8
category
454446

Những du thuyền sẽ trôi đi đâu?

07/12/2020 07:30

Bất cứ ai đi qua xóm du thuyền, chứng kiến sự mục nát, hoen gỉ từng ngày, đều cảm thấy tiếc xót cho một hồ Tây lung linh chưa trọn vẹn.

4 năm sau ngày UBND TP Hà Nội có văn bản yêu cầu dừng hoạt động bến thủy nội địa và các hoạt động kinh doanh có liên quan đến khu vực hồ Tây, những nhà nổi, du thuyền tiền tỉ một thời nay chỉ còn là những cái xác khổng lồ không hồn. Những cái xác hoen gỉ ấy được dời từ chỗ này qua chỗ khác nhưng quanh đi quẩn lại vẫn chiếm chỗ một vùng hồ, khiến vùng nước thơ mộng ấy trở nên tiêu điều, nhếch nhác.

Bất cứ ai đi qua xóm du thuyền, chứng kiến sự mục nát, hoen gỉ từng ngày, đều cảm thấy tiếc xót cho một hồ Tây lung linh chưa trọn vẹn. Nỗi băn khoăn đặt ra chẳng thể trả lời, không biết những du thuyền rồi sẽ trôi đi đâu?

Những du thuyền sẽ trôi đi đâu? - 1
Du thuyền Nàng tiên cá chỉ còn là đống sắt hoen gỉ.

Xóm du thuyền bỏ hoang

Nhiều người gọi khu vực bến đầm Bảy nằm sát phố Nhật Chiêu (phường Nhật Tân, quận Tây Hồ) là xóm du thuyền bỏ hoang. Có người lại bảo đó là “nghĩa địa” du thuyền. Từ năm 2017,  hàng chục du thuyền, nhà nổi sau một thời gian bị dừng hoạt động được lai dắt về đây và nằm chình ình từ đó đến nay.

Nhìn xóm du thuyền đang xuống cấp từng ngày, chẳng mấy ai còn hình dung nổi sự tấp nập, sôi động cách đây mấy năm. Khi ấy, ngày ngày người ta dập dìu lên du thuyền để được mãn nhãn ngắm hồ Tây, được ăn uống trong không gian lãng mạn và sang trọng, trong tiếng nhạc du dương, thậm chí có thể thâu đêm những cuộc vui cùng bạn hữu.

Khi ấy, ở bến thủy hồ Tây, đoạn phố Nguyễn Đình Thi, san sát những chiếc du thuyền với đủ kích cỡ, kiểu dáng, rực rỡ ánh đèn thâu đêm suốt sáng. Còn bây giờ, buổi tối, nếu phóng xe qua xóm du thuyền, ai cũng giật mình khi thấy những khối sắt khổng lồ nằm bất động trong bóng tối.

Tôi dành cả buổi để lang thang ở xóm du thuyền. Ban đầu, tôi chỉ dám đi bộ ven hồ để ngắm nghía. Cả đoạn dài nơi có du thuyền neo đậu, phía sát mép nước đều dựng rào chắn lưới B40 để ngăn không cho người lên xuống. Những nhà nổi, sàn nổi, tàu du lịch nằm khá gần nhau. Sau một thời gian dài dừng hoạt động, tất cả giờ đã gỉ sét nặng, vàng ố, trơ mình phơi nắng phơi sương.

Tôi ngạc nhiên khi thấy tấm áp phích in dòng chữ nổi bật “Chúc quý khách một chuyến du thuyền vui vẻ, hẹn gặp lại quý khách” căng trên một chiếc du thuyền vẫn chưa bị nắng mưa làm rách nát. Số điện thoại liên hệ đặt bàn từ thời điểm chưa thay đổi mã vùng điện thoại bàn vẫn hiện rõ. Có chiếc du thuyền vẫn còn nguyên vẹn hình nàng tiên cá kiều diễm đang ôm đàn gợi nhớ thời quá vãng lung linh. Có chiếc thuyền rồng trang trí công phu, gắn đầu rồng nay chỉ còn lại những khung sắt xấu xí…

Lại có chiếc du thuyền bị bục đáy, một phần khối sắt khổng lồ đã chìm dưới đáy hồ. Gió hồ Tây lồng lộng đêm ngày làm hàng loạt cửa kính vỡ toang, xé toạc những rèm cửa xác xơ bạc màu mưa nắng. Tôi nhìn thấy cả những đàn chuột lúc rúc chạy đuổi nhau, kêu chin chít trong những chiếc điều hòa. Hệ thống loa đài phủ bụi, quạt trần chăng đầy mạng nhện.

