Những chuyến thăm của niềm tin

sông trà 06/03/2020 18:08

Vượt lên trên tất cả, chính những chuyến thăm hữu nghị mang tên “niềm tin” trên chứng tỏ phía Mỹ đã không còn coi chế độ xã hội chủ nghĩa của Việt Nam là nhân tố cản trở sự phát triển các mối quan hệ chiến lược đôi bên…

Mới đây, sự kiện hàng không mẫu hạm USS Theodore Roosevelt của Hoa Kỳ ngày 5/3 cập bến tại TP Đà Nẵng nhân dịp kỉ niệm 25 năm bình thường hóa quan hệ giữa Hoa Kỳ và Việt Nam đang nhận được sự quan tâm của dư luận.

Hàng không mẫu hạm USS Theodore Roosevelt cập cảng Đà Nẵng dịp 25 năm bình thường hóa mối quan hệ Việt – Mỹ thành đề tài cho các đối tượng “dân chủ” công kích nhằm gây ảnh hưởng đến mối quan hệ hai nước

Những “chuyến thăm” của niềm tin

Chuyến thăm của USS Theodore Roosevelt cũng là “đề tài” cho một số đối tượng mang danh “nhà dân chủ” đưa tin xuyên tạc về chính sách ngoại giao của Việt Nam, nhằm làm ảnh hưởng tới mối quan hệ Việt – Mỹ, cũng như mối quan hệ Việt – Trung.

Nếu như Việt Nam Thời Báo giật tít tiêu đề “Tàu sân bay Mỹ ghé Đà Nẵng: nghệ thuât đi dây của Việt Nam”, thì VOA phiên bản Tiếng Việt cũng có bài “Chuyên gia nhận định về chuyến thăm Việt Nam của tàu USS Roosevelt”… Tuy nhiên, những luận điệu thật sự lạc lõng khi chúng ta nhìn vào lịch sử của quá trình bình thường hóa mối quan hệ Việt – Mỹ.

Lịch sử quan hệ Việt – Mỹ đã trải qua những năm tháng đau thương, mất mát với cuộc chiến tranh thảm khốc kéo dài hơn 20 năm (1954 – 1975) và 20 năm sau đó của các chính sách cấm vận (1975 – 1995). Trong khoảng thời gian gần nửa thế kỷ đó, trong con mắt của người dân Việt Nam, nước Mỹ như là biểu tượng của chủ nghĩa đế quốc xâm lược.

Ở phía bên kia, chiến tranh Việt Nam trở thành một “hội chứng” ám ảnh dai dẳng trong lòng nước Mỹ. Sự thù hận, nghi kỵ, định kiến về ý thức hệ tưởng chừng là những hố ngăn cách quá lớn giữa đôi bên. Nhưng như lời của Ngoại trưởng John Kerry: “Không có 2 nước nào nỗ lực hơn, làm được nhiều hơn, và làm được tốt hơn để cố gắng đến với nhau, xếp lại quá khứ và thay đổi tương lai” như Việt Nam và Mỹ.

Thực tế, đã có những chuyến thăm mang tên “niềm tin” về sự hợp tác đôi bên cùng có lợi, ghi nhận nỗ lực bình thường hóa mối quan hệ, khép lại quá khứ, hướng đến tương lai. Và chuyến thăm quan trọng đầu tiên là sự kiện Tổng thống Bill Clinton đến Việt Nam vào giữa tháng 11/2000. Ông cũng là tổng thống Mỹ đầu tiên đến Việt Nam sau khi chiến tranh kết thúc.

Ngày 19/6/2005, Thủ tướng Phan Văn Khải là lãnh đạo chính phủ Việt Nam đầu tiên thăm Mỹ sau khi hòa bình lập lại. Thủ tướng đã thảo luận với Tổng thống George Bush về sự ủng hộ của Mỹ với nỗ lực tham gia Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO) của Việt Nam.

Giữa tháng 11/2006, Tổng thống George Bush thăm chính thức Việt Nam khi tham dự cuộc họp APEC tổ chức ở Hà Nội.

Đến tháng 6/2007, Chủ tịch nước Nguyễn Minh Triết trở thành người đứng đầu nhà nước đầu tiên của Việt Nam sang Mỹ sau giai đoạn chiến tranh.

Ngày 25/6/2008, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng và đoàn đại biểu Việt Nam đã đến Nhà Trắng để hội đàm với Tổng thống George Bush. Thủ tướng Việt Nam và Tổng thống Mỹ đã ra tuyên bố chung sau cuộc hội đàm.

Chuyến thăm Mỹ cuối tháng 7/2013 của Chủ tịch Trương Tấn Sang đánh dấu bước phát triển mới trong quan hệ song phương. Sau cuộc hội đàm tại Nhà Trắng ngày 25/7/2013, Chủ tịch Trương Tấn Sang và Tổng thống Barack Obama đã xác lập Quan hệ Đối tác Toàn diện giữa Việt Nam và Mỹ.

Trong chuyến thăm Hà Nội vào tháng 5/2016, Tổng thống Obama đã tuyên bố dỡ bỏ hoàn toàn lệnh cấm bán vũ khí sát thương cho Việt Nam. Đầu tháng 8/2018, Đài Tiếng nói Hoa Kỳ thông tin, Hà Nội có hợp đồng trang thiết bị quân sự trị giá 94,7 triệu Mỹ kim với Mỹ theo chương trình Bán hàng quân sự nước ngoài (FMS) và Bán hàng thương mại trực tiếp (DCS).

