được lửa gần”. Do vậy, việc ban hành Chỉ thị để chỉ đạo công tác phòng, chống dịch là cần thiết. Về mặt pháp lý, chỉ thị là một dạng văn bản hành chính, được hình thành trong quá trình chỉ đạo, điều hành, giải quyết công việc của các cơ quan, tổ chức. Các chỉ thị phòng, chống dịch Covid-19 được Thủ tướng ban hành là để chỉ đạo, điều hành công tác phòng, chống dịch trên cả nước. Nội dung của chỉ thị là sự cụ thể hoá các quy phạm pháp luật được quy định trong Luật phòng, chống dịch bệnh truyền nhiễm, Nghị định về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực y tế, Luật hình sự và các văn bản quy phạm pháp luật liên quan. Và hơn hết, việc ban hành chỉ thị là để phòng chống dịch bệnh, bảo vệ sự an toàn, tính mạng, sức khoẻ của người dân. Do vậy, chẳng có lý do gì để lăn tăn về điều này.
Dịch bệnh không phải đến bây giờ mới diễn ra. Nếu tâm huyết, nếu mong muốn vì đất nước thì rất mong các “nhà bình loạn” hãy xắn tay áo và lao vào tâm dịch cứu người, nếu không làm được thì hãy “dẹp sang một bên” cho người khác làm.
Bảo An