Dưới những bóng cây dại mọc lúp xúp ven bờ hồ, tôi thấy có những người ngồi câu cá. Chẳng biết khi ngồi lặng lẽ chờ cá đớp mồi, họ có đánh mắt sang phía du thuyền chỉ cách họ vài mét mà ngắm nghía, soi xét và thấy chướng mắt trước sự tồn tại của những chiếc du thuyền bỏ hoang này không.

Một người đàn ông thường đi bộ dọc đường Nhật Chiêu nói với tôi rằng ngày nào ông cũng qua đây, những nhà nổi, du thuyền ngổn ngang đập vào mắt, vừa mất mĩ quan lại vừa ô nhiễm môi trường, lãng phí vô cùng. Ông bảo có thời gian du thuyền neo đậu ở đây trở thành nỗi ám ảnh của người dân vì là nơi tụ tập của các nhóm người xấu với nhiều tệ nạn xã hội. Nơi đây thành “địa điểm vàng” của nạn trộm cắp, từ vật dụng trên tàu đến sắt, thép, thậm chí cả mỏ neo. Tôi ngạc nhiên khi biết được rằng những chủ tàu ở đây vẫn phải thuê bảo vệ trông coi đống tài sản mục nát này.

Du thuyền bốc cháy

Tôi muốn đến thật gần những chiếc du thuyền, căng mắt căng tai để nghe, để nhìn xem có ai sống ở trong những chiếc du thuyền cũ kĩ này không. Chính vì vậy mà tôi xuống sát mép nước để tìm lối vào du thuyền. Bất chợt, đàn chim sẻ sà xuống mái hiên một nhà hàng nổi, lích rích nhặt nhạnh những hạt cơm vương vãi. Gần đó, chiếc rổ nhỏ úp một vài chiếc bát ăn cơm và mấy đôi đũa. Vậy là có người đang ở đây. Nhân viên trông tàu hay là ai khác?

Trời đang buổi trưa nắng chang chang mà tôi bất giác thấy rùng mình. Những câu hỏi nhảy loạn trong đầu, trống ngực bỗng đập thình thịch. Tôi đang dò dẫm định bước lên chiếc cầu dựng sơ sài bằng một vài tấm gỗ thì bỗng một con chó mực từ trong chiếc du thuyền lao ra phía cửa và sủa inh ỏi, quyết không cho tôi lại gần. Tôi cất tiếng gọi to xem có ai ở đó không nhưng không có ai đáp lại. Vậy là tôi đành bỏ ý định và tìm đường sang du thuyền cạnh đó.

Đây chính là chiếc du thuyền đã bốc cháy dữ dội vào một đêm tháng 5-2019. Thật may, đám cháy đã được dập tắt trước khi cháy lan sang những du thuyền khác. Ngọn lửa đã thiêu rụi gần như tất cả tài sản trên du thuyền, chỉ còn mái tôn cong vênh ám khói, những khung sắt han gỉ có thể gãy bất cứ lúc nào. Những thanh gỗ lát sàn gãy nát lật lên từng mảng, để lộ những khoang nước đen sẫm phía dưới. Chỗ sàn tàu lành lặn nhất có trải chiếc chiếu, để bộ ấm chén, phích nước và cái điếu cày.

Những du thuyền sẽ trôi đi đâu? - 2
Cảnh hoang tàn trên du thuyền sau đám cháy.

Tôi cất tiếng gọi, giọng một người đàn ông đáp lại lời tôi. Trong không gian được quây lại tạm bợ ngăn cách với sàn tàu bẩn thỉu, chú Nghiêm Phương Thanh (54 tuổi) đang nghỉ trưa trên chiếc giường ọp ẹp, trải thêm chiếc chiếu quăn queo và có thêm chiếc màn căng gọng vó để chống muỗi. Thì ra, bất chấp nguy hiểm, nơi đây vẫn được tận dụng làm bến đậu của những con thuyền đánh cá khai thác mặt nước hồ Tây. Người ta thuê bảo vệ trông coi bến này từ sáng tới đêm.

