“Những bóng ma” mới đang hiện hữu, bao trùm từ Á sang Âu

Bảo Trâm 08/03/2022 14:47

Thế giới hiện đang phải đối mặt với một đợt bùng phát lạm phát đồng bộ khi giá thực phẩm và năng lượng tăng cao ở châu Á, một sự thay đổi so với chỉ vài tháng trước khi khu vực này xuất hiện để tránh cơn sốt giá đang bao trùm Mỹ và các khu vực của châu Âu.

Biểu tình tại Bulgaria suốt nhiều ngày liền

Châu Á hứng đòn lạm phát

Theo SCMP, chỉ số lạm phát trong toàn khu vực – Trung Quốc, Ấn Độ, Indonesia, Philippines, Thái Lan và Hàn Quốc – gần đây đã tăng hơn dự báo. Hầu hết chi phí sản xuất tăng nhanh cho thấy điều tồi tệ nhất vẫn chưa xảy ra. Các thị trường đang bắt đầu định giá khi kỳ vọng lạm phát tăng cao và hành động tích cực hơn của ngân hàng trung ương trên phần lớn châu Á.

Bước ngoặt là xung đột ở Ukraine, gây ra sự biến động trên thị trường hàng hóa. Điều đó đã đẩy giá năng lượng và nhiên liệu lên cao hơn và đe dọa nguồn cung cấp ngũ cốc cho khu vực tiêu thụ hàng đầu trên thế giới. Phân bón và chi phí vận chuyển tăng cũng đang ảnh hưởng đến giá lương thực toàn cầu kỷ lục.

Tại các nền kinh tế châu Á giàu có, như Singapore hay Hong Kong, giá thực phẩm tăng phi mã khiến người tiêu dùng lao đao (Ảnh: Reuters).

Ngân hàng Phát triển châu Á cho biết vào đầu tháng này, giá hàng hóa tăng cao đã đẩy lạm phát ở châu Á đang phát triển tăng 1 điểm phần trăm lên 3,7% trong năm nay. Mặc dù mức đó tương đối thấp so với tỷ lệ ở Mỹ, nhưng nó đang buộc các nhà hoạch định chính sách chuyển trọng tâm.

Lạm phát tăng cao tại nhiều nước đồng nghĩa với giá của mọi thứ từ thức ăn, xăng đến hóa đơn tiền điện của người tiêu dùng đều tăng lên. Lạm phát sẽ ảnh hưởng ngày càng nặng nề tới túi tiền của người tiêu dùng trong thời gian tới, khi các nền kinh tế lớn mở cửa trở lại sau dịch Covid-19.

Giá cả tại Nhật Bản cũng leo thang không ngừng

“Với tình hình lạm phát tồi tệ, tôi không thể kiếm lời nổi. Tôi đã sống sót qua dịch Covid-19 nhưng không biết liệu có sống nổi với giá cả như hiện giờ không nữa”, Manish Chawla, người bán thức ăn trên một chiếc xe đẩy tại thủ đô New Delhi (Ấn Độ) than thở trước tình trạng giá cả từ nhiên liệu đến thực phẩm đều tăng vọt.

Ngạc nhiên trước đà tăng giá các mặt hàng gia dụng tại Nhật Bản, anh Kantaro Suzuki, một nhà văn tự do sinh sống tại thủ đô Tokyo (Nhật Bản) chọn cách đi bộ để tiết kiệm chi phí sinh hoạt hàng ngày.

Theo Nikkei, suốt hơn 20 năm giảm phát, người dân Nhật Bản đã quen với việc các doanh nghiệp giảm giá để thúc đẩy tiêu dùng. Giờ đây, họ không khỏi sửng sốt khi thấy hóa đơn sinh hoạt gia đình tăng cao.

Mỹ, Châu Âu tê liệt…

Trong khi đó, bên kia bờ Thái Bình Dương, người tiêu dùng Mỹ cũng đang phải đối mặt với tình trạng chi phí ăn uống ngày càng đắt đỏ. Kể từ tháng 11/2020 đến tháng 11 năm nay, giá đồ ăn tại các nhà hàng đã tăng 5,8%, theo dữ liệu của Cục Thống kê Lao động Mỹ.

Theo Washington Post, đây cũng là mức tăng lớn nhất hàng năm kể từ tháng 1/1982. Giá cả tăng mạnh trong nhiều lĩnh vực từ nhà đất, xăng, thực phẩm cho đến ô tô đang gây áp lực cho người tiêu dùng Mỹ. Giá hàng tạp hóa chứng kiến mức tăng kỷ lục 6,4%, mức tăng lớn nhất trong 12 tháng kể từ tháng 12/2008. Thịt bò tăng vọt 20,9%.

