Nhìn lại nhiệm kỳ Đại hội XII: 8 ủy viên T.Ư Đảng đương nhiệm bị kỷ luật
Tính tới nửa năm cuối cùng của nhiệm kỳ Đại hội XII, đã có 8 ủy viên T.Ư Đảng đương nhiệm bị kỷ luật, trong đó có 2 ủy viên Bộ Chính trị. Một người được miễn xem xét kỷ luật vì mắc bệnh hiểm nghèo.
Đại hội Đảng khóa XII tổ chức vào cuối tháng 1.2016 với sự tham gia của hơn 1.500 đại biểu, bầu ra Ban chấp hành T.Ư khóa XII gồm 180 ủy viên T.Ư và 20 ủy viên T.Ư dự khuyết.
Tới nay, vào thời điểm cuối của nhiệm kỳ Đại hội XII, đã có 8 ủy viên T.Ư đương nhiệm bị kỷ luật với các hình thức khác nhau, trong đó có những người bi khởi tố, hầu tòa và nhận các bản án nhiều chục năm như các ông Đinh La Thăng (cựu Phó trưởng ban Kinh tế T.Ư), Trương Minh Tuấn (cựu Bộ trưởng Bộ TT-TT).
Dưới đây là 8 ủy viên T.Ư Đảng đương nhiệm bị kỷ luật:
1. Ông Nguyễn Xuân Anh, cựu Bí thư Thành ủy Đà Nẵng
Ngày 6.10.2017, tại Hội nghị T.Ư 6, T.Ư Đảng quyết định cách chức Bí thư Thành uỷ Đà Nẵng nhiệm kỳ 2015 – 2020, đồng thời cho thôi giữ chức Ủy viên Ban chấp hành T.Ư Đảng khoá XII đối với ông Nguyễn Xuân Anh, do có những vi phạm nghiêm trọng, làm ảnh hưởng xấu đến uy tín của tổ chức đảng và cá nhân, gây bức xúc trong cán bộ, đảng viên và nhân dân.
Theo quyết định kỷ luật, trên cương vị người đứng đầu cấp ủy TP.Đà Nẵng, ông Nguyễn Xuân Anh chịu trách nhiệm chính về những vi phạm, khuyết điểm của Ban Thường vụ Thành ủy. Cá nhân ông Nguyễn Xuân Anh đã vi phạm nghiêm trọng nguyên tắc tổ chức sinh hoạt Đảng; vi phạm quy định về những điều đảng viên không được làm; vi phạm quy định về trách nhiệm nêu gương của cán bộ, đảng viên, nhất là cán bộ lãnh đạo chủ chốt các cấp; vi phạm tiêu chuẩn cấp ủy viên.
Ông Nguyễn Xuân Anh (44 tuổi), quê ở Đà Nẵng. Ngày 16.10.2015, Ban chấp hành Đảng bộ TP.Đà Nẵng khóa XXI bầu ông Nguyễn Xuân Anh giữ chức Bí thư Thành ủy nhiệm kỳ 2015 – 2020. Khi đó, ông Nguyễn Xuân Anh đang là Uỷ viên dự khuyết T.Ư Đảng khóa XI.
Ngày 26.1.2016, tại Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XII, ông Nguyễn Xuân Anh được bầu làm Ủy viên Ban chấp hành T.Ư Đảng khóa XII, nhiệm kỳ 2016 – 2021.
2. Ông Đinh La Thăng, cựu Phó trưởng ban Kinh tế T.Ư
Ngày 7.5.2017, tại Hội nghị Ban chấp hành T.Ư 5, Ban chấp hành T.Ư Đảng đã quyết định thi hành kỷ luật ông Đinh La Thăng, khi đó đang là Uỷ viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy TP.HCM, bằng hình thức cảnh cáo và cho thôi giữ chức Ủy viên Bộ Chính trị khoá XII, với tỷ lệ phiếu biểu quyết trên 90%.