Chú Thanh nhà ở mãi Đội Cấn, đi xe máy đến tận đây để trông ca ngày. Tôi hỏi chú cả ngày trên tàu hoang, không điện nước, không chỗ nấu ăn thì làm thế nào. Người đàn ông ngồi bó gối, vẻ mặt buồn buồn, mắt nhìn xa xăm rồi đáp thủng thẳng, thì cứ ở tạm bợ thế cả ngày, ca tối sẽ có người khác thay.

Chú cũng biết ở đây nguy hiểm vì sau vụ hỏa hoạn, tất cả đều mục ruỗng, thời tiết lại khắc nghiệt, mùa đông gió hồ lùa lạnh buốt, mùa hè nóng hừng hực qua một lần tôn mỏng nhưng vẫn cố bám trụ để cuối tháng nhận được mấy triệu bạc tiền công. Chú bảo, mãi chả thấy có hướng xử lý xóm du thuyền này. Nhìn cả đống tài sản cứ hóa sắt thép gỉ mà cũng thấy tiếc.

Những du thuyền sẽ trôi đi đâu? - 3
Ông Nghiêm Phương Thanh vẫn hằng ngày đến làm bảo vệ trên du thuyền hoang tàn, mục ruỗng.

Một du thuyền khác vẫn có lối vào nhưng người ta làm cổng và khóa lại, gắn tấm biển “Không phận sự miễn vào”. Thấy có thấp thoáng bóng người ở đó nên tôi xin vào tham quan. Ông chủ tàu đã gần 80 tuổi ra mở cổng và dẫn tôi vào.

Tôi nhìn thấy một chiếc ca nô được neo sát du thuyền đã ngập đầy nước, bèo mọc lan kín cả khoang. Không biết lần cuối cùng chiếc ca nô được lướt trên sóng nước là khi nào. Phía bên tay trái của du thuyền là hàng dãy xe đạp vịt quanh năm dập dềnh theo sóng nước, lâu rồi không có ai trèo lên, guồng đôi chân đạp ra xa nên đã hư hỏng nặng.

Du thuyền này có 2 tầng, tầng trên ngày trước là điểm ngắm hồ Tây, uống cà phê nổi tiếng, giờ la liệt những chiếc ghế mây, bàn kính đã hỏng hóc. Tầng dưới là phòng ăn được khóa kín cửa. Tôi tò mò nhìn vào bên trong, những bộ bàn ghế sang trọng bị chuột cắn nham nhở. Những chiếc cốc, ly, dĩa thìa, bát đĩa trước đây phục vụ cho các bữa tiệc sang trọng giờ đây xếp chồng đống và mốc meo.

Ông chủ tàu nhà ở gần đây, ngày nào cũng hai buổi sáng – chiều đi xe máy ra đây vừa câu cá giải khuây, vừa để trông nom khối tài sản của mình để chờ phương án xử lý cụ thể. Đêm thì có người khác ra trông. Ông bảo thời điểm cách đây 4 năm, khi ông vừa đầu tư tiền tỉ để làm thêm tầng 2 du thuyền thì phải dừng hoạt động, nghĩ mà xót của.

Hỏi ông ngày ngày đi lại, câu cá trên khối sắt đã han gỉ, có thể gãy đổ và chìm nghỉm xuống lòng hồ bất cứ lúc nào, ông có thấy nguy hiểm cho tính mạng không. Ông chủ tàu cười buồn bảo rằng, ông vẫn cố thủ ở đây cho đến khi nào có phương án giải quyết cuối cùng. Mà đâu chỉ mình ông mạo hiểm, trong tất cả những khối sắt vụn khổng lồ kia vẫn có người sống lặng lẽ bất chấp hiểm họa chỉ để bảo vệ những thứ không còn giá trị sử dụng.

Vẻ đẹp hồ Tây vẫn khuyết thiếu một góc đầm Bảy. Những chiếc du thuyền đã “hồn lìa khỏi xác” vẫn ngày ngày dập dềnh trên mặt hồ mà chẳng biết rồi sẽ trôi đi đâu…

Huyền Châm/CAND

Đọc nhiều