5
category
618281

Những “chiêu độc” của công ty đòi nợ thuê

Hạ Băng 09/03/2023 11:30

Thời gian gần đây, các đơn vị nghiệp vụ của Bộ công an và công an một số tỉnh, thành phố lớn liên tiếp triệt phá nhiều đường dây đòi nợ thuê với quy mô lớn. Đáng lưu ý các đường dây này hoạt động một cách tinh vi, chuyên nghiệp và thường đội lốt công ty tư vấn pháp luật để hoạt động trái pháp luật trong một thời gian dài.

Lập công ty chỉ để đòi nợ thuê

Đầu tháng 3/2023, Phòng Cảnh sát hình sự Công an thành phố Hà Nội phối hợp với nhiều phòng nghiệp vụ của công an TP Hà Nội, Công an TP.HCM, Công an quận Thanh Xuân (Hà Nội)… triệt phá thành công một băng nhóm tội phạm có tổ chức núp bóng doanh nghiệp dưới hình thức thành lập công ty. Các công ty trên đã hoạt động trong một thời gian dài, gây nhức nhối trong quần chúng nhân dân bởi thủ đoạn đòi nợ hết sức phản cảm. Đặc biệt là đường dây đòi nợ thuê với thủ đoạn thành lập 7 công ty mới bị triệt phá ở TP.HCM.

Nhóm đối tượng đòi nợ thuê bị bắt giữ

Đầu tiên nhóm đối tượng này thành lập một công ty chuyên mua các khoản nợ mà khách hàng đã vay của các công ty tài chính và một số tổ chức tín dụng khác nhưng không có khả năng trả với giá bằng 12-15% giá trị của tổng số tiền khách nợ. Sau khi có các thông tin khách hàng và các thông tin khoản nợ, bộ phận vận hành sẽ cập nhật các thông tin khoản vay của khách hàng vào hệ thống riêng của 6 công ty còn lại.

Tiếp theo, sẽ phân chia vào từng tài khoản của nhân viên bộ phận truy thu để họ trực tiếp đòi nợ bằng cách gọi điện thoại yêu cầu khách hàng hoặc gọi điện để gây sức ép đến khách hàng thông qua người thân, đồng nghiệp khách hàng…

Nhóm đối tượng chủ mưu cầm đầu băng nhóm này đã tổ chức hoạt động đòi nợ thuê một cách rất chuyên nghiệp, có sự phân công, phân nhiệm rõ ràng. Có bộ phận nhân sự, kế toán, vận hành, thu hồi nợ. Mỗi tháng công ty sẽ cấp cho nhân viên truy thu khoảng 500 hợp đồng (thông tin khách hàng) để đòi khoản nợ khách vay. Mỗi nhóm phải đòi nợ được số tiền ít nhất là 300 triệu đồng, nếu 2 tháng liên tiếp không đòi được đủ số tiền trên thì sẽ bị đuổi việc. Do đó, các đối tượng là trưởng nhóm luôn đôn đốc nhân viên tích cực đòi nợ để đạt được doanh số.

Kinh hoàng những thủ đoạn đòi nợ thuê

Để đòi được nợ, các đối tượng không từ một thủ đoạn nào. Khi phát hiện con nợ “tắt thanh khoản” (không trả gốc, lãi đúng hẹn, không liên lạc được) lập tức “data” con nợ được chuyển đến nhóm nhân viên dùng hàng trăm số điện thoại “rác” để gọi điện đến người thân, bạn bè, sếp, đồng nghiệp… của con nợ. Mỗi ngày chúng “nã” đến cả trăm cuộc điện thoại. Mục đích là để tạo sức ép cho những người liên quan đến cuộc sống, công việc buộc khách hàng phải trả nợ khoản vay. “Thậm chí, đã có những bị hại dù không hề quen biết với con nợ, song vì bị quấy nhiễu đến mất ăn mất ngủ nên đành phải “trả hộ tiền” để khỏi bị quấy rối”.

Nhiều người dân bức xúc vì bị các đối tượng cắt ghép hình ảnh, tung lên mạng để gây sức ép.

Chưa hết, các đối tượng còn cắt ghép hình ảnh khách hàng, người thân khách hàng vào các hình ảnh đồi trụy, các thông tin không đúng sự thật. Sau đó tạo lập, dùng các “tài khoản ảo” đăng tải, bình luận lên mạng xã hội nhằm bôi nhọ danh dự, tạo sức ép buộc khách hàng phải trả tiền.

Trong trường hợp khách đồng ý trả tiền thì có thể trả tiền trực tiếp tại văn phòng hoặc chuyển khoản vào 4 tài khoản của công ty. Lúc đó, nhân viên truy thu sẽ gửi thông tin báo lại cho bộ phận kế toán để họ cập nhật dữ liệu truy thu của từng cá nhân, từng nhóm. Khi khách hàng trả nợ xong thì công ty sẽ ký thông báo kết thúc khoản nợ gửi cho khách hàng.

Hình thức đòi nợ theo kiểu “khủng bố” như trên còn xảy ra ở nhiều địa bàn, hoạt động dưới nhiều hình thức khác nhau. Đơn cử, cũng với hình thức thành lập công ty dưới danh nghĩa “tư vấn pháp luật”, Công ty Luật TNHH Pháp Việt còn sử dụng những thủ đoạn “nặng đô” hơn để gây sức ép lên con nợ.

Công an TP HCM cho biết đã bắt tạm giam và khởi tố 13 người thuộc Công ty Luật TNHH Power Law với cáo buộc Vu khống để đòi nợ

Nhóm thu nợ của công ty này sẽ áp dụng 3 cấp độ: Thứ nhất gọi điện đe dọa khách trả tiền; thứ hai gọi điện đe dọa trả tiền nếu không sẽ giết người thân; thứ ba mang bình gas, quan tài, xăng… đến đe dọa cho nổ tung cơ quan, nhà của khách hàng và người thân. Trong quá trình đòi tiền, các thành viên trong nhóm đều hỗ trợ nhau như thay nhau gọi điện đe dọa tăng áp lực để khách hàng trả tiền…

Cũng theo Cơ quan công an, các đối tượng cầm đầu băng ổ nhóm thường mở các đợt tuyển dụng nhằm vào các học sinh, sinh viên còn trẻ, ít tuổi, trình độ học vấn không cần cao – thậm chí yếu kém vẫn được. Sau đó, chúng sẽ tổ chức “training” bằng cách học thuộc những “kịch bản” có sẵn và cho nhân viên tự do “sáng tạo” những ngôn từ, thủ đoạn đòi nợ quái chiêu nhất có thể – miễn là thu hồi được nợ…

Hạ Băng

Đọc nhiều