419
category
473847

Nhìn Myanmar để thấy rõ chính sách ngoại giao tuyệt diệu của Đảng

04/01/2021 16:00

Nước Đằng thời Xuân Thu bên Tàu vốn là một nước nhỏ, bị kẹp giữa hai nước lớn là nước Tề và nước Sở; ngoảnh mặt sang Tề e Sở giận, quay đầu về Sở sợ Tề ghen! Ở trong thế lưỡng đầu thọ địch, cả Sở và Tề đều muốn đặt tầm ảnh hưởng của mình lên nước Đằng, họ rất khó để lựa chọn đứng về phía nào. Nói thế để thấy rằng, các nước lớn luôn muốn đè đầu, cưỡi cổ, thậm chí là bắt tay nhau để thỏa hiệp trên đôi vai bé gầy của các nước nhỏ. Câu chuyện Mỹ – Trung thỏa hiệp và chế độ cũ để mất Hoàng Sa năm 1974 là một bài học xương máu cho chúng ta. Hay như Philippines là đồng minh lâu năm của Mỹ nhưng họ lại mất bãi cạn Scarborough.

Cố vấn Nhà nước Myanmar bị quân đội vây bắt.

Câu chuyện Myanmar mới đây làm chúng ta rõ thêm về điều đó. Chính phủ của họ là những con người thân Hoa Kỳ và phương Tây nhưng quân đội Myanmar lại rất thân với Trung Quốc. Cả hai ông lớn đều muốn lôi kéo Myanmar về phía mình và có lẽ đó chính là mấu chốt của vấn đề để rạng sáng 1-2, quân đội Myanmar tiến hành nhiều cuộc vây ráp, bắt giữ bà Suu Kyi, Tổng thống Win Myint và nhiều quan chức chính phủ khác. Và sự thật chẳng phải là do cuộc bầu cử Quốc hội tháng 11 năm ngoái xảy ra nhiều sai phạm. Sau bầu cử tháng 11/2020 mà đảng Liên minh Quốc gia vì Dân chủ (NLD) nói là họ thắng lớn, Ngoại trưởng Vương Nghị của Trung Quốc đã thăm thủ đô Myanmar và hội đàm với tướng Min Aung Hliang. Thế là đủ hiểu! Vậy nên câu chuyện Myanmar hôm nay cũng chẳng khác gì chuyện của nước Đằng xưa kia, tiến thoái lưỡng nan và đại họa lâm đầu.

Nhiều nước trên thế giới, bao gồm Mỹ và EU lên tiếng phản đối mạnh mẽ cuộc chính biến tại Myanmar, kêu gọi quân đội thả ngay lập tức những người bị bắt và khôi phục nền dân chủ tại quốc gia này, họ ủng hộ kết quả bầu cử của Myanmar trong tháng 11/2020. Chẳng ai bất ngờ vì điều này vì suy cho cùng thì bà Suu Kyi, Tổng thống Win Myint,… cũng là những người mà phương Tây ủng hộ nhiệt thành trong những năm qua. Chủ nghĩa dân túy ở đất nước này lên ngôi và bà Suu Kyi được ca ngợi như người hùng vì “đấu tranh cho tự do, dân chủ, nhân quyền”.

Nói thế để biết Đảng ta tinh anh và khôn khéo thế nào. Với đường lối, chính sách đối ngoại độc lập, tự chủ, đa dạng hóa, đa phương hóa quan hệ đối ngoại, không phụ thuộc vào bất cứ nước lớn hay nhóm nước nào thì chúng ta mới có thể tận dụng tốt nhất các cơ hội, điều kiện thuận lợi phục vụ cho sự phát triển đất nước. Điều đó tuyệt đối không thể gọi là “lạc hậu, lỗi thời”, “đi dây” trong quan hệ với các nước lớn như nhiều người đang rêu rao.

Hiện nay, chúng ta vừa tăng cường quan hệ với Trung Quốc, vừa làm sâu sắc hơn quan hệ với Mỹ trên cơ sở mối quan hệ hợp tác giữa Việt Nam và các nước này ngày càng trở nên tốt đẹp, thực chất và hiệu quả hơn. Không theo Trung Quốc chống Mỹ hay theo Mỹ để chống Trung Quốc, hợp tác hữu nghị, trên tinh thần tôn trọng nhau, đấu tranh để bảo vệ lợi ích của quốc gia. Người Việt Nam đã trải qua đau thương, mất mát nên sẽ là quốc gia hiểu rõ nhất giá trị thiêng liêng của hai từ “hòa bình”. Hòa bình, độc lập, tự chủ, tự đứng vững trên đôi chân chính mình trên tinh thần tranh thủ sức mạnh của thời đại, đó là thượng sách để xây dựng và bảo vệ tổ quốc ta.

Trong Tứ Thư (Luận Ngữ, Trung Dung, Đại Học và Mạnh Tử) thì cuốn Trung Dung do Tử Tử (cháu nội của Khổng Phu Tử) viết, đó là tác phẩm có giá trị xuyên suốt mọi thời đại, giúp ta hiểu lẽ trời, hiểu thời thế và nhân tâm để ngộ ra chân lý. Quan hệ tốt với bè bạn năm châu nhưng cẩn trọng và luôn cảnh giác cao độ vì suy cho cùng thì chỉ có lợi ích của quốc gia của nhân dân mới là vĩnh viễn, là “dĩ bất biến”. Sáng suốt, mềm dẻo tạo môi trường thuận lợi để phát triển là “ứng vạn biến”. Bài học nước Đằng và Myanmar mới đây cho chúng ta hiểu rõ hơn về câu chuyện “quan hệ quốc tế”. Chúng ta không bao giờ hả hê vì nước bạn gặp biến cố, tai ương nhưng rõ ràng là nhìn vào đó để thấy là chúng ta may mắn khi có Đảng lãnh đạo toàn diện, thống nhất.

LCB

*Bài viết mang quan điểm và văn phong riêng của tác giả 

Đọc nhiều