Những kế hoạch “rợn gáy” mà Trung Quốc có thể trả đũa sau chuyến thăm của bà Nancy Pelosi

Bảo Trâm 03/08/2022 14:34

Theo Bloomberg, việc Chủ tịch Hạ Viện Mỹ Nancy Pelosi có chuyến thăm Đài Loan như một sự kiện chính trị trong đó Trung Quốc – Mỹ – Đài Loan làm trung tâm, khiến thế giới đứng ngồi không yên chờ đợi phản ứng từ Trung Quốc.

Hình ảnh bà Nancy Pelosi tại Đài Loan sáng 3/8

Trước đó, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình đã nói với nhà lãnh đạo Mỹ Joe Biden trong một cuộc điện đàm tuần trước rằng “ai đùa với lửa thì sẽ bị lửa thiêu đốt” khi nhắc đến vấn đề Đài Loan. Không dừng lại, phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Triệu Lập Kiên cũng đồng thời tuyên bố Trung Quốc sẽ không “ngồi yên” nếu Chủ tịch Hạ viện Mỹ Nancy Pelosi viếng thăm Đài Loan.

Ai cũng biết rằng cả Chủ tịch Tập Cận Bình lẫn Tổng thống Joe Biden đều không mong muốn châm ngòi cho một cuộc xung đột. Tuy nhiên luận điệu hiếu chiến và sự thù địch ngày càng tăng ở cả hai quốc gia đang gây áp lực lên Trung Quốc, khiến Chủ tịch Tập Cận Bình sẽ có những hoạt động trả đũa nhằm khẳng định “chủ quyền của Trung Quốc tại Đài Loan”.

Trang Bloomberg đã liệt kê những kế hoạch mà Trung Quốc có thể hành động sau chuyến thăm của bà Nancy Pelosi như sau:

Bà Thái Anh Văn (Tsai Ing-Wen, phải), tổng thống Đài Loan, tiếp bà Nancy Pelosi, chủ tịch Hạ Viện Mỹ, và trao tặng nhà lập pháp hàng đầu của Mỹ Huy Chương Danh Dự (Medal of Honour) vào sáng 3 Tháng Tám, giờ địa phương.

Tăng cường các cuộc xâm nhập bằng chiến đấu cơ

Với việc các cuộc xâm nhập vùng nhận dạng phòng không của Đài Loan diễn ra với tần suất hằng ngày đã trở nên quen thuộc, Giải phóng Quân Nhân dân Trung Quốc (PLA) sẽ cần phải gửi thêm hoặc các chuyến bay hoặc là có số lượng chiến đấu cơ rất lớn, hoặc là có sự bất thường nào đó khác.

Con số kỷ lục hiện tại là 56 máy bay PLA vào tháng 10/2021, đúng vào lúc các cuộc tập trận quân sự do Mỹ dẫn đầu đang diễn ra khi đó. Một ví dụ khác là, có tới 15 chiến đấu cơ đã bay quanh vùng trời phía đông Đài Loan, thay vì đường bay thông thường theo hướng Tây Nam, sau khi một phái đoàn Quốc hội Mỹ đến thăm hòn đảo này vào tháng 11/2021.

Tàu chiến Trung Quốc trên không phận Đài Loan năm 2021

Trung Quốc có thể duy trì mức độ quyết liệt như vậy nhiều ngày, hay nhiều tuần, làm cạn kiệt nhân lực và vật lực của lực lượng Không quân Đài Loan, vốn đã bị căng mỏng khi họ phải cố gắng xua đuổi các chiến đấu cơ Trung Quốc. Trung Quốc sẽ phải đáp trả bằng biện pháp quân sự “mà qua đó thể hiện sự leo thang rõ rệt so với những đợt phô trương lực lượng trước kia,” theo lời bà Amanda Hsiao, chuyên gia phân tích cao cấp tại Crisis Group có trụ sở ở Đài Loan.

Đưa chiến đấu cơ bay qua Đài Loan

Tờ Thời báo Hoàn Cầu mới đây cho rằng, Trung Quốc nên tiến hành một chuyến bay quân sự trực tiếp qua lãnh thổ Đài Loan, buộc Đài Loan phải quyết định có nên bắn hạ máy bay đó không. Đồng thời cũng là phương thức khẳng định chủ quyền lãnh thổ của Trung Quốc tại Đài Loan.

