130115
topics
386683

Những con số lột tả sức tàn phá khủng khiếp của đại dịch Covid-19

22/04/2020 06:26

Đại dịch Covid-19 tiếp tục càn quét khắp thế giới và gây ra một loạt hệ lụy khủng khiếp. Các bệnh viện quá tải. Thất nghiệp tràn lan. Cuộc sống ở nhiều nước chưa biết khi nào trở lại bình thường.

Hãng tin CNN ngày 21/4 liệt kê những số liệu phơi bày sức tàn phá của đại dịch ở mọi ngõ ngách trên thế giới:

Những con số lột tả sức tàn phá khủng khiếp của đại dịch Covid-19
Những con số lột tả sức tàn phá khủng khiếp của đại dịch Covid-19

211: Là con số quốc gia và vùng lãnh thổ mà Covid-19 đã hiện diện. Các ca nhiễm được ghi nhận ở tất cả các châu lục trừ Châu Nam Cực.

1: Là vị trí mà Mỹ đang nắm giữ về số người nhiễm bệnh và tử vong. Với gần 793.000 bệnh nhân và hơn 42.500 người thiệt mạng vì Covid-19 tính đến trưa 21/4, Mỹ đang dẫn đầu thế giới, bỏ xa các nước kế tiếp trong danh sách, theo trang thống kê toàn cầu Worldometers.

200.000: Là số người tử vong vì virus corona chủng mới được dự đoán ở Mỹ nếu như các nỗ lực đẩy lui dịch bệnh được thực hiện, theo Tiến sĩ Anthony Fauci, chuyên gia y tế cấp cao về đại dịch Covid-19. Theo Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa dịch bệnh Mỹ (CDC), đại dịch gần đây nhất là H1N1 đã cướp đi mạng sống của khoảng 12.469 người ở nước này.

14/4: là ngày Mỹ ghi nhận số bệnh nhân Covid-19 tử vong cao kỷ lục, ở mức 2.405. Con số này tăng chóng mặt so với một tháng trước đó. Ngày 14/3, Mỹ có 58 trường hợp tử vong.

1,6 tỷ: Là số trẻ em trên toàn thế giới bị ảnh hưởng vì các trường học đóng cửa, theo UNESCO. Báo cáo của tổ chức này cho biết, gần như tất cả các nước đã cho học sinh nghỉ để ngăn chặn dịch bệnh lây lan. Các lớp học thời dịch bệnh được chuyển lên không gian mạng.

97%: Là tỷ lệ người Mỹ bị ảnh hưởng bởi quy định ở nhà. Tất cả ngoại trừ 7 bang đã ban hành lệnh này.

Thống đốc New York Andrew Cuomo đã kéo dài quy định ở nhà cho đến ít nhất 15/5. Mệnh lệnh tương tự của Thống đốc California Gavin Newsom chưa nêu ngày kết thúc. Trong khi đó, chính quyền nhiều bang khác thông báo kế hoạch cho phép các doanh nghiệp hoạt động trở lại trong tương lai gần.

2.000 tỷ USD: Là con số thiệt hại mà nền kinh tế toàn cầu hứng chịu trong đại dịch Covid-19, theo Hội nghị Liên Hợp Quốc về Thương mại và Phát triển (UNCTAD).

22 triệu: Là số người Mỹ đâm đơn đăng ký thất nghiệp chỉ trong tháng 3 khi các doanh nghiệp buộc phải dừng hoạt động. Điều này có nghĩa là gần 13,5% lực lượng lao động hiện không có việc làm. Đây là mức tăng chưa từng có về số người đăng ký thất nghiệp kể từ khi Bộ Lao động Mỹ bắt đầu thống kê hồi những năm 1960.

0: Là tỷ lệ tăng trưởng lợi nhuận dự kiến của các công ty Mỹ trong năm 2020, theo tính toán của Goldman Sachs hồi tháng 2. Ngân hàng đầu tư này đã công bố báo cáo chưa đầy 1 tháng trước khi Tổ chức Y tế thế giới (WHO) tuyên bố Covid-19 là đại dịch toàn cầu. Sự tụt giảm thê thảm trong các hoạt động kinh tế Trung Quốc, mà kéo theo đó là các doanh nghiệp Mỹ phải ngừng hoạt động, có thể sẽ dẫn tới một cuộc suy thoái.

16/3: Là ngày chỉ số Dow Jones mất 2.997 điểm sự tụt giảm tồi tệ nhất trong lịch sử. Điều này xảy ra một ngày sau khi Cục Dữ trữ Liên bang Mỹ cắt giảm lãi suất xuống gần 0. Thị trường đã bắt đầu hồi phục trong tháng này.

-37,63 USD: Là giá dầu lửa ngày 20/4, mức thấp nhất kể từ khi Sàn giao dịch hàng hóa New York mở các hợp đồng dầu lửa giao sau vào năm 1983. Thị trường dầu lửa đổ vỡ vì không có cầu.

225 tỷ USD: Là số doanh thu ngành công nghiệp nhà hàng bị thiệt hại vào mùa xuân này do phải đóng cửa vì dịch bệnh, theo Hiệp hội Nhà hàng quốc gia, một tổ chức thương mại gồm chủ các nhà hàng.

Các hãng hàng không cũng không chịu chung số phận, với tổn thất lên tới 113 tỷ USD, theo cảnh báo hồi đầu tháng 3 của Hiệp hội Vận tải Hàng không quốc tế. Kể cả nếu virus bị ngăn chặn thì các hãng cũng vẫn mất đi hơn 60 tỷ USD.

1 trong 3: Là số người thuê nhà ở Mỹ không trả được tiền thuê đúng hạn trong tuần kết thúc vào 5/4, theo Hiệp hội Nhà ở Nhiều gia đình nước này. Solomon Greene, một chuyên gia cấp cao về chính sách nhà ở thuộc Viện Urban, nói với hãng tin CNN rằng những người thuê nhà dễ tổn thương về kinh tế hơn so với các chủ sở hữu nhà.

150.000: Là con số xét nghiệm virus corona được thực hiện mỗi ngày, theo Tiến sĩ Tom Frieden. Ông cho biết, Mỹ sẽ cần cung cấp 450.000 xét nghiệm mỗi ngày để thực hiện cho những đối tượng ưu tiên cao nhất và 10-20 lần số đó cho xét nghiệm mở rộng.

16: Là số trang cáo phó mà tờ Boston Globe chạy ngày 19/4. Các tờ báo ở nhiều điểm nóng dịch bệnh khác cũng tăng mạnh số trang dành cho thông tin về người chết.

Thanh Hảo/VNN

 

Đọc nhiều