419
category
406117

Những điểm mới trong việc điều động và bổ nhiệm giám đốc công an

Đỗ Mạnh 01/07/2020 18:30

Những ngày cuối tháng 6 vừa qua Bộ Công an đã bổ nhiệm và điều động 12 tân giám đốc mới tại các tỉnh. Về mặt tổ chức thì đây là những quyết định bổ nhiệm và điều động hết sức bình thường trong lực lượng Công an nhân dân Việt Nam. Tuy nhiên khi xem xét kĩ lí lịch và vị trí công tác mới của 12 tân giám đốc vừa  được bổ nhiệm, chúng ta mới thấy được điều đặc biệt và hiếm thấy trong cách bố trí nhân sự mới của Bộ Công an trong lần bổ nhiệm này.

Trong danh sách 12 tân Giám đốc mới của các tỉnh thì có đến 11 đồng chí được bổ nhiệm và điều động từ các nơi khác đến (không phải người địa phương). Đây rõ ràng là một tư duy rất mới của Bộ Công an. Việc các đồng chí được làm cán bộ ở nơi không phải là nơi mình sinh ra, không phải là nơi có anh em họ hàng đang sinh sống là một điều kiện rất tốt giúp cho các đồng chí trong quá trình làm việc loại bỏ được những cả nể trong công việc để vô tư giải quyết các công việc mà không phải chịu bất kì một áp lực nào liên quan đến gia đình mình, gia đình vợ, anh em họ hàng bên vợ, bên chồng. Chúng ta còn nhớ dưới triều đại phong kiến Việt Nam, cũng đã có luật trong bổ nhiệm quan của triều đình, bộ Luật này có tên là Luật Hồi ty.

“Hồi tỵ” theo nghĩa tiếng Hán là “tránh đi” hoặc “lánh đi”; về sau là một khái niệm để chỉ chế độ làm việc của quan lại và của Nhà nước. Theo quy định của Bộ Luật này, những người có quan hệ cha con, anh em, thầy trò, bạn bè, cùng quê… không được cùng làm quan hay làm việc một chỗ; hoặc quan lại không được làm việc tại bản quán, quê mẹ, quê vợ… Nếu ai gặp một trong những trường hợp trên đây thì phải tâu báo lên để chuyển bổ, “phân tán” đi nơi khác. Sở dĩ có việc “Hồi tỵ” đó vì các vua phong kiến cho rằng, những người có quan hệ thân thuộc, gần gũi nhau thường nể nang nhau, làm việc không khách quan, gặp khi người nhà, người thân của mình “có chuyện” thì thường né tránh hoặc bao che cho nhau, gây ra nhiều tiêu cực, làm cho bộ máy nhà nước kém hiệu lực; đồng thời, những người thân quen nhau thường “đồng cảm” dẫn đến đồng lõa với nhau trong việc thu vén quyền lợi, có thể dẫn đến vây bè kéo cánh với nhau để tham nhũng tiền của nhà nước.

Các vị vua dưới các triều đại phong kiến Việt Nam đã tiếp thu và vận dụng chế độ Hồi tỵ vào việc xây dựng bộ máy chính quyền và cung cách làm việc của các cơ quan nhà nước. Người đầu tiên áp dụng có lẽ là Vua Lê Thánh Tông. Năm Bính Ngọ niên hiệu Hồng Đức (1486), ông ra chỉ dụ cấm quan lại được lấy vợ là đàn bà, con gái tại nơi làm quan, nhằm “ngăn chặn từ xa” tình trạng các bà vợ “chỉ huy” các ông quan chồng để thao túng quyền hành. Vào năm Mậu Thân (1488), Vua xuống chiếu cấm những người là chú, bác – cháu ruột, anh em ruột (đến năm Bính Thìn – 1496), quy định được mở rộng đến cả những người là anh em con cô con cậu, con dì con già và cả những người là thông gia với nhau cùng làm xã trưởng (như các chức chủ tịch và phó chủ tịch ủy ban nhân dân xã hiện nay). Nếu đã cùng làm xã trưởng rồi thì giữ lại một người “đứng đắn nhất”, có thể làm được việc, còn những người khác thì phải về làm dân. Trong Quốc triều hình luật (thường gọi là Luật Hồng Đức) cũng có một số điều khoản mang tính “Hồi tỵ”.

