2
category
367168

Những chiếc áo trắng blouse can trường

27/02/2020 09:46

Đó là sức ép dư luận thực tế, và sức ép đó đang giảm đi cùng với sự tiến bộ, thay đổi của ngành y tế do những nỗ lực không ngừng của các nhà quản lý và các y, bác sỹ.

Bác sỹ Nguyễn Trung Cấp thu hút được sự quan tâm đặc biệt của giới báo chí khi xuất hiện tại buổi tọa đàm ““Trách nhiệm truyền thông nhìn từ dịch COVID-19” vào tuần trước.

Đầu tóc trông tơi tả, mắt còn thâm quầng, ông không từ chối bất kỳ câu hỏi nào, dù nhạy cảm đến đâu, trong nỗ lực trấn an lo ngại của người dân về dịch bệnh coronavirus qua các kênh truyền thông.

Ông kể, là Trưởng khoa Cấp cứu Bệnh viện Bệnh nhiệt đới Trung ương, ông đã cùng nhiều đồng nghiệp ở luôn lại bệnh viện suốt từ khi phát hiện ra những ca bệnh đầu tiên ở Việt Nam. “Bản thân tôi ở lại bệnh viện từ mùng 6 Tết đến ngày hôm qua (20/2) mới về nhà. Tôi không về nhà không phải vì cách ly mà vì đảm bảo những rủi ro (lây) là tối thiểu”, ông nói.

Có những hôm trực bệnh viên, nơi điều trị 5 bệnh nhân dương tính với Covid-19 , bác sỹ Cấp tiếp nhận tới 100 cuộc điện thoại từ khắp mọi miền đất nước bày tỏ mọi lo ngại quanh dịch bệnh.

Những chiếc áo trắng blouse can trường.

Khi Trung Quốc có thông báo về dịch viêm phổi Vũ Hán, bác sỹ Cấp và nhiều đồng nghiệp phải chạy đua với thời gian để tìm hiểu về Covid-19 nhằm xây dựng chiến lược chống lại con virus này.

Ngay sáng mùng 1 Tết, chỉ thời gian ngắn khi truyền thông quốc tế đã có những bài viết về dịch bệnh ở Vũ Hán, ông đã có ngay bài viết về virus này, đến ngày mùng 2 Tết, ông đã giảng bài đầu tiên để chia sẻ cho các bệnh viện các tuyến.

Suốt từ Tết đến nay, bênh cạnh công việc bận túi bụi tại bệnh viện, bác sỹ Cấp còn tranh thủ gặp gỡ nhiều cơ quan truyền thông, báo chí để mang lại thông tin nhiều nhất có thể cho người dân.

Bác sỹ Cấp chỉ là một trong hàng vạn bác sỹ dưới tấm áo trắng blouse âm thầm, trách nhiệm và can trường chống lại dịch bệnh coronavirus.

Ngay khi dịch bệnh bùng phát ở Vũ Hán, ngành y tế đã phản ứng rất nhanh. Vụ phó Vụ Truyền thông và Thi đua khen thưởng, Bộ Y tế  ông Vũ Mạnh Cường cho biết, suốt từ 23 tháng Chạp đến giờ, toàn bộ hệ thống ngành y tế không được nghỉ Tết 1 giờ nào. “Tất cả các hệ thống y tế dự phòng đã kích hoạt ngay lập tức. “Chúng tôi đưa ra tất cả các kịch bản bệnh có thể phát triển để đưa ra các phương pháp đối phó khác nhau”, ông nói.

Tất cả các hoạt động, từ việc cách ly những người từ vùng dịch trở về đến điều trị thành công 14 người nhiễm virus đều được diễn ra ở hệ thống y tế cơ sở, nơi trước đây ít người hình dung được.

Đó là một thành công nhờ quyết tâm quyết tâm của rất nhiều người trong và ngoài ngành y.

Tháng 10 năm 2017, Trung ương ra nghị quyết 20 về bảo vệ, chăm sóc và nâng cao sức khỏe nhân dân, trong đó đặc biệt chú trọng: “Đổi mới mạnh mẽ cơ chế và phương thức hoạt động của y tế cấp xã để thực hiện vai trò là tuyến đầu trong phòng bệnh, chăm sóc sức khoẻ”.