Ngày 8.12.2017, Cơ quan Cảnh sát điều tra Bộ Công an đã ra quyết định khởi tố bị can, bắt tạm giam ông Đinh La Thăng để điều tra về hành vi cố ý làm trái quy định của nhà nước về quản lý kinh tế, gây hậu quả nghiêm trọng.
Cùng ngày, Bộ Chính trị đã quyết định đình chỉ sinh hoạt Đảng, sinh hoạt cấp uỷ (gồm cả sinh hoạt Ban chấp hành T.Ư) đối với ông Đinh La Thăng theo quyết định khởi tố bị can và lệnh bắt tạm giam cùng ngày của Cơ quan Cảnh sát điều tra, Bộ Công an.
Tới ngày 9.5.2018, tại Hội nghị T.Ư 7, T.Ư đã xem xét và quyết định thi hành kỷ luật ông Đinh La Thăng, Uỷ viên Ban Chấp hành TƯ Đảng, Phó trưởng Ban Kinh tế T.Ư, bằng hình thức khai trừ ra khỏi Đảng.
Trong các vụ án sau đó, ông Thăng bị kết án tổng cộng 30 năm tù về tội cố ý làm trái quy định của nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng và bồi thường hơn 630 tỉ đồng (600 tỉ đồng trong vụ Tập đoàn Dầu khí Việt Nam góp vốn vào Ngân hàng Đại Dương – OceanBank và 30 tỉ đồng trong vụ xây dựng Nhà máy nhiệt điện Thái Bình 2).
Ông Đinh La Thăng (60 tuổi), quê quán tại Nam Định, từng là Ủy viên T.Ư Đảng khoá X, XI; Ủy viên Bộ Chính trị khóa XII; đại biểu Quốc hội khoá XI, XIII, XIV.
3. Ông Trương Minh Tuấn, cựu Bộ trưởng Bộ TT-TT
Ngày 12.7.2018, Bộ Chính trị đã quyết định thi hành kỷ luật ông Trương Minh Tuấn bằng hình thức cảnh cáo và cho thôi giữ chức Bí thư Ban cán sự Đảng Bộ TT-TT nhiệm kỳ 2016 – 2021, do những sai phạm của ông Tuấn trong vụ án MobiFone mua 95% cổ phần Công ty AVG.
Ngày 23.7.2018, ông Tuấn bị đình chỉ chức vụ Bộ trưởng Bộ TT-TT, sau đó được điều động về làm Phó trưởng ban Tuyên giáo T.Ư.
Ngày 23.2.2019, ông Tuấn bị bắt với tội vi phạm quy định về quản lý và sử dụng vốn đầu tư công gây hậu quả nghiêm trọng và sau đó bị khởi tố thêm tội nhận hối lộ. Tiếp đó, tại Hội nghị 11 T.Ư khóa XII (tháng 10.2019), ông Tuấn bị kỷ luật khai trừ khỏi Đảng.
Trong phiên tòa xét xử vụ án MobiFone mua 95% cổ phần Công ty AVG, ông Trương Minh Tuấn bị tòa tuyên 14 năm tù (6 năm tù về tội vi phạm quy định về quản lý và sử dụng vốn đầu tư công gây hậu quả nghiêm trọng, 8 năm về tội nhận hối lộ).
Ông Trương Minh Tuấn (60 tuổi), sinh tại Đồng Hới, Quảng Bình. Tại Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XII của Đảng, ông Tuấn được bầu vào Ban chấp hành T.Ư, sau đó được Quốc hội khóa XIV phê chuẩn bổ nhiệm làm Bộ trưởng Bộ TT-TT.