Trong các đời vua thì Vua Minh Mạng là người thực hiện Luật Hồi tỵ một cách tích cực và triệt để nhất. Trong cuộc đời hơn 20 năm làm vua của mình, từ năm Canh Thìn (1820) đến năm cuối năm Canh Tý (đầu năm 1841), ông đã nhiều lần ra chỉ dụ về quy định Hồi tỵ, mà những nét lớn là :

– Các nhân viên  ở nha môn các bộ ở Kinh đô và các tỉnh là cha con, anh em ruột, anh em con chú con bác với nhau thì phải “tách ra”, đổi bổ đi nơi khác. Những người có quan hệ huyết thống, thông gia, thầy trò, người cùng quê quán… cũng không được cùng làm quan tại một địa phương, cùng làm việc tại một công sở.

– Các quan lại không được làm quan ở chính nơi quê hương mình, nơi trú quán (nơi đã sinh sống một thời gian lâu), ở quê vợ, quê mẹ mình, thậm chí cả nơi học tập lúc nhỏ hoặc lúc trẻ tuổi. Các lại nhân viên hàng chính ở các phủ, huyện cũng không được làm việc ở phủ huyện là quê hương mình.

– Các nhân viên hành chính ở các huyện, phủ là người cùng một làng, xã cũng phải “hồi tỵ”, phân tán, đổi bổ đi nơi khác.

– Các quan làm nhiệm vụ tư vấn về một khía cạnh nào đó ở một bộ, hay ở tỉnh trở lên khi về Kinh đô chầu được dự bàn các việc của triều thần, song nếu các cuộc họp đó có bàn đến các việc liên quan đến địa phương mình nhậm trị hay việc của bộ mà mình phụ trách thì phải “lui ra”.

Những điều Hồi tỵ trên càng được thực thi nghiêm ngặt trong các kỳ thi Hương, thi Hội (quan lại không được về coi thi, chấm thi tại tỉnh là quê đẻ, quê mẹ, quê vợ, nơi học hoặc nơi dạy cũ).

Tuy nhiên, một số cơ quan và ngành không áp dụng luật Hồi tỵ. Ví dụ, Ty Chiêm hậu là cơ quan chuyên trách về lịch, Ty Hiệu lễ sinh chuyên coi về lễ nghi, Khâm Thiên giám là cơ quan chuyên về thời tiết, không phải cơ quan hành chính nên không phải “hồi tỵ”; Thái y viện là cơ quan chuyên chăm sóc sức khỏe cho vua, cần “cha truyền con nối” để làm việc nên cũng không phải “hồi tỵ”.

Sư cũ ghi lại rằng Vua Minh Mệnh thực hiện và giám sát luật Hồi tỵ rất sát sao. Sử kể rằng có lần vào năm Đinh Dậu 1937, triều đình cử Nguyễn Song Thanh là Lang trung (quan đứng đầu một cơ quan dưới bộ) làm Quyền Bố chính (như Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh hiện nay) tỉnh Định Tường, nhưng khi biết vị quan này thời trẻ đã từng học ở đây, quen biết nhiều nên đã cho đổi ông ta về nhậm chức ở tỉnh Bình Định và điều người khác thay thế. Do luật Hồi Ty được các ông vua áp dụng một cách triệt để và nghiêm ngặt nên nhà nước phong kiến vì thế mà ngăn chặn được những hiện tượng những người có quan hệ họ hàng, thông gia, thầy trò, cùng quê… cùng làm việc tại một địa phương, một công sở; khắc phục tình trạng vì tình cảm mà nể nang, né tránh nhau, bao che khuyết điểm của nhau vì sợ “rút dây động rừng”; một số người dựa dẫm hay ỷ thế của người nhà làm quan đứng đầu tại địa phương, công sở để làm càn…, làm cho bộ máy các cơ quan nhà nước hoạt động kém hiệu quả; đặc biệt là ngăn chặn được tư tưởng cục bộ (cục bộ dòng họ, cục bộ địa phương), dẫn đến sự hình thành “lợi ích nhóm” của một số quan lại để đục khoét của cải của nhà nước.