Biểu tình ở Bulgaria vì giá cả leo thang, đời sống người dân xuống cấp

Tình hình ở Châu Âu lại càng nghiêm trọng, đặc biệt là khi tỷ lệ lạm phát trên toàn Liên minh châu Âu (EU) được dự báo sẽ tăng lên mức 6,8% trong năm 2022. Tất cả đều là hệ lụy từ xung đột quân sự tại Ukraine – và những ảnh hưởng đến mối quan hệ với Nga tiếp tục gây tác động tới các nền kinh tế của khối.

Chiến sự đã làm gia tăng tình trạng lạm phát trên khắp châu Âu và thế giới. Giá năng lượng, nguyên liệu và thực phẩm tăng với tốc độ chưa từng thấy trong nhiều thập kỷ, liên tục “gây sốc” trên các bảng giá ở cửa hàng tạp hóa, trạm bơm xăng, hóa đơn tiền điện và các công trường xây dựng.

Người dân chi tiêu dè dặt vì giá cả leo thang

Ngư dân và nông dân phải cố gắng tính toán giá bán cho sản phẩm của mình so với chi phí mà họ phải bỏ ra. Giá bánh mì tăng vọt từ Ba Lan cho đến Bỉ (tăng 30% lên 2,85 USD một ổ). Tại thủ đô Thổ Nhĩ Kỳ, giá thịt tăng gần gấp đôi khiến doanh số giảm 20%, phần lớn là do chi phí thức ăn chăn nuôi tăng mạnh.

Trên đảo Rhodes của Hy Lạp, chủ nhà hàng cá Paris Parasos tự đi đánh bắt cá nhằm giảm chi phí. Nhưng ông vẫn phải tăng giá tại nhà hàng của mình khi giá dầu ăn tăng gấp bốn lần, tiền gas nấu nướng và tiền điện cao gấp ba lần.

Giá nhiên liệu cao đe dọa làm tê liệt hoạt động vận chuyển hàng hóa trên mặt đất. Các cuộc biểu tình về việc tăng giá diễn ra ở nhiều nơi như Bulgaria.

Bản đồ lạm phát ở châu Âu do Euro News thống kê.

Theo Euro News, lạm phát gia tăng đặc biệt nóng ở các quốc gia Trung và Đông Âu gần chiến trường Ukraine. Giá trong tháng 4 tăng 14,2% ở Cộng hòa Séc, 12,3% ở Ba Lan và 10,8% ở Hy Lạp. Con số này ở Thổ Nhĩ Kỳ lên đến 61%, và đây cũng là nơi đã chứng kiến ​​đồng tiền mất 44% giá trị so với đồng USD vào năm ngoái.

Bên cạnh việc tác động đến thị trường năng lượng, cuộc chiến ở Ukraine ngăn cản việc xuất khẩu các nguyên liệu thô như thép và khoáng sản, cũng như các mặt hàng như ngũ cốc và dầu hạt, làm gia tăng tình trạng thiếu hụt toàn cầu.

Theo thống kê từ các tổ chức vào cuối tháng 5, hiện 1/3 các nước EU có mức lạm phát từ 10% trở lên, trong đó các nước ở khu vực Baltic như Estonia, Lithuania và Bulgaria có mức tăng giá tiêu dùng cao nhất. Các đợt lạm phát này hầu hết đều có liên quan đến tình trạng giá năng lượng tăng do xung đột Nga-Ukraine. Theo Eurostat, giá năng lượng chiếm hơn một nửa trong tỉ lệ lạm phát chung theo năm, ghi nhận ở mức 7,4% hồi tháng 4 của châu Âu, trong khi con số này một năm trước chỉ là 1,6%.

Sự việc trầm trọng đến mức Ủy ban châu Âu cảnh báo xung đột tại Ukraine diễn biến khó lường và nguy cơ lạm phát kèm suy thoái có thể xảy ra ngày càng nặng nề trong tương lai. Đặc biệt nếu Nga – nhà cung cấp năng lượng chủ chốt cho EU cắt toàn bộ nguồn cung dầu mỏ và khí đốt cho châu Âu, các kịch bản dự báo sẽ còn thay đổi, có thể còn tồi tệ hơn nữa.

Bảo Trâm

Đọc nhiều