130115
topics
374292

Nhìn về Châu Âu: Chim không còn hót trong bụi mận gai

18/03/2020 13:56

Có lẽ là lần đầu tiên kể từ chiến tranh thế giới thứ 2, châu Âu trở nên yếu ớt, dễ bị tổn thương và đã xuất hiện những mầm mống báo hiệu một sự khủng hoảng. Nếu ví toàn khối EU như một sợi xích, thì mỗi mắt xích lại là mỗi quốc gia, mỗi quốc gia đó kết nối tạo nên một tổng thể hoàn chỉnh vận hành trơn tru. Tuy nhiên, nếu một mắt xích gặp vấn đề, chính sự kết nối đó lại khiến cho toàn bộ các mắt xích còn lại có nguy cơ “đứt gãy” theo.

Châu Âu đang trở thành “tâm chấn” của dịch bệnh Covid-19 và khiến nhiều quốc gia e ngại.

Tờ Jacobin, một tờ báo là tiếng nói của phe cánh tả tại Mỹ nói rằng: “Dường như châu Âu đang cứu thị trường tài chính chứ không phải là người dân khỏi Coronavirus”. Tờ này so sánh với khủng hoảng kinh tế năm 2008, khi các dịch vụ ngân hàng phải cắt giảm chi tiêu, nhưng năm 2020, khi dịch bệnh xảy ra, trong khi “thế trận” y tế của các quốc gia châu Âu đã tan vỡ tại toàn khối thì các ngân hàng châu Âu không làm gì để cứu vãn điều này cả, Liên Minh Châu Âu họp rất nhiều lần, nhưng cái mà họ đưa ra thảo luận gần như chỉ tập trung vào khía cạnh cứu vãn nền kinh tế.

Ngày 12/03, cả châu Âu phải hốt hoảng nhìn lại khi số ca tử vong tại Ý đã đạt con số 1000, tỷ lệ chết vì nhiễm Covid-19 tại Ý có lúc đạt con số 8%. Cao hơn nhiều so với tỷ lệ được kiểm soát tại Hàn Quốc, Nhật Bản, những quốc gia có tỷ lệ dân số già tương đương. Vì EU vận hành theo sự liên kết giống như các mắt xích, không hề có giới hạn giữa các quốc gia trong khối nên việc dịch bệnh vì thế cũng di tản dần dần từ phía Nam Âu đến Trung Âu, Bắc Âu và giờ là toàn thể châu Âu trở thành điểm đen khổng lồ không thể kiểm soát.

Tờ Telegraph đã dẫn lời chuyên gia của chính phủ Anh Patrick Vallance, ông cho biết nước Anh có thể sẽ thực hiện việc “miễn dịch cộng đồng” trong nội bộ nước Anh. Mặc dù đây chưa phải là một thông tin chính thức của Chính phủ Anh Quốc, nhưng khi các nhà báo của tờ Nzherald có trụ sở tại New Zealand – thành viên của Khối liên hiệp Anh hỏi thủ tướng Anh Boris Johnson về miễn dịch cộng đồng, ông không hề giải thích gì thêm và không hề phủ nhận sự tồn tại của “miễn dịch cộng đồng”. Về mặt nguyên tắc mà nói, để đạt miễn dịch cộng đồng, sẽ có khoảng 60% người dân Anh cần phải được nhiễm Covid-19, nếu xét tỷ lệ tử vong là 2,8 – 3,6%, tức là sẽ có khoảng 800 ngàn đến 1,5 triệu người Anh chết vì dịch bệnh. Con số ấy tương đương với số dân thành phố Birmingham, một con số kinh hoàng!

Trong khi các nước láng giềng lần lượt tuyên bố tình trạng khẩn cấp hoặc phong tỏa các khu vực để chống dịch, nhiều sự kiện đông người vẫn được tổ chức tại Anh giữa dịch COVID-19.

Miễn dịch bầy đàn là khi một tỷ lệ lớn dân số – đặc biệt là những người trẻ hơn và khỏe mạnh hơn – nhiễm virus, họ sẽ phục hồi và xây dựng khả năng miễn dịch của họ để giúp bảo vệ những công dân lớn tuổi hoặc nhỏ tuổi hơn, dễ bị tổn thương hơn khỏi mắc bệnh. Nhưng đó là khi mà điều kiện lý tưởng đạt được và đến cả ông Patrick Vallance cũng không chắc chắn hoàn toàn điều đó có thể xảy ra hay không. Hơn 200 nhà khoa học sau đó đã viết một bức thư ngỏ tới chính phủ kêu gọi họ xem xét lại kế hoạch đầy rủi ro này, trong thư nói rằng biện pháp này có thể phải trả giá bằng mạng sống và gây căng thẳng không cần thiết cho Dịch vụ Y tế Quốc gia (NHS).