Rõ ràng là Luật Hồi ty là bộ luật hết sức tiến bộ mà chúng ta cần nghiêm túc nghiên cứu học hỏi. Nhưng đáng tiếc là trong quá trình xây dựng và phát triển đất nước chúng ta đã không lưu tâm đến những điểm mạnh và tính ưu việt của Bộ luật này để kế thừa và thực hiện trong bố trí nhân sự. Dẫn đến tình trạng xuất hiện những hiện tượng một người làm quan cả họ được nhờ như ở Hà Giang, Bắc Giang, Thường Tín vv….. Hiện tượng người cùng họ, cùng làng “hiện diện” ở rất nhiều cơ quan Đảng, chính quyền, các cơ quan chuyên môn của không ít địa phương, bộ, ngành; dẫn đến hệ quả không chỉ là “chi bộ dòng họ”, “chính quyền dòng họ” ở nông thôn trước đây; mà còn là cảnh bố – con, anh – em, chú – cháu, thậm chí phòng ban, bộ phận nào cũng thấy “con cháu các cụ”. Có rất nhiều những trường hợp bố con anh em làm cùng cơ quan, bố bổ nhiệm con, chị bổ nhiệm em làm cho những người làm cùng cơ quan hết sức bất bình. Có rất nhiều trường hợp anh làm giám đốc thì anh em ruột, anh em họ cả xóm, cả làng đều được tuyển vào làm. Sự quen biết dòng họ đã kết thành phe nhóm và làm tai mắt cho giám đốc gây mất đoàn kết dẫn đến kiện cáo tị nạnh nhau không lành mạnh khiến cơ quan, doanh nghiệp luôn phải giải quyết những việc mất đoàn kết mà sao nhãng trong lao động sản xuất dẫn đến thua lỗ.

Vì những lý do nêu trên, việc quyết định bổ nhiệm những tân giám đốc Công an của các tỉnh trong thời gian vừa qua phải nói là một tín hiệu đáng mừng. Đặc biệt là ngành công an lại là ngành nhạy cảm chuyên giải quyết đến những vấn đề liên quan đến luật pháp, vì vậy nếu giải quyết công việc mà thiếu đi sự vô tư, trong sáng sẽ ảnh hưởng rất nhiều đến chất lượng công việc, đến tôn ti trật tự xã hội và sự minh bạch của luật pháp. Chúng ta hi vọng quyết định bổ nhiệm và điều động các tân giám đốc công an các tỉnh vừa rồi của Bộ Công an như là một điểm khởi đầu cho tư duy mới trong công tác cán bộ  và sẽ là tấm gương cho các bộ ngành khác trong cả nước học tập và noi theo.

Đất nước muốn hùng cường trước hết phải có những cán bộ tận trung với nước, tận hiếu với dân, làm việc luôn có tâm trong sáng vì nhân dân và vì sự hưng thịnh của quốc gia. Muốn làm được như thì việc từng bước áp dụng những ưu việt của luật Hồi tỵ trong điều động và bổ nhiệm cán bộ là hết sức cần thiết. Chúng ta hi vọng sau đây sẽ có nhiều bộ ngành khác noi theo Bộ Công an để bổ nhiệm điều động nhân sự trong sáng và hợp lòng dân, đưa đất nước ngày càng phát triển và mọi người dân, cán bộ được sống và làm việc theo pháp luật.

Đỗ Mạnh

* Bài viết thể hiện văn phong và quan điểm riêng của tác giả

Tags :
Đọc nhiều