425
category
55410

Nhớ những ‘lời nói thẳng’ GS Hoàng Tụy góp cho giáo dục

19/07/2019 08:51

Nổi tiếng với những ‘lời nói thẳng’ đóng góp cho nền giáo dục và khoa học nước nhà, GS Hoàng Tụy từng chỉ ra một trong các sai lầm của giáo dục Việt Nam là tập trung tất cả việc dạy và học vào thi cử.

Nhớ những lời nói thẳng GS Hoàng Tụy góp cho giáo dục - Ảnh 1.
GS Hoàng Tụy – Ảnh: NGUYỄN KHÁNH

Sáng nay 19-7, lễ truy điệu GS Hoàng Tụy được tổ chức tại Hà Nội. Lễ điện táng và an táng tại công viên nghĩa trang Thiên Đức, huyện Phù Ninh, Phú Thọ vào chiều cùng ngày.

Sinh thời, GS Hoàng Tụy nổi tiếng với những “lời nói thẳng” đóng góp cho nền giáo dục và khoa học nước nhà. Tuổi Trẻ xin trích đăng những tâm tư trong cuốn Xin được nói thẳng (NXB Thế Giới và Omega Việt Nam) ra mắt trong những tháng cuối đời của GS.

Theo GS Hoàng Tụy, nếu nói giáo dục Việt Nam có khủng hoảng thì nét chính của khủng hoảng ấy là sự tha hóa, biến chất. Giáo dục có nguy cơ trở thành phản giáo dục. Có nhiều nguyên nhân, nhưng trực tiếp làm tha hóa giáo dục có ba sai lầm lớn.

Tất cả các sai lầm hệ thống nêu trên khiến giáo dục dần dần biến chất, xuống cấp, xa rời tất cả những giá trị cao quý còn sót lại từ quá khứ. Xu hướng tha hóa ấy phát triển có nguy cơ đẻ ra một nền giáo dục phản giáo dục”.

GS Hoàng Tụy

1. Chính sách đối với giáo viên

Theo GS Hoàng Tụy, đây là sai lầm đầu tiên và tai hại nhất do quan niệm lệch lạc về sứ mệnh và vai trò của giáo viên trong nền giáo dục hiện đại. Từ đó đã xuất hiện tư duy cực đoan ngược lại, phủ nhận vai trò then chốt của giáo viên đối với chất lượng giáo dục.

Với cách hiểu giáo dục thô sơ nặng về cảm tính, khi thì nhấn mạnh một chiều “học sinh là trung tâm”, khi khác tôn chương trình, SGK lên địa vị “linh hồn giáo dục”, nhận định chất lượng ĐH thấp “không phải do giáo viên, mà do chương trình”… dẫn đến hoàn toàn xem thường việc xây dựng đội ngũ giáo viên theo chuẩn mực chuyên môn và đạo đức hiện đại.

Trong mọi khâu, từ tuyển chọn đến sử dụng và bồi dưỡng giáo viên, khâu nào cũng phạm sai lầm lớn. Đặc biệt là chính sách lương. Ngay từ đầu đã bỏ qua kinh nghiệm muôn thuở “có thực mới vực được đạo”, trả lương cho thầy cô giáo dưới mức sống hợp lý, lấy cớ ngân sách eo hẹp bỏ mặc thầy cô “tự cứu” kiếm thêm thu nhập bằng mọi cách.

2. Tập trung tất cả việc dạy và học vào thi cử

“Nói rõ hơn là thay vì thi, kiểm tra thường xuyên nghiêm túc từng học phần để bảo đảm kết quả học tập vững chắc và thực chất thì dồn hết cố gắng vào các kỳ thi tốt nghiệp, thi “quốc gia” nặng nề, căng thẳng, rất hình thức mà thiếu nghiêm túc, sinh ra hội chứng thi rất đặc biệt của giáo dục Việt Nam: gần thi mới lo học, học đối phó, học nhồi nhét chỉ cốt để thi, thi cái gì học cái nấy, thi thế nào học thế ấy, chủ yếu là học thuộc lòng các loại bài mẫu, các đáp án mẫu” – GS Hoàng Tụy viết.

