8
category
439506

Những công nhân sống sót ở Rào Trăng 3 được cứu như thế nào?

16/10/2020 17:45

Các công nhân sống sót sau vụ sạt lở thủy điện Rào Trăng 3 ở Phong Xuân (huyện Phong Điền) được đưa ra ngoài bằng đường thủy.

Sáng 13/10, tỉnh Thừa Thiên Huế họp bàn phương án cứu hộ, cứu nạn hai vụ sạt lở núi ở trạm kiểm kiểm lâm 67 và thủy điện Rào Trăng 3, Phó chủ tịch UBND tỉnh Thừa Thiên Huế Phan Thiên Định quyết định mở thêm phương án đường thủy, giao công an tỉnh thực hiện.

Theo Đại tá Nguyễn Đình Thừa, Phó giám đốc Công an Thừa Thiên Huế, để khai thông tuyến đường thuỷ tiếp cận thuỷ điện Rào Trăng 4, có công rất lớn của 200 người dân, dân quân và các lực lượng khác ở xã Hương Bình (thị xã Hương Trà).

Lực lượng cứu nạn tiếp cận thuỷ điện Rào Trăng 3 bằng đường thuỷ. Ảnh: Quang Hà
Lực lượng cứu nạn tiếp cận thuỷ điện Rào Trăng 3 và 4 bằng đường thuỷ.

Khi khảo sát tỉnh lộ 16, tuyến đường bộ gần nhất để đưa xuồng máy, cano vào lòng hồ thuỷ điện Hương Điền hướng lên Rào Trăng 4, lực lượng chức năng tìm được một đường rừng dài khoảng 2 km do người dân tự mở để vào lòng hồ đánh cá. Tuy nhiên, mưa lũ khiến đường rừng này sói lở nghiêm trọng.

Trưa 13/10, sau lời phát động của chức trách xã Hương Bình, 200 người đã đồng loạt ra sửa đường, lấp lại những chỗ hư hỏng, sạt lở để xe chuyên dụng chở cano di chuyển. Người dân tay cuốc tay xẻng mở đường trong mưa. Sau đó, hàng chục xe tải chở đá dăm được huy động để rải lại mặt đường.

Ngay trong chiều tối 13/10, 2 tổ công tác cùng 2 ca nô của công an Thừa Thiên Huế đã tiếp cận được thủy điện Rào Trăng 4, đưa 5 công nhân về cấp cứu tại bệnh viện Bình Điền.

Đến sáng 14/10, con đường dài 2 km nối tỉnh lộ 16 xuống lòng hồ thủy điện Hương Điền được hoàn thành, công an Thừa Thiên Huế tăng cường thêm cano, xuồng máy vào hồ thủy điện Hương Điền, hướng thẳng đến thủy điện Rào Trăng 4.

Bản đồ vị trí thủy điện Rào Trăng 3 và 4. Đồ họa: Tiến Thành
Bản đồ vị trí thủy điện Rào Trăng 3 và 4.

Lúc ngược dòng, củi gỗ trôi về rất nhiều, cộng với thuỷ điện xả lũ nên nước xoáy, cano của đoàn cứu hộ suýt gặp nạn. “Khi thấy cano đến gần đập thủy điện Rào Trăng 4, nhóm công nhân ở đó rất vui mừng. Chúng tôi lên bờ cung cấp lương thực cho họ”, Đại tá Thừa kể

Chiều cùng ngày, công an Thừa Thiên Huế đưa được 19 công nhân sống sót và một thi thể rời thủy điện Rào Trăng 4.

Chiều nay (16/10), nhận tin nhóm công nhân ở lại thuỷ điện tìm kiếm được một thi thể, công an Thừa Thiên Huế đã cho phương tiện lên lòng hồ để đưa về, nhưng nước chảy xiết nên cano không thể tiếp cận được mục tiêu.

Đến nay 24 công nhân ở thuỷ điện Rào Trăng 3, Rào Trăng 4 và một thi thể đã được đưa ra ngoài. Ở thủy điện Rào Trăng 3 còn 15 công nhân mất tích.

Hiện trường sạt lở thuỷ điện Rào Trăng 3. Ảnh: Quang Hà
Hiện trường sạt lở thuỷ điện Rào Trăng 3.

Trước đó đêm 11/10, mưa lớn khiến cả nửa quả núi sạt xuống nhà điều hành thủy điện Rào Trăng 3, vùi lấp nhiều công nhân.

Ngày 12/10, đoàn công tác 21 người tiến vào thủy điện Rào Trăng 3 để tìm kiếm cứu nạn. Đêm cùng ngày, đoàn đến tiểu khu 67, trạm kiểm lâm sông Bồ và dừng nghỉ tại đây. Lúc 0h ngày 13/10, sau tiếng nổ lớn, núi đất đá sụt trùm lên các gian nhà đoàn đang nghỉ; 8 người thoát ra ngoài, 13 người mất tích. Cuối ngày 15/10, 13 người mất tích được tìm thấy, gồm 11 sĩ quan quân đội và 2 cán bộ của tỉnh Thừa Thiên Huế.

Hoàng Táo/ VNE

Đọc nhiều