86
topics
331444

“Những gì vi phạm chủ quyền quốc gia là không thể chấp nhận được”

08/11/2019 15:36

Chiều tối ngày 5/11, ngay sau phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 10/2019, đã diễn ra buổi họp báo Chính phủ dưới sự chủ trì của Bộ trưởng, Chủ nhiệm VPCP, Người phát ngôn của Chính phủ Mai Tiến Dũng. Bộ trưởng đã chỉ rõ, trên sản phẩm, ấn phẩm, phim ảnh, ô tô, phần mềm, sách giáo khoa… có đường lưỡi bò là việc phải suy nghĩ.

Xử lý nghiêm việc để “Đường lưỡi bò” lọt vào sản phẩm, ô tô, sách…

Tại buổi họp báo, nhiều cơ quan báo chí đặt câu hỏi liên quan đến hình ảnh “đường lưỡi bò” gần đây xuất hiện trong phim hoạt hình, trên bản đồ định vị của xe ô tô Volkswagen, sách giáo khoa…

Câu hỏi đặt ra tại sao hình ảnh “đường lưỡi bò” của Trung Quốc lại dễ dàng lọt vào các sản phẩm, ấn phẩm này? Trách nhiệm ở cơ quan nào? Sắp tới Chính phủ có giải pháp gì để ngăn chặn tình trạng cố tình đưa “đường lưỡi bò” vào Việt Nam thông qua sản phẩm, ấn phẩm, phim ảnh…?

Hình ảnh “đường lưỡi bò” xuất hiện trong giáo trình của ĐH Kinh doanh và Công nghệ
Hình ảnh “đường lưỡi bò” xuất hiện trong giáo trình của ĐH Kinh doanh và Công nghệ

Trả lời về “đường lưỡi bò” có trong phim ảnh chiếu rạp, bà Trịnh Thị Thủy, Thứ trưởng Bộ Văn hóa thể thao và Du lịch cho biết: “Vừa qua Bộ đã xử lý vụ việc “đường lưỡi bò” trong phim hoạt hình “Everest: Người tuyết bé nhỏ”.

Đồng thời xử lý trách nhiệm tổ chức cá nhân liên quan, hội đồng duyệt phim với trách nhiệm cá nhân người đứng đầu Cục Điện ảnh. Cụ thể cho thôi chức Quyền Cục trưởng Cục điện ảnh đối với bà Nguyễn Thị Thu Hà.

Thứ trưởng Trịnh Thị Thủy cũng cho biết, đây là vụ việc có thể tái diễn nên Bộ trưởng đã chỉ đạo các đơn vị liên quan đến hoạt động nghệ thuật, đặc biệt là Cục Điện ảnh phải kiện toàn lại nhân sự trong rà soát nội dung, cấp phép và phổ biến phim, tăng cường nhân lực và chất lượng đội ngũ.

Kiện toàn lại hội đồng duyệt phim Quốc gia, thành lập hội đồng và với lĩnh vực cụ thể có thể mời thêm chuyên gia để cùng phối hợp và hỗ trợ, tham vấn cho hội đồng. Bộ cũng giao các đơn vị liên quan để xây dựng công cụ kỹ thuật công nghệ, hỗ trợ thêm cho hội đồng, cơ quan quản lý nhà nước rà soát hành vi vi phạm.

Đồng thời, bộ cũng đề nghị cơ quan doanh nghiệp nâng cao tinh thần trách nhiệm, không được tùy tiện nhập ấn phẩm về và phó thác trách nhiệm cho cơ quan thẩm định.

Cũng về vấn đề “đường lưỡi bò” có trong giáo trình của Đại học Kinh doanh và Công nghệ, Đại diện Bộ Giáo dục và Đào tạo, Thứ trưởng Nguyễn Hữu Độ cho biết: “Bộ đã có công văn yêu cầu Đại học Kinh doanh và Công nghệ dừng ngay sử dụng và lưu hành, thu hồi giáo trình, rà soát quy trình thẩm định, lựa chọn giáo trình lưu hành trong nhà trường, làm rõ sai phạm các cá nhân có liên quan”.

Thứ trưởng Nguyễn Hữu Độ nhấn mạnh: “Đó là trách nhiệm của hội đồng thẩm định, trách nhiệm của hiệu trưởng nhà trường”.

Về việc ô tô nhập về Việt Nam có bản đồ “đường lưỡi bò”, ông Cao Quốc Hưng, Thứ trưởng Bộ Công Thương nhận định: “Đây là sự việc có tính chất rất nghiêm trọng. Bộ Công Thương đã làm việc với công ty nhập khẩu xe ô tô. Công ty này thừa nhận do có sơ xuất không phát hiện nên đã cam kết kiểm tra, thu hồi toàn bộ.

Bộ Công Thương kiên quyết đơn vị nhập khẩu nếu chưa khắc phục sẽ tạm dừng việc nhập khẩu cho đến khi khắc phục xong.

