Những con số báo động thực trạng người thiệt mạng do đụng độ với cảnh sát ở Mỹ

01/06/2020 15:32

Dữ liệu nghiên cứu cho thấy tỷ lệ người thiệt mạng khi đụng độ với cảnh sát ở Mỹ còn cao hơn cả tỷ lệ người tử vong do tai nạn xe máy.

Những con số báo động thực trạng người thiệt mạng do đụng độ với cảnh sát ở Mỹ - Ảnh 1
Cuộc biểu tình liên quan đến cái chết của người da màu George Floyd đang lan rộng ra khắp nước Mỹ. Ảnh: Reuters

Người biểu tình đã đổ xuống đường phố trên khắp nước Mỹ từ tối 29 tới sáng 30/5 để bày tỏ lo ngại và sự giận dữ của họ sau cái chết của người đàn ông da màu George Floyd (46 tuổi).

Ông George đã tử vong hôm 25/5 sau khi bị một cảnh sát da trắng ở thành phố Minneapolis, bang Minnesota ghì cổ bằng đầu gối trong hơn 8 phút.

Theo CNN, các cuộc biểu tình đã nổ ra tại ít nhất 30 thành phố ở Mỹ. Một số cuộc biểu tình đã diễn ra trong bầu không khí ôn hòa, trong khi một số khác chìm trong bạo lực.

Vụ biểu tình thậm chí còn lan đến đại lộ Pennsylvania, công viên Lafayette ở thủ đô Washington D.C, và ngay trước Nhà Trắng.

Tổng thống Mỹ Donald Trump cho biết ông đã nhìn thấy đám đông biểu tình qua cửa số, đồng thời đưa ra lời cảnh báo: “Tôi mạnh mẽ phản đối bất cứ ai lợi dụng thảm kịch này để cướp bóc, hành dung và đe dọa. Chữa lành vết thương, không hận thù, đem lại công lý, không hỗn loạn là nhiệm vụ cần làm. Chúng ta phải bảo vệ quyền của mọi công dân, đó là được sống mà không phải chịu bạo lực, định kiến ​​hay sợ hãi”.

Nguồn tin từ Nhà Trắng sau đó cho biết ông Trump đã ở dưới hầm ngầm khoảng một giờ khi hàng trăm người tụ tập bên ngoài biểu tình sau cái chết của người da màu George Floyd.

Những con số báo động thực trạng người thiệt mạng do đụng độ với cảnh sát ở Mỹ - Ảnh 2
Người biểu tình đốt lửa bên ngoài Nhà Trắng. Ảnh: Getty

Theo tờ Vox, dữ liệu Mapping Police Violence thu thập từ cơ sở dữ liệu công và hồ sơ thực thi pháp luật cũng cho thấy số vụ cảnh sát giết người đã có xu hướng tăng nhẹ từ năm 2013 tới 2019. Trong thời gian đó, số vụ giết người giảm xuống mức thấp (1.050 vụ) năm 2014 và tăng lên mức cao (1.143 vụ) năm 2018.

Những con số này cho thấy dù nhiều năm biểu tình và thay đổi chính sách (ví dụ như yêu cầu cảnh sát trang bị camera hay dùng kỹ thuật giảm căng thẳng trước khi dùng bạo lực), thực trạng này hầu như không thay đổi mấy.

Những trường hợp liên quan đến cảnh sát giết người thuộc nhiều chủng tộc. Số vụ cảnh sát giết người Mỹ da màu cũng như người Mỹ da trắng dường như có xu hướng giảm nhẹ, nhưng vụ giết hại người Mỹ Latinh lại tăng một chút. Cảnh sát giết hại người Mỹ gốc Á và người Mỹ bản địa tăng rồi giảm sau đó; còn số vụ cảnh sát giết người Mỹ không rõ chủng tộc tăng rất cao.

Những điều này cho thấy cảnh sát giết người không chỉ là vấn đề mà người Mỹ da màu phải chịu đựng mà nó ảnh hưởng tới người Mỹ thuộc mọi chủng tộc. Tuy nhiên, xét về tỷ lệ vụ giết người/triệu dân, thì người Mỹ da màu có nhiều rủi ro bị cảnh sát giết hại nhất. Họ có nguy cơ bị giết gấp hai lần so với người Mỹ Latinh và gần ba lần so với người Mỹ da trắng.

Tại 27 trong số 50 thành phố lớn nhất Mỹ, tỷ lệ cảnh sát giết người mọi chủng tộc cao hơn tỷ lệ tội phạm bạo lực. Ở nhiều thành phố như Kansas và Columbus, số vụ cảnh sát giết người gấp đôi tỷ lệ tội phạm bạo lực.

Sử dụng dữ liệu từ năm 2013 tới 2018, các nhà nghiên cứu đã tìm hiểu nguy cơ người Mỹ, cả nam và nữ, bị cảnh sát giết. Kết quả cho thấy nguy cơ đàn ông da màu bị cảnh sát giết là 1:1.000, cao hơn mức trung bình về số người Mỹ chết trong tai nạn xe máy.

Theo tờ Vox, đây chính là thực tế mà người dân Mỹ xuống đường biểu tình phản đối cảnh sát giết người da màu không mang vũ khí trong những năm gần đây.

Hoa Vũ/ĐSPL

Đọc nhiều