Kể từ đó, nhiều thay đổi đã được thực hiện ở khắp các cơ sở y tế cấp xã, cấp huyện trên cả nước, từ chuyện vật chất đến con người. Nhiều người đã bị thay thế.

Theo báo cáo của Bộ Y tế hồi giữa năm ngoái, có 226/315 đơn vị của 53/63 tỉnh thành phố sáp nhập theo mô hình Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh (CDC). Việc sáp nhập này đã giảm 1.260 vị trí lãnh đạo, tương ứng giảm chi trên 90,7 tỉ đồng/năm; giảm 2.140 biên chế hành chính như văn thư, lái xe, bảo vệ…, tương ứng giảm chi khoảng 154 tỉ đồng/năm.

Đó là nỗ lực của nguyên Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến, người từng nhận rất nhiều ý kiến trái chiều cho sự yếu kém của ngành y, và rất nhiều người trong hệ thống. Ngay trước khi thôi chức, bà Tiến khẳng định, ngành y tế tiếp tục thực hiện đổi mới, sắp xếp hệ thống y tế theo hướng tinh gọn bộ máy trên cơ sở sáp nhập các trung tâm y tế làm nhiệm vụ y tế dự phòng không có giường bệnh thành Trung tâm kiểm soát bệnh tật tỉnh/thành phố. Việc sáp nhập không chỉ tiết kiệm ngân sách do cắt giảm nhân lực gián tiếp cồng kềnh mà còn thêm nguồn lực đầu tư cho y tế dự phòng và y tế cơ sở.

Suốt 2 năm qua, ngành y tế đã triển khai chiến lược y tế cơ sở trong tình hình mới, và may mắn nhờ có chiến dịch này, chúng ta đã phản ứng với dịch bệnh nhanh chóng, hiệu quả, được thế giới ca ngợi.

Gần đây, WHO ghi nhận việc Việt Nam đã xử lý dịch bệnh này là “rất tốt”. Kết quả này có được sau nhiều năm đầu tư tăng cường năng lực cốt lõi theo yêu cầu của Điều lệ y tế quốc tế, bao gồm: giám sát và đánh giá nguy cơ, năng lực phòng thí nghiệm, phòng ngừa và kiểm soát nhiễm khuẩn, quản lý lâm sàng, truyền thông nguy cơ,…

WHO gọi tất cả những yếu tố kể trên là năng lực quốc gia trong việc sẵn sàng ứng phó và kiểm soát các vấn đề y tế khẩn cấp. Năng lực này đã được thử thách và kiểm nghiệm qua các sự kiện thực tế ở Việt Nam, và bây giờ là Covid -19.

Cách đây 17 năm, dịch SARS đã từng làm điêu đứng khi cướp đi tính mạng của 4 nhân viên y tế của Bệnh viện Việt-Pháp, một chuyên gia của WHO tham gia chẩn đoán cho bệnh nhân đầu tiên nhiễm SARS tại Bệnh viện Việt-Pháp.

Song, Việt Nam đã chiến thắng dịch SARS và được cả thế giới công nhận là nước đầu tiên khống chế thành công dịch SARS. Sau này, các chuyên gia của Nhật Bản còn sang Việt Nam tìm hiểu kinh nghiệm.

Phó Giáo sư Phạm Duệ, nguyên Giám đốc Trung tâm Chống độc, Bệnh viện Bạch Mai, khi nhớ lại sự kiện này vẫn tỏ vẻ buồn khi liên tưởng đến “búa rìu” dư luận: “Khi có sự cố y khoa gì đó, ngay lập tức người ta đặt vấn đề y đức xuống cấp, thậm chí đay đi đay lại như mũi dao cứa vào tim những người làm ngành y”.

Đó là sức ép dư luận thực tế, và sức ép đó đang giảm đi cùng với sự tiến bộ, thay đổi của ngành y tế do những nỗ lực không ngừng của các nhà quản lý và các y, bác sỹ. Tất cả vì sức khỏe và tính mạng của nhân dân, họ đã luôn can trường và bền bỉ ở những tuyến đầu của dịch.

Tư Giang/VNN

Tags :
Đọc nhiều