Bộ cũng yêu cầu các công ty nhập khẩu ô tô nước ngoài có văn bản cam kết không sử dụng bản đồ có hình đường lưỡi bò, báo cáo về Bộ trước ngày 15/11. Khi tiến hành nhập khẩu doanh nghiệp phải kiểm tra chặt chẽ đảm bảo không có bất kỳ bản đồ nào trên các xe hơi.

Cũng theo Thứ trưởng Cao Quốc Hưng, Bộ Công Thương đã có văn bản để phối hợp với Tổng cục Hải quan, Cục Đăng kiểm để kiểm tra chặt chẽ với mặt hàng ô tô.

Đối với các hàng hóa khác, Bộ đã làm việc với các đơn vị liên quan, kiểm tra kiểm soát, xác định mức độ vi phạm để xử lý.

Lâu dài Bộ cũng đã văn bản yêu cầu các đơn vị trong Bộ và Sở Công Thương các tỉnh tăng cường rà soát và ngăn chặn hành động tương tự xảy ra đối với tất cả các hoạt động trong ngành công thương.

Vì đâu mà “đường lưỡi bò” bị bỏ sót?

Nói thêm về vấn đề “đường lưỡi bò”, Bộ trưởng Mai Tiến Dũng cho rằng, liên quan đến đường lưỡi bò, câu chuyện gần đây sản phẩm, ấn phẩm, phim ảnh, ô tô có hình ảnh, phần mềm, sách giáo khoa có đường lưỡi bò, đây là việc chúng ta phải suy nghĩ.

Trao đổi bên lề Quốc hội mới đây, Thiếu tướng Nguyễn Minh Đức (Ủy ban Quốc phòng An ninh) đã đề nghị Thủ tướng chỉ đạo Bộ Thông tin và Truyền thông, các cơ quan chức năng, tổng rà soát các đơn vị quản lý, sản xuất, nhập khẩu ấn bản phẩm, kể cả kiểm tra trong thư viện, kho… xem còn ấn phẩm nào có “đường lưỡi bò” thì xử lý kịp thời.

Thiếu tướng Đức cũng phê phán thái độ vô trách nhiệm của những người kiểm duyệt khi để lọt các sản phẩm này vào Việt Nam; thậm chí khi bị phát hiện, có người trong hội đồng kiểm duyệt còn nói “đây chỉ là tiểu tiết”. Ông nhấn mạnh, tất cả các sản phẩm có bản đồ đường lưỡi bò trường hợp cần vẫn phải tiêu huỷ!

Cùng quan điểm này, Thiếu tướng Nguyễn Thanh Hồng, Uỷ viên thường trực Uỷ ban Quốc phòng an ninh, kiên quyết cho rằng: “Những gì vi phạm chủ quyền quốc gia là không thể chấp nhận được”.

Sự bức xúc của các đại biểu Quốc hội, cũng như người dân trong những ngày qua hoàn toàn có thể lý giải được. Trong vòng hơn nửa tháng, liên tục các ấn phẩm văn hóa, giáo dục bị phát hiện có in “đường lưỡi bò”.

Trong khi đây thật sự là một sai phạm nghiêm trọng, ảnh hưởng đến quyền chủ quyền, quyền lãnh thổ của nước ta, điều mà chúng ta đang mất bao công sức để đấu tranh, gìn giữ? Có phải vì việc cho là tiểu tiết, có phải vì sự chủ quan, buông lỏng trong việc kiểm soát, kiểm duyệt, trong tinh thần cảnh giác với các âm mưu của các thế lực thù địch, trong khi với Đảng và Nhân dân ta, cuộc chiến này chưa từng có một lúc “ngơi nghỉ”?

Dù vì lý do gì, thì trách nhiệm vẫn phải là trách nhiệm, hậu quả xảy ra thì ngoài đơn vị trực tiếp tiếp nhận, lưu truyền sản phẩm, ấn phẩm; những cơ quan quản lý cũng phải nhận trách nhiệm liên đới và phải chịu những hình phạt, xử lý phù hợp.

Bởi dù sau đó “Everest – Người tuyết bé nhỏ” không được ra rạp, tài liệu du lịch, giáo trình bị thu hồi, xe ô tô bị tịch thu; kèm theo đó là những mức phạt về vật chất… nhưng không có nghĩa là hậu quả của việc để lọt “đường lưỡi bò” đã được xử lý xong.

Chúng ta và các nước trong khu vực, thậm chí là dư luận quốc tế đã mất bao công sức mới có thể phủ nhận sự tồn tại của cái gọi là “đường lưỡi bò” này; thế rồi, vì những sự chủ quan, buông lỏng, một số người đã trở thành “tiếp tay” cho hình ảnh bóp méo, vi phạm chủ quyền biển đảo này có thể lọt lưới, công khai xuất hiện trên chính lãnh thổ Việt Nam! Thật sự đau lòng và đáng trách!

Phạm Minh Hà

Đọc nhiều