Tại Ý, một thảm cảnh khó có thể tưởng tượng đang diễn ra hàng ngày, bác sĩ sẽ chọn lựa những bệnh nhân trẻ để cứu sống, những bệnh nhân già họ gần như sẽ không có biện pháp gì cụ thể vì nhân lực, vật lực ngành y tế tại Ý không hề đủ. Ban đầu, độ tuổi bị từ chối phục vụ y tế là trên 80, nhưng hiện tại đã giảm xuống 70. Và thậm chí những bệnh nhân trẻ tuổi hơn mắc bệnh đều yêu cầu tự cách ly và thậm chí còn chẳng được xét nghiệm vì Ý không có đủ bộ KIT test thử Covid-19.

Những việc mà chính quyền Anh hay Ý đang làm có thể được giải thích bằng một hiện tượng triết học bằng thuyết vị lợi của Jeremy Bentham. Ông cũng là cha đẻ của câu nói: “Cần phải đạt tới hạnh phúc lớn nhất cho một số lượng người lớn nhất”. Nhiều quốc gia EU cho rằng việc dịch bệnh là không thể tránh khỏi, không thể chữa trị thời gian ngắn, nếu tiếp diễn tình trạng hiện tại, việc sụp đổ nền kinh tế là không thể tránh khỏi, từ việc sụp đổ nền kinh tế, toàn bộ xã hội cũng sẽ bị ảnh hưởng. Thay vì kịch bản xấu như vậy, một số nhà cầm quyền đề xuất việc thực tế “thanh trừng” người cao tuổi, có tiền sử bệnh tật bằng cách không cho họ hưởng đầy đủ các dịch vụ y tế, bằng việc hạn chế này, nguồn lực y tế có thể tập trung vào số lượng người khỏe khoắn đầy đủ, những người này tiếp tục trở lại lao động, trở lại kiếm tiền và lúc ấy, những người cao tuổi, có tiền sử bệnh tật mới được hưởng dịch vụ y tế đầy đủ – dĩ nhiên là nếu họ còn sống.

Dĩ nhiên đó là điều kiện lý tưởng đề ra, thực tế sẽ khác.

Trong thuyết vị lợi, lợi ích luôn là thứ cao nhất, một điều đúng được đánh giá bởi kết quả nó mang lại chứ không phải là một quá trình. Trong kinh doanh, chủ nghĩa vị lợi tập trung vào lợi ích của tư bản chứ không phải là người tiêu dùng. Tóm gọn lại một cách dễ hiểu nhất, các nhà tư bản muốn có lợi nhuận chứ không phải là lợi ích của người tiêu dùng. Một điều chát chúa khác, trong thuyết vụ lợi, các hành vi thường được xét đến khi đã thực hiện xong.

Một số nhà cầm quyền châu Âu cân đối giữa chi phí bỏ ra như y tế, phúc lợi xã hội, các thiệt hại về kinh tế với lợi ích hoặc kết quả thu lợi được từ kinh tế, tài chính, ngân hàng…, họ đã không cấm và không áp dụng các biện pháp phòng dịch từ bài học châu Á (Trung Quốc, Hàn Quốc, Nhật Bản hay Việt Nam…). Nếu áp dụng, kinh tế châu Âu chắc chắn sẽ gặp khó. Nhưng khi không làm gì cả, điều dị biến đã xảy ra khi châu Âu bị dịch bệnh đánh tan vỡ. Họ lại tiếp tục nhận định rằng giữa chi phí bỏ ra nghiên cứu vắc xin, chi phí chữa trị, chi phí tạm ngừng nền kinh tế… là quá tốn kém và sẽ không thể đem lại lợi ích gì cho nền kinh tế của họ.

Cũng vì sự mâu thuẫn và có phần hơi cứng nhắc này mà EU đã bị “thất thủ”. Mỹ đã cấm các chuyến bay từ EU, Trung Quốc hay phía Đông Á cũng đã cấm ngược công dân mình di chuyển đến hoặc về châu Âu, các nước Đông Nam Á cũng vậy. Chính EU mới khiến cả thế giới căng mình chống lại giai đoạn 2 của Covid-19, giai đoạn mà dịch bệnh này chính thức “toàn cầu hóa”.