Ngoài ra, nhiều cuộc tiếp xúc, làm việc giữa Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng và Tổng thống Mỹ Donald Trump gần đây càng làm thêm sâu sắc mối quan hệ hai nước.

Nghệ thuật “dĩ bất biến, ứng vạn biến” của Việt Nam

“Dĩ bất biến, ứng vạn biến” là lời căn dặn của Chủ tịch Hồ Chí Minh đối với Bộ trưởng Bộ Nội vụ Huỳnh Thúc Kháng trước khi Người sang Pháp dự hội nghị Phông-ten-nơ-blô (tháng 5/1946) trong điều kiện chính quyền cách mạng Việt Nam còn non trẻ và đang ở tình thế “ngàn cân treo sợi tóc”.

Lời huấn thị đó của Người không chỉ giúp chúng ta đề ra phương hướng, cách thức quản lý, điều hành đất nước, giải quyết tốt vấn đề “thù trong, giặc ngoài”, giữ vững nền độc lập, chính quyền cách mạng lúc bấy giờ, mà còn trở thành phương pháp, bài học quý trong công tác đối ngoại, được Đảng, Nhà nước ta vận dụng hiệu quả trong công cuộc giải phóng dân tộc trước đây, cũng như trong sự nghiệp đổi mới, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, hội nhập quốc tế hiện nay.

Thực tế, Đảng, Nhà nước chúng ta cũng kế thừa truyền thống văn hóa giữ nước của cha ông ta, kiên quyết kiên trì theo tinh thần “dĩ bất biến ứng vạn biến”, những vấn đề thuộc về nguyên tắc là chúng ta kiên quyết giữ gìn như Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc đã nói là những vấn đề thuộc về độc lập, chủ quyền, toàn vẹn lãnh thổ là chúng ta quyết không nhân nhượng. Nhưng chúng ta phải có đối sách phù hợp truyền thống văn hóa của chúng ta “giữ nước, hòa hiếu và hòa bình”.

Trong từng tình huống cụ thể, chúng ta phải có sách lược phù hợp, phải khẳng định tính đúng đắn, tính chính nghĩa, phát huy sức mạnh tổng hợp của dân tộc, của đất nước, tranh thủ tối đa sự ủng hộ của quốc tế. Thế nên, chuyện hàng không mẫu hạm USS Theodore Roosevelt cập cảng Đà Nẵng suy cho cùng là một trong những hoạt động cụ thể minh chứng cho nỗ lực bình thường hóa mối quan hệ, nâng tầm đối tác toàn diện-chiến lược của hai bên.

Hơn nữa, việc hàng không mẫu hạm USS Theodore Roosevelt trở thành tàu sân bay thứ hai của Mỹ đến thăm Việt Nam, sau chuyến thăm lịch sử của USS Carl Vinson. Quyết định của Việt Nam tiếp nhận chuyến thăm của tàu sân bay trong bối cảnh cạnh tranh Mỹ-Trung cho thấy tự chủ chiến lược của Việt Nam và tư thế chiến lược ngày càng lớn lao hơn.

Mặt khác, xét riêng vấn đề Biển Đông, đối với Mỹ, Việt Nam không chỉ là một cơ hội kinh tế. Với những chuyển biến quân sự đáng kể trong thập kỷ qua, Việt Nam là một trong những lực lượng vũ trang mạnh nhất ở Đông Nam Á. Hơn nữa, với tư cách là một quốc gia yêu sách lớn ở Biển Đông và lịch sử kháng chiến lâu dài chống lại sự thống trị và bành trướng của Trung Quốc, Việt Nam là một nhân tố quan trọng trong khu vực, hỗ trợ Mỹ kiềm chế tham vọng địa chiến lược của Trung Quốc.

Dù sao đi nữa, vượt lên trên tất cả, chính những chuyến thăm hữu nghị mang tên “niềm tin” trên chứng tỏ phía Mỹ đã không còn coi chế độ xã hội chủ nghĩa của Việt Nam là nhân tố cản trở sự phát triển các mối quan hệ chiến lược đôi bên; Cho thấy Mỹ không còn nhìn Việt Nam (chắc hẳn cả Trung Quốc, Triều Tiên và Cu Ba nữa) như đại diện cho một hệ tư tưởng (tuy vậy, những vấn đề “dân chủ”, “nhân quyền” thì vẫn được phía Mỹ xem là những điều kiện để làm sâu sắc hơn quan hệ giữa hai nước).

Sự mở rộng và nâng cấp quan hệ Việt – Mỹ không trở ngại gì đến chính sách ngoại giao “đa phương hóa, đa dạng hóa” của Việt Nam, mà thúc đẩy lẫn nhau. Trong lịch sử hiện đại, chưa khi nào Việt Nam thể hiện được vai trò độc lập tự chủ trong chính sách đối ngoại như bây giờ.

Rõ ràng, quan hệ Việt – Mỹ chính là một trong những “sức mạnh của thời đại” giúp Việt Nam vươn lên, thoát khỏi nghèo khó và tụt hậu, không lệ thuộc vào bên ngoài và Mỹ cũng có lợi nhất định trong nghệ thuật dĩ bất biến, ứng vạn biến” của các nhà lãnh đạo cấp cao Việt Nam, nhất là trong vấn đề ở Biển Đông.

Sông Trà

Tags :
Đọc nhiều