Nhu cầu nước ngọt cho Đồng bằng Sông Cửu Long

Hạnh Văn 24/04/2024 08:03

Từ cuối tháng 3, các chuyên gia không ngừng cảnh báo vùng Đồng bằng Sông Cửu Long (ĐBSCL) các đợt nắng nóng cao điểm làm cho hiện tượng nước mặn xâm nhập mặn ở đồng bằng sông Cửu Long diễn ra mạnh mẽ hơn, đồng nghĩa khu vực này phải đối mặt với tình trạng thiếu nước ngọt trầm trọng.

Mùa khô diễn ra khốc liệt trong một số năm gần đây tại đồng bằng sông Cửu Long.
Mùa khô diễn ra khốc liệt trong một số năm gần đây tại đồng bằng sông Cửu Long.

Theo Cục Thủy lợi (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn), do ảnh hưởng của biến đối khí hậu và sự gia tăng sử dụng nước của các quốc gia thượng nguồn nên nguồn nguồn nước ngọt vùng đồng bằng sông Cửu Long đang có xu hướng giảm về trữ lượng và chất lượng.

Từ đó, gia tăng nguy cơ thiếu nước ngọt cho sinh hoạt vào mùa khô, đặc biệt các địa phương ven biển; tình hình hạn hán kéo dài, xâm nhập mặn sâu vào đất liền.

Hạn hán, xâm nhập mặn năm 2015-2016 và 2019-2020 kéo dài gần 5 tháng, có khoảng 200 công trình cấp nước tập trung bị ảnh hưởng, dẫn đến gần 100.000 hộ dân bị thiếu nước sinh hoạt.

Hiện tại, toàn vùng đồng bằng sông Cửu Long có gần 4.000 công trình cấp nước nông thôn tập trung. Trong đó, số lượng công trình hoạt động bền vững khoảng 2.450 công trình (62%). Đây là vùng có tỷ lệ công trình hoạt động bền vững cao so với trung bình toàn quốc.

Mặt khác, hiện nay giá nước ngọt vùng đồng bằng sông Cửu Long chưa tương ứng với giá thành sản xuất, thấp nhất là 2.000 – 3.000 đồng (tỉnh Long An, Vĩnh Long), cao nhất từ 11.000 – 12.000 đồng (An Giang, Sóc Trăng, Trà Vinh).

Người dân ở đồng bằng sông Cửu Long đang phải đối mặt với tình trạng thiếu nước ngọt trầm trọng.
Người dân ở đồng bằng sông Cửu Long đang phải đối mặt với tình trạng thiếu nước ngọt trầm trọng.

Theo dự báo của các cơ quan chuyên môn thuộc Bộ Tài nguyên và Môi trường và Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, từ nay đến giữa tháng 5 năm 2024, tại Đồng bằng sông Cửu Long có thể xuất hiện 03 đợt xâm nhập mặn (từ ngày 08 đến 13 tháng 4, từ ngày 22 đến 28 tháng 4 và từ ngày 07 đến 11 tháng 5 năm 2024), nguy cơ thiếu nước ngọt phục vụ sinh hoạt của nhân dân có thể tiếp tục xảy ra, nhất là tại các khu dân cư trên các cù lao, đặc biệt trong bối cảnh nguồn dự trữ nước ngọt đã suy giảm sau những đợt nắng nóng, hạn hán, xâm nhập mặn kéo dài.

Trước những yêu cầu cấp bách về cung cấp nước sạch cho người dân ĐBSCL, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đã ký Công điện số 34/CĐ-TTg (CĐ34) ngày 8/4/2024 về việc tập trung bảo đảm cấp nước sinh hoạt cho người dân trong các đợt xâm nhập mặn cao điểm tại ĐBSCL.

Công điện nhấn mạnh từ đầu năm đến nay, tại ĐBSCL đã liên tiếp xảy ra các đợt xâm nhập mặn và nắng nóng kéo dài. Các cấp chính quyền ở địa phương đã chủ động triển khai thực hiện đồng bộ nhiều biện pháp ứng phó theo chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ và bộ chuyên ngành, qua đó đã giảm thiểu được thiệt hại đối với sản xuất nông nghiệp, hạn chế ảnh hưởng tới cuộc sống của người dân.