GS Hoàng Tụy nhận xét cụ thể: trước đây thi theo bộ đề thi cho sẵn, nay bộ đề thi biến tướng thành các bảng “cấu trúc đề thi”. Nghĩa là tư duy có thay đổi gì đâu, 20 năm trời, tốn bao công nghiên cứu, cuối cùng trở lại gần như điểm xuất phát, dưới một hình thức có vẻ mới để che giấu một phương pháp cổ lỗ.

Lại còn chuyện thi trắc nghiệm, thi tự luận. Người ta thi trắc nghiệm với một mục đích khác, ta không nghiên cứu kỹ, đưa ra áp dụng đại trà vào thi tốt nghiệp THPT trong khi trình độ chuyên nghiệp về kiểu thi này còn chưa bảo đảm, cho nên gây tốn kém và làm khổ cả học sinh lẫn thầy giáo.

3. Chạy theo số lượng, hi sinh chất lượng, bất chấp mọi chuẩn mực, thông lệ và kinh nghiệm quốc tế

Theo GS Hoàng Tụy, sai lầm này khiến giáo dục và khoa học hội nhập khó khăn và không cạnh tranh nổi ngay với các nước trong khu vực. Đây chính là bệnh thành tích, chứ không là gì khác.

Phát triển số lượng thì dễ, nhất là khi người dân còn khát học tập như xã hội Việt Nam, chỉ đảm bảo chất lượng mới khó, vậy nên cứ chọn cái dễ mà làm, dễ gây ấn tượng, dễ báo cáo thành tích. Trên đã vậy thì làm sao chống được bệnh thành tích ở dưới.

Trong hoàn cảnh ấy mà có người còn bênh vực bệnh thành tích, viện lẽ chỉ nhấn mạnh chất lượng lúc này là xa xỉ (!) thì thật không hiểu nổi ta muốn phát triển giáo dục và khoa học theo kiểu nào.

Nguy hại là căn bệnh này nghiêm trọng nhất ở cấp ĐH và đào tạo thạc sĩ, tiến sĩ, tuyển chọn, công nhận giáo sư, phó giáo sư. Trong thời đại toàn cầu hóa, muốn hội nhập thành công phải hiểu biết và tôn trọng luật chơi, trước hết là các quy tắc, chuẩn mực, thông lệ quốc tế.

Thế nhưng từ các chuẩn mực thông thường nhất về cơ sở vật chất, đội ngũ giảng dạy đến việc tuyển sinh thạc sĩ, tiến sĩ, đánh giá công trình nghiên cứu khoa học, đánh giá các luận văn thạc sĩ, tiến sĩ, tuyển chọn, đánh giá giáo sư, phó giáo sư, đánh giá các ĐH phần lớn đều không theo những chuẩn mực quốc tế.

Trái lại, tất cả dựa vào những tiêu chí tự sáng tác, nặng về cảm tính thô sơ, rất thấp và rất khác so với quốc tế, thiếu khách quan, thiếu căn cứ khoa học, thiếu minh bạch, dễ bị lợi dụng mưu lợi ích riêng cho từng nhóm thay vì phục vụ sự nghiệp chung. Sự thiếu hiểu biết và coi thường các chuẩn mực quốc tế thể hiện trong mọi chủ trương xây dựng ĐH, đến gần đây nhất vẫn rất chủ quan.

Đem việc học phụ thuộc vào việc thi, khiến thi chứ không phải học trở thành hoạt động giáo dục chủ yếu, đến mức muốn hiểu thực chất giáo dục Việt Nam như thế nào chỉ cần quan sát hoạt động của nhà trường và xã hội trong mùa thi. Chừng nào còn duy trì kiểu học và thi này thì xã hội còn phải trả giá nặng nề cho sự tụt hậu của giáo dục.

Chưa kể nếu tính hết mọi khoản chi trực tiếp và gián tiếp phục vụ các kỳ thi thì lãng phí lên tới con số khủng khiếp, bình thường đã khó chấp nhận, với tình hình kinh tế khó khăn như lúc này càng khó chấp nhận hơn.

Nhiều nước như Trung Quốc hay Hàn Quốc thi còn nhẹ nhàng hơn ta mà họ đã phê phán cái “địa ngục thi cử” của họ, còn thi cử như ta không biết phải gọi là cái gì!

GS HOÀNG TỤY

(Theo Tuổi Trẻ)

Đọc nhiều