4. Ông Trần Quốc Cường, nguyên Phó bí thư Tỉnh ủy Đắk Lắk
Ngày 12.4.2018, Bộ Chính trị đã quyết định kỷ luật cảnh cáo ông Trần Quốc Cường, Ủy viên T.Ư Đảng, Phó bí thư Tỉnh uỷ Đắk Lắk, do những vi phạm, khuyết điểm trong thời gian giữ cương vị Bí thư Đảng uỷ, Cục trưởng Cục B41, Phó tổng cục trưởng Tổng cục 5, Bộ Công an.
Tháng 7.2019, ông Cường được Bộ Chính trị cho thôi chức danh Phó bí thư Tỉnh ủy Đắk Lắk, ra Hà Nội làm Phó trưởng ban Nội chính T.Ư.
Ông Trần Quốc Cường (59 tuổi), quê quán Nam Định. Ông Cường được bầu vào Ban chấp hành T.Ư Đảng khóa XII tháng 1.2016.
5. Ông Tất Thành Cang, nguyên Phó bí thư thường trực Thành ủy TP.HCM
Ngày 26.12.2018, tại Hội nghị T.Ư 9 khóa XII, Ban chấp hành T.Ư đã quyết định kỷ luật ông Tất Thành Cang, Phó bí thư thường trực Thành ủy TP.HCM, bằng hình thức cách chức Ủy viên T.Ư Đảng khoá XII; Phó bí thư thường trực Thành uỷ, Ủy viên Ban Thường vụ Thành uỷ TP.HCM nhiệm kỳ 2015 – 2020, vì đã có những khuyết điểm, vi phạm rất nghiêm trọng.
Ông Tất Thành Cang (47 tuổi), sinh tại Long An. Ông Cang từng là Bí thư Thành đoàn TP.HCM từ năm 2004 – 2009.
Từ tháng 1.2011, ông Cang được bầu làm Uỷ viên dự khuyết Ban chấp hành T.Ư khóa XI; tới tháng 1.2016, được bầu làm Uỷ viên Ban chấp hành T.Ư khóa XII.
Hiện tại, sau khi bị kỷ luật, ông Cang đảm nhận chức vụ Phó trưởng ban Thường trực Ban chỉ đạo công trình Lịch sử TP.HCM.
6. Ông Triệu Tài Vinh, Phó trưởng ban Kinh tế T.Ư
Ngày 21.6.2019, Bộ Chính trị quyết định điều động, bổ nhiệm ông Triệu Tài Vinh, Bí thư Tỉnh ủy Hà Giang, giữ chức Phó trưởng ban Kinh tế T.Ư.
Tới ngày 10.1.2020, ông Triệu Tài Vinh bị Bộ Chính trị kỷ luật khiển trách do để xảy ra những vi phạm nghiêm trọng trong Kỳ thi trung học phổ thông quốc gia năm 2018 tại tỉnh Hà Giang.
Ông Vinh cũng thiếu trách nhiệm trong lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện công tác kiểm tra, giám sát, xem xét, phát hiện, xử lý; khi xảy ra vụ việc xử lý thiếu kiên quyết, thiếu kịp thời, không nghiêm minh đối với những tổ chức, cá nhân có vi phạm, khuyết điểm liên quan đến kỳ thi. Chấp hành không nghiêm quy định của Bộ Chính trị về sự lãnh đạo của Đảng đối với các cơ quan bảo vệ pháp luật. Ngoài ra, ông Vinh còn có em gái vi phạm trong kỳ thi nêu trên.
Sau khi bị phát hiện, ông Vinh “còn né tránh trách nhiệm”, vi phạm trách nhiệm nêu gương của cán bộ, đảng viên theo quy định của T.Ư Đảng.
Ông Triệu Tài Vinh (52 tuổi), dân tộc Dao; quê quán Hà Giang; là kỹ sư nông nghiệp, học hàm tiến sĩ nông nghiệp. Ông Vinh là Ủy viên dự khuyết Ban chấp hành T.Ư Đảng khóa X, Ủy viên Ban chấp hành T.Ư Đảng khóa XI, XII.
