3
category
517251

Những kẻ cố tình xuyên tạc chỉ đạo “học thật, thi thật, nhân tài thật”

Hải Anh 12/05/2021 15:36

Giáo dục và đào tạo là lĩnh vực đặc biệt, có vai trò quyết định đến tiến trình phát triển lâu dài của đất nước, không những thế, nó còn tác động đến mọi gia đình, mọi con người trong xã hội. Do đó, lợi dụng điều này, những đối tượng chống phá thường xuyên tìm cách bịa đặt, xuyên tạc, đặc biệt là những chỉ đạo của Chính phủ.

Luận điệu xuyên tạc chỉ đạo của Thủ tướng.
Luận điệu xuyên tạc chỉ đạo của Thủ tướng.

Vừa qua, các trang mạng chống phá Việt Tân, Chân trời mới media đăng tải bài viết “Thử một lần dạy thật, học thật” của Chu Mộng Long, với nội dung hết sức xuyên tạc về chỉ đạo của Thủ tướng Phạm Minh Chính với ngành giáo dục. Chu Mộng Long đã “mượn chỉ đạo” của Thủ tướng và “dạy lớp liên thông, tôi thử làm thật và có kết quả… quyển sổ đầu bài, phiếu báo giảng… đều giả, chỉ có đối phó là thật! Nhưng để đối phó, người ta đã hành ông giáo như một con trâu cày trên thủ tục hành chính. Giả định, tôi chỉ dạy một buổi, ký khống giấy tờ xong rồi đi nhậu hay về nhà ngủ thì cũng đố ai biết!” rồi kết luận “Đấy. Thủ tướng xem một đội ngũ quản lý và phục vụ đào tạo như vây thì dạy thật, học thật, thi thật kiểu gì? Tôi hình dung “nhân tài thật” của ngài chỉ biết ngồi phòng lạnh, tay đếm tiền cực nhanh nhưng chân thì bị què, quản lý bằng cách bịa láo các loại giấy tờ hành chính để hành thầy cô giáo chứ không biết cái sự thật học hành và thi cử thế nào đâu!”

Có thể thấy, Chu Mộng Long đang cố tình bịa đặt, xuyên tạc mọi dẫn chứng để chứng minh rằng chỉ đạo “học thật, thi thật, nhân tài thật” là không có cơ sở. Nhưng xin thưa, không phải ngẫu nhiên mà  ngành giáo dục lại có chỉ đạo “Học thật, thi thật, nhân tài thật”. Thực tế trong những năm qua, ngành Giáo dục Việt Nam đã đạt được những thành tựu có ý nghĩa lớn so với nguồn lực đầu tư và hoàn cảnh kinh tế – xã hội của đất nước. Tuy nhiên, những vấn đề liên quan đến “Học thật, thi thật, nhân tài thật” đã tạo ra bức xúc cho dư luận và cho cả những người làm trong ngành, làm lu mờ những gì đã đạt được.

Học thật trước hết các điều kiện cho học tập phải thật, như nội dung sách giáo khoa phải tốt, cơ sở vật chất phải đáp ứng được yêu cầu, không được phép mua sắm thiết bị kém chất lượng. Kế đến, giờ học phải thật, giáo viên phải thật, tức cả người dạy và người học phải có trách nhiệm, chất lượng tiết học phải thật… Và việc thi cử cũng phải thật, phải kiểm tra trong bài giảng, coi thi đúng, khách quan, trung thực. Nhân tài thật phải được chọn qua học tập và thi cử, qua thực tiễn lao động sáng tạo…

Thực tế, vấn đề ‘Học thật, thi thật, nhân tài thật’ đã được đặt ra cho ngành giáo dục trong một thời gian dài. Ngay từ năm 1981, tại lễ kỷ niệm 35 năm thành lập ngành Sư phạm, Thủ tướng Phạm Văn Đồng đã nói: “Phải xây dựng trường ra trường, lớp ra lớp, thầy ra thầy, trò ra trò, dạy ra dạy, học ra học.”.

Và đến lúc này điều kiện ban đầu và cần thiết để phát triển một nền giáo dục bền vững đã được Thủ tướng Phạm Minh Chính chỉ đạo lại một cách chính xác thể hiện sự đánh giá đầy đủ, có cái nhìn toàn diện đối với giáo dục. Ba yếu tố “học thật, thi thật, nhân tài thật” có quan hệ hữu cơ với nhau, trong đó thi thật giữ vai trò điều phối hai yếu tố còn lại.

Chính phủ hiểu rõ Giáo dục – Đào tạo là lĩnh vực liên quan tới toàn dân, mọi gia đình, luôn nhận được sự quan tâm, theo dõi của cả nước. Do đó, cần phải có sự đánh giá tổng thể, toàn diện, thẳng thắn về tình hình thực hiện nhiệm vụ của ngành, nhất là trong đổi mới căn bản, toàn diện trong ngành Giáo dục – Đào tạo. Và từ đó, có thể nêu rõ những kết quả, thành tựu đạt được, những mặt chưa được, các bài học kinh nghiệm, rút ra nguyên nhân, đề xuất các giải pháp đột phá, tổng thể cho thời gian tới.

Bên cạnh đó, cũng không thể phủ nhận một điều rằng, nền giáo dục Việt Nam vẫn còn một số hạn chế như vấn đề thay đổi sách giáo khoa; vi phạm pháp luật trong tuyển sinh ở một số địa phương; hệ thống giáo dục và đào tạo còn nặng về lý thuyết, nhẹ về thực hành…. Nhưng đừng chỉ nhìn nhận thiếu sót ấy mà đổ lỗi cho cả hệ thống, hãy nhìn rộng hơn về sự nỗ lực đổi mới và những thành quả đạt được của ngành giáo dục trong thời gian qua. Có thể ghi nhận rằng trước những đổi thay nhanh chóng của kinh tế – xã hội, sự phát triển mạnh mẽ của khoa học, công nghệ, ngành Giáo dục và Đào tạo đã nỗ lực cải cách, đổi mới mọi khâu, mọi cấp học. Còn nhớ, trước khi thực hiện Nghị quyết 29/NQ-TW, Giáo dục đại học của Việt Nam không được xếp hạng thì đến nay nhiều trường đại học đã có mặt trong những bảng xếp hạng uy tín trên thế giới. Tỷ lệ công bố quốc tế các nghiên cứu khoa học của các trường đại học tăng từ 15% lên 70% đến 80%.

Một minh chứng rõ ràng về việc chúng ta đang thích ứng tốt với việc số hóa nền giáo dục là khi Covid-19 bùng phát, việc chuyển đổi số diễn ra mạnh mẽ, giáo viên, học sinh thích ứng tốt với dạy và học trực tuyến.

Phải khẳng định rằng, nhờ có một nền giáo dục phát triển mà đất nước ta đổi mới thành công và đang từng bước khẳng định vị thế trong quá trình hội nhập với thế giới. Việc Thủ tướng chỉ đạo ngành giáo dục phải “học thật, thi thật, nhân tài thật” trong thời điểm này là hoàn toàn cấp thiết để ngành giáo dục tiếp tục đổi mới, phát triển hơn nữa.

Hải Anh

* Bài viết thể hiện văn phong và quan điểm riêng của tác giả.

Đọc nhiều