Tuy nhiên, nhìn nhận những nguy cơ còn hiện hữu, Thủ tướng yêu cầu Bộ trưởng các Bộ: NN&PTNT, TN-MT, Xây dựng, TT-TT và Chủ tịch UBND các tỉnh, thành vùng ĐBSCL, nhất là các địa phương có nhiều hộ dân bị ảnh hưởng của xâm nhập mặn như: Bến Tre, Tiền Giang, Kiên Giang, Long An, Sóc Trăng, Bạc Liêu, Cà Mau không được lơ là, chủ quan và tổ chức theo dõi sát tình hình, tiếp tục triển khai thực hiện nghiêm túc, quyết liệt, có hiệu quả các biện pháp ứng phó với nắng nóng, hạn hán, thiếu nước, xâm nhập mặn.

Thủ tướng yêu cầu rà soát, nắm chắc thông tin tình hình về từng khu vực, từng ấp, xóm, từng hộ dân trên địa bàn có nguy cơ xảy ra thiếu nước sinh hoạt, nhất là các hộ dân sinh sống ở vùng ven biển, cuối nguồn cấp nước, khu dân cư trên các cù lao để có các phương án cụ thể phù hợp nhằm bảo đảm nguồn nước sinh hoạt cho người dân, kiên quyết không để người dân không có nước sinh hoạt… Chủ tịch UBND các tỉnh, thành chịu trách nhiệm trước Thủ tướng Chính phủ nếu để xảy ra tình trạng người dân không có nước sinh hoạt.

Công điện của Thủ tướng về đảm bảo nước ngọt cho người dân ĐBSCL là một biện pháp quan trọng và cần thiết trong việc ứng phó với tình hình khẩn cấp của nguy cơ thiếu nước và xâm nhập mặn trong khu vực này. Công điện đã đưa ra các chỉ đạo cụ thể và rõ ràng về các biện pháp cần thực hiện để đảm bảo cung cấp nước ngọt cho người dân trong bối cảnh khó khăn về nguồn nước. Điều này giúp tăng cường sự hiểu biết và chuẩn bị của các cơ quan chức năng và địa phương trong việc ứng phó với tình hình.

Sau CĐ34, các địa phương ĐBSCL đã nhanh chóng triển khai những biện pháp đảm bảo cung cấp nước sạch cho người dân. Theo thống kê đến ngày 15/4, tỉnh Tiền Giang có khoảng 8.800 hộ dân đang phải đối mặt với tình trạng thiếu nước sinh hoạt. Trong khi đó, ở Long An, có khoảng 4.900 hộ đang phải đối diện với vấn đề thiếu nước, đặc biệt là tại huyện Cần Đước và Cần Giuộc.

Tỉnh Bến Tre ghi nhận tổng số 25.000 hộ bị ảnh hưởng bởi tình trạng thiếu nước, còn tỉnh Kiên Giang có khoảng 20.000 hộ dân ở nhiều huyện và thành phố đều phải đối diện với tình trạng thiếu nước.

Người dân tỉnh Tiền Giang tập trung lấy nước tại các điểm cấp nước miễn phí.
Người dân tỉnh Tiền Giang tập trung lấy nước tại các điểm cấp nước miễn phí.

Trước tình hình khẩn cấp, chính quyền các địa phương đã triển khai nhiều biện pháp hỗ trợ người dân với phương châm “không bỏ lại ai phía sau”. Nhiều địa phương đã thiết lập các điểm cấp nước công cộng và tổ chức cung cấp nước luân phiên để hỗ trợ người dân.

Theo ông Đoàn Văn Đảnh, Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn tỉnh Bến Tre, hơn 160 điểm cấp nước ngọt miễn phí đã được thiết lập trên địa bàn tỉnh để phục vụ người dân. Các đơn vị cung cấp nước đang thực hiện đo độ mặn tại nguồn nước thô và sau khi xử lý để lập kế hoạch trữ nước và vận hành nhà máy nước một cách hiệu quả.