7. Ông Hoàng Trung Hải, Phó trưởng Bộ phận chuyên trách Tiểu ban văn kiện Đại hội XIII
Ngày 10.1.2020, Bộ Chính trị quyết định kỷ luật cảnh cáo đối với ông Hoàng Trung Hải, Bí thư Thành ủy Hà Nội, do trong thời gian giữ cương vị Ủy viên Ban cán sự Đảng, Phó thủ tướng Chính phủ, ông Hoàng Trung Hải đã có những vi phạm, khuyết điểm nghiêm trọng trong quá trình chỉ đạo thực hiện Dự án mở rộng sản xuất giai đoạn II – Công ty Gang thép Thái Nguyên (Dự án TISCO II”).
Ngày 7.2.2020, Bộ Chính trị phân công ông Hải thôi chức vụ Bí thư Thành ủy Hà Nội và giữ chức vụ Phó trưởng Bộ phận chuyên trách Tiểu ban văn kiện Đại hội XIII của Đảng Cộng sản Việt Nam (Trưởng tiểu ban là Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng).
Ông Hoàng Trung Hải (61 tuổi), quê tại Thái Bình. Ông Hải từng là Bộ trưởng Bộ Công nghiệp (2002 – 2007), Phó thủ tướng Chính phủ (2007 – 2016). Ông cũng là Ủy viên T.Ư các khóa IX, X, XI, XII.
8. Ông Lê Viết Chữ, Bí thư Tỉnh ủy Quảng Ngãi
Mới đây nhất, ngày 16.6.2020, Bộ Chính trị quyết định kỷ luật cảnh cáo đối với ông Lê Viết Chữ, Bí thư Tỉnh ủy Quảng Ngãi, vì những sai phạm nghiêm trọng, ảnh hưởng xấu đến uy tín của cấp uỷ, chính quyền địa phương.
Theo Bộ Chính trị, ông Lê Viết Chữ chịu trách nhiệm chính về vi phạm, khuyết điểm của Ban Thường vụ Tỉnh uỷ các nhiệm kỳ 2010 – 2015, 2015 – 2020 và của Ban cán sự đảng, Uỷ ban nhân dân tỉnh nhiệm kỳ 2011 – 2016 trong việc cho chủ trương, quyết định điều động, bổ nhiệm, luân chuyển và giới thiệu cán bộ ứng cử, cử cán bộ, công chức, sinh viên tốt nghiệp đại học của tỉnh đi công tác, học tập ở nước ngoài không đúng tiêu chuẩn; chủ trương đầu tư một số dự án lớn từ nguồn vốn ngoài ngân sách nhà nước, cho thuê đất và giao đất cho doanh nghiệp không qua đấu giá quyền sử dụng đất; ký văn bản về chủ trương bổ sung dự án vào danh mục dự án đầu tư công trung hạn để hỗ trợ dự án đầu tư của doanh nghiệp, chủ trương tăng vốn điều lệ, thoái vốn nhà nước tại doanh nghiệp, tạm ứng trước ngân sách nhà nước để thực hiện dự án; ký văn bản và trực tiếp chỉ đạo giải quyết các kiến nghị của doanh nghiệp không đúng thẩm quyền Ban Thường vụ, Thường trực, Bí thư Tỉnh uỷ,…
Tới cuối tháng 6 vừa qua, ông Lê Viết Chữ đã có đơn xin thôi chức vụ đương nhiệm gửi Bộ Chính trị, Ban Bí thư xem xét.
Ngoài các trường hợp bị kỷ luật nêu trên, còn có trường hợp của ông Lê Thanh Quang, nguyên Bí thư Tỉnh ủy Khánh Hòa, đã được miễn xem xét kỷ luật do mắc bệnh hiểm nghèo theo quy định.
Sau đó, ông Quang được Bộ Chính trị cho thôi giữ chức Bí thư Tỉnh ủy Khánh Hòa để chữa bệnh theo nguyện vọng.
Lê Hiệp/TNO