Những con số “biết nói” về môi trường đầu tư của Việt Nam
Báo cáo của Hiệp hội Doanh nghiệp châu Âu tại Việt Nam (EuroCham) vừa qua đã nêu rõ, chỉ số môi trường kinh doanh của Việt Nam trong quý I/2022 đạt 73 điểm phần trăm, tăng 12 điểm phần trăm so với quý IV/2021. Đà tăng này được kỳ vọng sẽ còn tiếp tục duy trì trong thời gian tới. Việc khôi phục các đường bay quốc tế và mở cửa hoàn toàn du lịch quốc tế trong tháng Ba vừa qua được cộng đồng các doanh nghiệp châu Âu hoan nghênh.
Báo cáo cũng công bố khảo sát: Trong hơn 1.000 doanh nghiệp được hỏi thì có hơn 2/3 số doanh nghiệp tin rằng nền kinh tế Việt Nam có nhiều khả năng ổn định và cải thiện trong quý II/2022 và những quý tiếp theo. Đây là tín hiệu đáng mừng cho việc thu hút vốn đầu tư vào Việt Nam trong thời gian tới.
Một tín hiệu đáng mừng khác là vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài thực hiện tại Việt Nam 6 tháng đầu năm 2022 ước tính đạt 10,06 tỷ USD, tăng 8,9% so với cùng kỳ năm trước, đây là mức tăng cao nhất của 6 tháng đầu năm trong 5 năm qua. Không chỉ vậy, uy tín Việt Nam còn được nâng cao trên trường quốc tế khi chỉ trong 6 tháng đầu năm mà đã có 57 dự án được cấp mới giấy chứng nhận đầu tư với tổng số vốn của phía Việt Nam là 300,9 triệu USD, gấp 2,1 lần so với cùng kỳ năm trước.
Được biết, dưới sự chỉ đạo của Chính phủ, để tạo thuận lợi cho các doanh nghiệp, nhiều địa phương đã triển khai các chính sách đặc thù. Như việc rút ngắn các thủ tục hành chính, đẩy mạnh xúc tiến đầu tư tại chỗ thông qua việc tạo lập hình ảnh từ các doanh nghiệp lớn tiên phong.
Bên cạnh đó, Chính phủ còn đẩy mạnh các gói hỗ trợ từ Nghị quyết số 68/NQ-CP ngày 01/7/2021 và Nghị quyết số 126/NQ-CP, Nghị quyết số 116/NQ-CP, Nghị quyết số 11/NQ-CP giúp cho hơn 50 nghìn người lao động và đơn vị sử dụng lao động giải quyết những khó khăn. Từ đó, tạo động lực trong nội tại đảm bảo đủ nguồn lực lao động cũng như giúp các doanh nghiệp có nguồn vốn khôi phục, tái sản xuất.
Chính vì thế, nhiều doanh nghiệp FDI đã tự tin và có động lực tăng cường tuyển dụng lao động để đáp ứng được nhu cầu mở rộng sản xuất, hoàn thành các đơn hàng sau giai đoạn bị ảnh hưởng của dịch COVID-19. Điều này chứng tỏ họ đang rất tin tưởng vào môi trường đầu tư của Việt Nam. Và tất nhiên cũng từ lời khẳng định của Thủ tướng Phạm Minh Chính, “Chính phủ đồng hành thực chất cùng doanh nghiệp, sẵn sàng đối thoại, cầu thị lắng nghe các nhà đầu tư. Chia sẻ với doanh nghiệp khi gặp khó khăn nhưng phải đúng, không hợp thức cái sai. Nhưng không vì thế mà bỏ cuộc, bỏ mặc doanh nghiệp, phải tìm giải pháp phù hợp lợi ích quốc gia”.
“Các doanh nghiệp yên tâm về môi trường đầu tư của Việt Nam” là một lời khẳng định chắc nịch về những nỗ lực cũng như tâm huyết của Chính phủ trong việc hợp tác đầu tư. Được đúc kết từ chính những nội lực hiện có mà Chính phủ đang quyết tâm xây dựng.
Thu An