Ông Hồ Tích Tiến, cựu Tổng biên tập tờ Thời báo Hoàn Cầu, trước đó đã đăng một đoạn Tweet, nay đã bị xóa, rằng các chiến đâu cơ của PLA có thể “ép buộc và đe dọa máy bay của bà Pelosi.” Ông ta thậm chí còn gợi ý chiến đấu cơ Trung Quốc nên “đeo bám” bà Pelosi trên bất cứ chuyến bay nào vào Đài Loan, một hành động có thể dẫn tới tính toán sai lầm từ cả hai phía.

Những chiếc J-16 của Trung Quốc

Thử tên lửa gần Đài Loan

Mùa hè năm 1995 là thời điểm chứng kiến một trong những phản ứng có tính khiêu khích nhất từ Trung Quốc đối với hành động giao thiệp giữa Mỹ và Đài Loan, khi Bắc Kinh đã bắn thử tên lửa xuống vùng biển gần hòn đảo này. Động thái trên là một phần trong các phản ứng của Trung Quốc đối với quyết định của Tổng thống Mỹ Bill Clinton cho phép Tổng thống được bầu dân chủ đầu tiên của Đài Loan, ông Lý Đăng Huy, đến thăm Mỹ.

Khi ấy, Trung Quốc đã tuyên bố các vùng cấm xâm nhập xung quanh khu vực mục tiêu trong suốt vụ thử tên lửa, làm gián đoạn giao thông hàng hải và hàng không. Gần đây nhất, PLA cũng đã có động thái tương tự khi bắn thử các tên lửa đạn đạo “sát thủ tàu sân bay” xuống Biển Đông vào tháng 8/2020, một hành động được xem là phản ứng lại các cuộc tập trận hải quân của Mỹ.

Trung Quốc thử tên lửa có thể làm tê liệt hệ thống liên lạc đối phương. Ảnh: CCTV

Gây thiệt hại kinh tế

Trung Quốc là đối tác thương mại lớn nhất của Đài Loan. Trung Quốc rất có thể sẽ lợi dụng thế mạnh bằng cách trừng phạt cách cấm vận các hãng xuất khẩu, tẩy chay một số hàng hóa của Đài Loan hoặc giới hạn thương mại hai chiều.

Mới đây, Trung Quốc đã cấm nhập khẩu lương thực thực phẩm từ hơn 100 nhà cung cấp Đài Loan. Tuy nhiên, Trung Quốc sẽ phải hành động thận trọng bởi họ cần sản phẩm bán dẫn từ Đài Loan.

Hơn nữa, Trung Quốc cũng có thể gây gián đoạn đối với tuyến hàng hải qua eo biển Đài Loan, một tuyến thương mại trọng yếu trên thế giới. Các quan chức quân đội Trung Quốc những tháng gần đây đã liên tục tuyên bố với những người đồng cấp Mỹ rằng eo biển này không phải là vùng biển quốc tế. Tuy nhiên, bất kỳ hành động cản trở thương mại hàng hải nào sẽ chỉ làm tổn thương nền kinh tế Trung Quốc.

Trung Quốc tập trận bắn đạn thật ở eo biển Đài Loan

Chiếm đóng một hòn đảo

Trung Quốc có các lựa chọn quân sự khác thay vì tiến hành một cuộc đổ bộ đầy rủi ro băng qua Eo biển Đài Loan, mặc dù kiểu khiêu khích này rất khó có khả năng xảy ra.

Trong những tháng ngày đầu Chiến tranh Lạnh, các vụ bắn phá quân sự của PLA lên quần đảo Kim Môn của Đài Loan, nằm sát đường bờ biển Đông Nam Trung Quốc, đã dẫn tới sự ủng hộ quân sự lớn từ Mỹ. Đài Loan đã đánh bật các đợt tiến công của Trung Quốc, tuy nhiên cũng đã bị tổn thất hàng trăm lính. Đảo Ba Bình do Đài Loan kiểm soát, cách bờ biển Đài Loan 400km, cũng là một vị trí nhạy cảm khác.

Nước Mỹ sẽ coi bất kỳ hành động chiếm đóng tương tự nào đối với lãnh thổ của Đài Loan là một sự leo thang nghiêm trọng, có thể thử thách những giới hạn về trách nhiệm quân sự của chính quyền Tổng thống Joe Biden đối với nền dân chủ của hòn đảo này.

Tuy nhiên, một hành động như vậy cũng đem lại nhiều rủi ro ngoại giao cho Trung Quốc. Bởi việc chiếm đóng một hòn đảo do Đài Loan kiểm soát có thể khiến Mỹ tăng cường các lệnh trừng phạt áp lên Trung Quốc và gây báo động đối với các quốc gia láng giềng ở Châu Á, rất nhiều trong số đó cũng có tranh chấp lãnh thổ với Bắc Kinh.

Bảo Trâm (Theo Bloomberg)

Đọc nhiều