Thụy Sĩ, quốc gia trung lập tại châu Âu đã bị Đức, Ý chặn lô hàng khẩu trang và dung dịch khử trùng. Các tờ báo Watson, Swiss News Network và Tages-Anzeiger tại Thụy Sĩ cho biết lô hàng vật tư này đã được họ đặt mua từ Trung Quốc, vận chuyển quá cảnh trung gian tại Đức và Italia, nhưng thay vì tạo điều kiện vận chuyển đến Thụy Sĩ, các quốc gia này đã chặn và tịch thu mà không đưa ra bất cứ một lời giải thích hợp lý nào cả. Tại Serbia, quốc gia đang muốn có vị trí trong Liên Minh Châu Âu đã năn nỉ phía EU bán hàng hóa cho họ, nhưng đáp lại điều này là lời từ chối từ các quan chức thượng tầng EU. Ngay tại Ucraina, một quốc gia đã từng là điểm sáng của khối Đông Âu, cũng chật vật leo lắt từng ngày vì một cuộc khủng hoảng giá cả, hàng hóa, với việc Nga đã đóng cửa biên giới, EU cũng không mặn mà vì lo thân không xong, Ucraina đang bơ vơ và không biết trông chờ vào đâu.

Tổng thống Serbia phải ngậm ngùi: “Tình đoàn kết của EU không hề tồn tại”. Thực chất EU là một khối thống nhất rộng lớn và là bài học cho toàn bộ các khối nước khác, trong đó có ASEAN, nhưng mâu thuẫn ở giữa các lớp thượng tầng EU – trung tầng EU và hạ tầng EU đang rất gắt gao mà bây giờ mới bộc lộ. Đức, Anh, Pháp, Hà Lan, Italylà các quốc gia thuộc lớp thượng tầng EU. Năm quốc gia đóng vai trò chủ yếu và là trụ cột của EU, hiện nay, chỉ còn Đức và Hà Lan nỗ lực gồng gánh. Anh đã rút khỏi EU, Italy thì vẫn đang trong giai đoạn khủng hoảng kinh tế, Pháp thì luôn gặp những vấn đề nội bộ. Đặc biệt, với đại dịch Covid-19 này, nó như một giọt nước làm tràn ly vậy.

Các nước thuộc trung tầng, hạ tầng EU có các đại diện tiêu biểu như Tây Ban Nha, Bồ Đào Nha, Hy Lạp và rìa Đông Âu. Một đặc điểm chung của các khối này là đang gặp khó khăn lớn về kinh tế hoặc chính trị, họ đều sống dựa “ký sinh trùng” vào khối EU, nạn nhân trực tiếp bị hút máu là 5 quốc gia ở thượng tầng. Anh thì thấy biến nên chạy, Pháp, Hà Lan hay Ý thì bâng quơ, Đức sở dĩ luôn muốn duy trì khối vì nếu đơn thương độc mã, Đức sẽ không thể đấu lại được Mỹ, Trung Quốc, Nga và Nhật Bản. Ucraina hay Serbia chỉ đơn giản là những nạn nhân của sự “thống nhất” bề ngoài, những khao khát hướng đến EU khiến cho hai quốc gia này gần như mấy hết liêm sỉ khi phải đàm phán với cả những vùng ly khai hoặc lãnh thổ bị phân tán ly khai.

Quang cảnh vắng người ở Tây Ban Nha trong đại dịch Covid-19.

Với dịch bệnh, lần đầu tiên trong lịch sử kể từ khi áp lệnh di chuyển chung trong khối, EU đã phải giới hạn lệnh di chuyển nhằm ngăn chặn nCOV. Lệnh ngăn chặn này được áp dụng quá muộn khi dịch bệnh đã len lỏi khắp châu Âu, các quốc gia tại châu Âu chưa quen với sự riêng biệt của mỗi quốc gia, họ đã có một sự phản kháng vô cùng yếu ớt trước dịch bệnh và thậm chí phó mặc cho trời.

Ngày 13/03, WHO tuyên bố châu Âu là tâm dịch toàn cầu, một điều không thể ngờ trước đó 1 tháng, điều trớ trêu thay là WHO không hề dự đoán được việc dịch bệnh sẽ dừng lại ở thời điểm nào. WHO có thể dự đoán được thời điểm dịch bệnh bắt được điểm cao và đi xuống tại Trung Quốc hay Hàn Quốc, nhưng với châu Âu thì không thể. Tại Anh, điều đó sẽ là khoảng 2 đến 3 tháng nữa, tại Ý có thể là 3 – 4 tuần nữa, tại Đức là khoảng trong một tháng, nhưng tất cả những điều ấy chỉ được tuyên bố một cách không rõ ràng, điều quan trọng ở đây là thế giới cần biết những gì họ làm để khống chế dịch bệnh. Châu Âu lại không trả lời được và điều này là cơ hội để Trung Quốc đưa bàn tay cứu vớt châu Âu, thay Mỹ trở thành cứu cánh của châu Âu, dẫn chứng tại Italia hay Tây Ban Nha đã nói phần nào điều ấy.

Tifosi 

Đọc nhiều