128036
category
576825

Những con số gây sốc trong dư luận trong vụ ‘thổi giá’ kit test của Việt Á:

23/12/2021 12:11

Luật sư Trần Xuân Tiền – Đoàn luật sư TP. Hà Nội đã có những bình luận dưới góc độ pháp lý liên quan đến câu chuyện ‘thổi giá’ kit test xét nghiệm của Công ty Việt Á.

Thu lợi nhuận bất chính

Ngày 19/12, Cơ quan cảnh sát điều tra Bộ Công an (C03) đã bắt tạm giam Phan Quốc Việt, tổng giám đốc Công ty Việt Á vì hành vi “vi phạm quy định về đấu thầu gây hậu quả nghiêm trọng”.

Với việc nâng khống giá thiết bị, Công ty Việt Á đã gây ra thiệt hại cho ngân sách nhà nước số tiền lớn, khiến nhiều người dân phải sử dụng kit xét nghiệm với giá cao hơn giá trị thực.

Phan Quốc Việt (đứng giữa)

Được biết, giá mà Việt Á đưa ra là 470.000 đồng/kit. Đồng thời, lãnh đạo công ty này cũng đã thỏa thuận và chi tiền phần trăm hợp đồng cho lãnh đạo bệnh viện, CDC các tỉnh, thành phố trong quá trình cung cấp sản phẩm.

Về vấn đề này, luật sư Tiền cho biết: “Con số 4000 tỉ đồng là con số thể hiện doanh thu bán kit xét nghiệm “siêu lợi nhuận” của công ty đó chỉ trong một thời gian ngắn. Nhưng con số 30 tỉ đồng mà Tổng Giám đốc công ty “lại quả” cho Giám đốc CDC tỉnh Hải Dương trong mùa dịch Covid-19 mới là điều gây sốc cho dư luận xã hội.

Mới cách đây khoảng 6 tháng, khi dịch bệnh còn đang hoành hành, cả nước vẫn nêu cao khẩu hiệu “chống dịch như chống giặc”, bằng mọi giá phải cứu sinh mạng của người dân, Nhà nước cho phép các địa phương được chỉ định thầu, không qua đấu thầu, nhanh chóng mua kit xét nghiệm, các loại sinh phẩm, vật tư y tế,… đặt nhiệm vụ phòng, chống dịch Covid-19 lên hàng đầu. Nhưng quyết sách linh hoạt đó đã bị những kẻ xấu làm méo mó, biến dạng để phục vụ cho lợi ích cá nhân. Họ bỏ túi hàng chục tỉ đồng trên nỗi lo bệnh tật của nhân dân, đất nước”.

Theo quy định pháp luật, các hành vi như: can thiệp trái pháp luật vào hoạt động đấu thầu, gian lận trong đấu thầu, vi phạm quy định của pháp luật về bảo đảm công bằng, minh bạch trong hoạt động đấu thầu sẽ bị xử lý về tội “Tội vi phạm quy định về đấu thầu gây hậu quả nghiêm trọng” quy định tại Điều 222, Bộ luật Hình sự năm 2015, sửa đổi bổ sung năm 2017.

Nếu gây thiệt hại cho Nhà nước từ 100 triệu đồng đến dưới 300 triệu đồng, các đối tượng sẽ bị phạt cải tạo không giam giữ đến 03 năm hoặc phạt tù từ 01 năm đến 05 năm; nếu số tiền thiệt hại từ 300 triệu đồng đến dưới 1 tỉ đồng, mức án sẽ là phạt tù từ 03 năm đến 12 năm; nếu gây thiệt hại từ 1 tỉ đồng trở lên, sẽ bị phạt tù từ 10 năm đến 20 năm. Hành vi lợi dụng tình hình dịch bệnh để thực hiện tội phạm được coi là tình tiết tăng nặng trách nhiệm hình sự và sẽ phải xử lý thật nghiêm khắc, kịch khung hình phạt.

Nhiều vấn đề cần làm rõ

Theo luật sư Tiền, vai trò của chủ thầu trong việc lựa chọn công ty sản xuất và cung ứng bộ kit xét nghiệm cần được làm rõ.

“Ngành y tế nói chung và các cơ quan, tổ chức, cá nhân có thẩm quyền cho phép thực hiện đấu thầu cũng phải chịu trách nhiệm chính khi không sát sao trong công tác kiểm tra, giám sát đấu thầu. Bên cạnh đó, cơ quan điều tra cần làm rõ có hay không hành vi đưa hối lộ, nhận hối lộ, trốn thuế… để tiến hành khởi tố và xử lý nghiêm các đối tượng vi phạm theo quy định của pháp luật.

Trong các vụ án có dấu hiệu đồng phạm, cơ quan điều tra cần làm rõ vai trò, mức độ hành vi của từng đối tượng, để làm cơ sở giải quyết vụ án cho khách quan công bằng, đúng người, đúng tội”, ông nói thêm.

Trước khi sự việc của Công ty Việt Á gây xôn xao dư luận, tổng Giám đốc công ty nói trên đã phát biểu: “Tôi không thích câu “người Việt dùng hàng Việt” bởi lâu nay một số doanh nghiệp Việt vẫn lợi dụng nó để nâng giá sản phẩm. Tại sao chúng ta không quan niệm người Việt dùng hàng tốt, giá tốt. Hàng sản xuất trong nước hoàn toàn có lợi thế so với hàng nhập khẩu, ít nhất về chi phí vận chuyển”.

Hiện tại, cơ quan chức năng vẫn đang tiến hành điều tra, làm rõ. Các CDC ở những tỉnh, thành như TP.HCM, TP. Hà Nội, Ninh Thuận, Bình Thuận, Huế, Đà Nẵng… cũng đã lên tiếng về sự việc.

Minh Ngọc

Đọc nhiều