Ở Bến Tre, Sở NN&PTNT đã cấp 10 tỷ đồng từ nguồn dự phòng để hỗ trợ người dân tại các địa phương chịu ảnh hưởng nặng từ hạn mặn, bao gồm mở rộng đường ống cấp nước và lắp đặt trạm cấp nước tập trung tại những khu vực chưa có đường ống để người dân có thể lấy nước sử dụng miễn phí.

Tại tỉnh Tiền Giang, Dự án Đầu tư xây dựng cống âu Nguyễn Tất Thành đã được Bộ NN&PTNT chỉ đạo rút ngắn thời gian hoàn thành và đưa vào vận hành sớm, nhằm hỗ trợ ngăn chặn hạn mặn và đảm bảo nguồn nước ngọt cho sản xuất nông nghiệp và sinh hoạt của người dân trong vùng.

Ngoài sự quyết liệt của chính quyền địa phương, trong thời gian gần đây, nhiều tổ chức, cá nhân, doanh nghiệp và những người có tấm lòng nhân ái đã tiến hành các hoạt động hỗ trợ cụ thể và kịp thời đến với người dân vùng hạn mặn Đồng bằng Sông Cửu Long, đặc biệt là hỗ trợ về nguồn nước.

Ở tỉnh Cà Mau và Kiên Giang, các lực lượng vũ trang thuộc Quân Khu 9, Bộ Tư lệnh Vùng Cảnh sát biển 4, cùng với các đơn vị trong tỉnh không ngần ngại đường xa để vận chuyển hàng nghìn m3 nước và các dụng cụ chứa nước để hỗ trợ người dân đối phó với tình trạng khô hạn.

Đại tá Trần Bá Lộc, Chính ủy Cục Hậu cần Quân khu 9, chia sẻ rằng các đơn vị đã tận dụng mọi cơ hội để hỗ trợ chính quyền và nhân dân ở các tỉnh Đồng bằng Sông Cửu Long trong việc triển khai các biện pháp phòng chống hạn hán và xâm nhập mặn, đồng thời chia sẻ phần nào gánh nặng, giúp người dân ổn định cuộc sống.

Riêng tại tỉnh Cà Mau, các đơn vị đã triển khai 3 tàu vận chuyển, chở khoảng 1.700m3 nước cùng nhiều dụng cụ bồn chứa nước để hỗ trợ người dân ở các huyện Trần Văn Thời, Thới Bình và U Minh. Sự hân hoan của người dân khi tiếp nhận nước và các dụng cụ chứa nước đã truyền động lực cho các lực lượng hỗ trợ, khiến họ quên đi mệt mỏi và sẵn sàng tiếp tục nỗ lực trong hành trình thiện nguyện cho đến khi mùa khô kết thúc.

Trong bối cảnh khó khăn của vùng Đồng bằng Sông Cửu Long đối diện với tình trạng khô hạn và xâm nhập mặn, sự vào cuộc quyết liệt của chính quyền địa phương đã đáng được đánh giá cao. Không chỉ đưa ra các biện pháp khẩn cấp và hiệu quả để giảm nhẹ gánh nặng cho người dân, mà còn tạo điều kiện thuận lợi cho các tổ chức, cá nhân và doanh nghiệp tham gia vào các hoạt động hỗ trợ.

Tinh thần đoàn kết và sự hỗ trợ chặt chẽ từ các lực lượng vũ trang, các tổ chức, cá nhân và nhà hảo tâm đã góp phần quan trọng trong việc giúp đỡ người dân vùng Đồng bằng Sông Cửu Long vượt qua khó khăn. Từ việc cung cấp nguồn nước sạch đến việc hỗ trợ các dụng cụ cần thiết, mọi nỗ lực đều được đánh giá cao và mang lại niềm hy vọng cho người dân.

Với tinh thần đoàn kết và sự hợp tác chặt chẽ giữa chính quyền địa phương, các tổ chức và cộng đồng, chúng ta tin rằng vùng Đồng bằng Sông Cửu Long sẽ vượt qua thách thức hiện tại và phát triển mạnh mẽ hơn trong tương lai.

Hạnh Văn

Đọc nhiều