Những kẻ cầm bút “chọc gậy bánh xe” công tác chống dịch ở Đà Nẵng
Dịch Covid-19 quay trở lại Việt Nam kèm theo diễn biến phức tạp ở Đà Nẵng khiến dư luận rất quan tâm gần hai tuần qua. Chớp nhanh cơ hội, trang “Việt Nam thời báo”, “Báo tiếng dân”, “Dân làm báo” đã đăng tải hàng loạt bài viết cho rằng chính quyền mắc “bệnh thành tích vẫn cố tình che giấu dịch bệnh, ngụy biện nguyên nhân tử vong của bệnh nhận nhiễm virus Corona là do bệnh nền”.
Đây không phải là lần đầu tiên mà các trang “Việt Nam Thời báo”, “Báo Tiếng dân” và “Dân làm báo” quy kết “Việt Nam giấu dịch”. Nhớ lại giai đoạn chống dịch đầu tiên, các trang này cũng đã làm điều tương tự. Tuy nhiên, những luận điệu mà chúng ra rả không thể xuyên tạc được sự thật Việt Nam chống dịch bài bản, chủ động, minh bạch với một quyết tâm cao mà không phải quốc gia nào trên thế giới cũng làm tốt được như vậy.
Không giấu dịch là nguyên tắc cơ bản nhất của Việt Nam trong việc phòng chống Covid-19. Ngay từ cuối tháng 1/2020, dịch Covid-19 bùng phát ở Vũ Hán, lúc đó Việt Nam mới có 6 ca nhiễm nCoV thì sang đầu tháng 2, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã ký Quyết định công bố dịch viêm đường hô hấp cấp trên toàn cấp.
Những nỗ lực không ngừng nghỉ của Chính phủ và người dân Việt Nam chung tay đẩy lùi dịch Covid-19 trong thời gian qua đã thu hút sự chú ý của nhiều tờ báo và các chuyên gia trên khắp thế giới. Trong đó nhiều ý kiến nhận định, dù không phải là quốc gia giàu có nhất ở Đông Nam Á, song Việt Nam đã trở thành “hình mẫu” chống dịch Covid-19 khi thành công trong việc kiểm soát được sự lây lan. Tạp chí Financial Times cho rằng: “Một trong những yếu tố quan trọng giúp Việt Nam kiểm soát dịch Covid-19 hiệu quả là nhờ mạng lưới thông tin tuyên truyền. Các phương tiện truyền thông không ngừng đưa tin về dịch viêm đường hô hấp cấp do chủng mới của virus Corona gây ra. Chính quyền minh bạch về diễn biến dịch trong nước”. Thậm chí, tờ Deutsche Welle (Ðức) cũng đã có hẳn bài phân tích nguyên nhân thành công của Việt Nam nhờ thực hiện một hệ thống giám sát công cộng rộng rãi. Cả nước huy động người dân tham gia “cuộc chiến chống giặc” và “mọi người đang làm tất cả những gì có thể vì họ tin vào Chính phủ trong cơn khủng hoảng này và tin vào thành công của cuộc chiến chống dịch”.
Tất nhiên, không phải tất cả các chuyên gia, tổ chức, cá nhân đều công nhận công tác chống dịch hiệu quả của Việt Nam. Bên cạnh những cơn mưa lời khen, nhiều đơn vị, tổ chức quốc tế cũng đặt nghi vấn “Việt Nam có giấu dịch”. Họ tự bình luận, thậm chí một phóng viên của hãng thông tấn Reuters đã tự đi khảo sát một số cơ sở ở Việt Nam như ở đài hóa thân Hoàn Vũ và các nhà tang lễ và nhận thấy số người chết trong thời gian chống dịch còn giảm hơn khi chưa có dịch. Thế nên họ phải khẳng định là không có chuyện Việt Nam giấu dịch. Hơn thế nữa, Trung tâm kiểm soát và phòng ngừa dịch bệnh (CDC) của Mỹ và WHO với con số được biết khoảng 120 người đang theo dõi rất sát diễn biến dịch bệnh tại Việt Nam thì việc giấu dịch là điều hoàn toàn không thể nào xảy ra được.
Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam từng khẳng định: “Chúng ta xác định chống dịch trong thời đại thông tin là phải dùng thông tin để minh bạch tất cả. Chúng ta đã chủ động ngay từ đầu, làm việc với các nhà mạng, công ty công nghệ để đưa thông tin ngay, thông tin minh bạch nhất có thể, không chỉ báo chí mà cả mạng xã hội”. Trong câu chuyện Đà Nẵng bùng phát dịch, báo chí liên tục cập nhật tin tức, vậy thì không ai hay một thế lực nào có thể “bịt mắt, bịt miệng” được hết phóng viên, nhà báo, các cơ quan báo chí và càng không thể giấu được tai mắt nhân dân. Chỉ cần có dấu hiệu nghi nhiễm là người dân đã đi khai báo, chữa trị chứ không ai dại ngồi ủ bệnh chờ chết. Một khi cách ly điều trị thì truyền thông đều biết chứ chính quyền nào có thể giấu dịch được?
Các trang “Việt Nam Thời báo”, “Báo Tiếng dân” và “Dân làm báo” cho rằng “Việt Nam giấu dịch”, vậy có nghĩa là phải che giấu hàng trăm hàng nghìn con người tham gia công tác phòng chống dịch bệnh, từ vòng ngoài đến vòng trong, tuyến đầu, tuyến giữa, tuyến cuối, từ Ban Chỉ đạo Quốc gia phòng, chống dịch, các cơ quan liên quan như bộ đội, công an, y bác sĩ đến cả bệnh nhân và người nhà. Ông bà ta có ta có câu: “Một miệng thì kín, chín miệng thì hở”, liệu có che giấu nổi không? Nhất là trong thời buổi bùng nổ của các phương tiện thông tin, chỉ cần một người chia sẻ thông tin nóng thôi là sau đó có hàng trăm, hàng ngàn người thậm chí cả nước biết.
Khi những luận điệu mà các trang tin nói trên đưa ra trở nên lạc lõng, khi không biết phải dùng luận điệu nào để tiếp tục kích động lòng dân hoang mang thì chúng bắt đầu dựng lên chuyện “chính quyền mắc bệnh thành tích, ngụy biện nguyên nhân tử vong của bệnh nhân”. Nhưng xin khẳng định, không ai giấu diếm nguyên nhân bệnh của các ca tử vong, ngoài bệnh nền thì các cơ sở y tế đều xác nhận là có nhiễm virus Corona, thậm chí trên ứng dụng NCOVI của Bộ y tế cũng ghi rõ số ca tử vong do virus Corona tới thời điểm này.
Những lời lẽ “cuồng ngôn” của các trang “Việt Nam thời báo”, “báo Tiếng dân” “Dân Làm báo” càng rõ thấy mưu đồ “chọc gậy bánh xe”, chống phá chính quyền, làm xấu đi hình ảnh Việt Nam chống dịch hiệu quả trước mắt cộng đồng quốc tế, gây ra sự hoài nghi của người dân với chính quyền, cùng với công tác phòng chống dịch Covid-19, cuối cùng làm nảy nở mầm mống bất ổn trong xã hội. Chính vì vậy, hơn bao giờ hết, người Việt vẫn đùm bọc nhau, cảnh giác phòng chống dịch bệnh nhưng cũng cần chung tay một lòng, đoàn kết chiến thắng dịch bệnh.
Đặng Trường