86
topics
419525

Nhiều ý tưởng hay nằm “lắt lay” trên giấy!

13/08/2020 06:25

Chuyện “nhà công” biến thành “nhà ông” đã từng xôn xao dư luận nhiều năm trước. Gần đây, việc bà Đặng Huỳnh Mai gửi thư lên Thủ tướng xin tiếp tục được thuê khiến một lần nữa, dư luận xôn xao.

Nhiều ý tưởng hay nằm “lắt lay” trên giấy! - 1

Thời điểm này, dù gia đình bà nguyên Thứ trưởng Bộ Giáo dục & Đào tạo Đặng Huỳnh Mai đã trả lại nhà công vụ, sự việc vẫn chưa hết sức nóng.

Mới đây nhất, trên báo Tiền phong ngày 11.8 dẫn lời của TS. Bùi Đức Thụ, nguyên Uỷ viên Thường trực UB Tài chính Ngân sách Quốc hội cho biết: “Tôi được biết, có những trường hợp đã nghỉ hưu hơn 10 năm nay mà vẫn bám lấy nhà công vụ, chưa chịu trả, mặc dù cơ quan quản lý nhà nước đã có văn bản nhắc nhở nhiều lần”.

Vì sao việc trả lại nhà công vụ lại khó khăn như vậy? Làm thế nào để không còn hiện tượng trên là những câu hỏi cần có lời giải đáp.

Có thể nói, hầu hết các ý kiến đều bất bình và cho rằng tất cả là bởi lòng tham. Song, theo tôi, nếu nhìn nhận như vậy có vẻ như mới “đạt lý” nhưng chưa tới độ “thấu tình” và việc phải trả lại nhà công vụ là tất nhiên…

Tại sao nói như vậy? Xin hãy đặt mình vào hoàn cảnh của họ để có cái nhìn thấu đáo, cảm thông và quan trọng nhất, đó là tìm ra giải pháp.

Về tình cảm, nhà thơ Chế Lan Viên từng viết “Khi ta ở, chỉ là nơi đất ở – Khi ta đi, đất đã hoá tâm hồn!”. Cái nhà đối với mỗi con người, đặc biệt là người Việt Nam chúng ta không chỉ là “nơi ở”. Nó còn là tâm hồn, là tình hàng xóm láng giềng, là những kỉ niệm, là thói quen… mà nói như người xưa “Cái nhà, không phải cái thuyền mà chốc chốc đẩy đi là xong”.

Việc di chuyển chỗ ở còn rất khó khăn bởi nhiều mối quan hệ khác từ việc học hành của con, cháu đến thay đổi địa chỉ nơi khám chữa bệnh, sinh hoạt cộng đồng…

Rồi một khi di chuyển, là thay đổi từ cái phích cắm điện hay cái bàn, cái ghế, cái bếp, cái xoong…

Tóm lại, việc thay đổi chỗ ở, nhất là với những người cao tuổi thường là rất khó khăn, việc cực chẳng đành.

Cho nên nói họ “tham” có lẽ cũng không sai nhưng chưa “thấu tình” là bởi  như vậy.

Vậy giải pháp nào cho việc này?

Theo quan điểm cá nhân của tôi, thứ nhất, với những trường hợp còn tồn đọng, cũng là trả nhưng trả bằng tiền, tức là bán cho họ theo giá thị trường nếu họ có nhu cầu. Ví dụ tại khu Hoàng Cầu, giá nhà chung cư khoảng 30tr/m2, nhà 100m2 mời nộp vào 3 tỉ đồng chẳng hạn. Hoặc tổ chức đấu giá, có ưu tiên cho gia chủ.

Thứ hai, nên mạnh dạn bỏ nhà công vụ từ cấp Thứ trưởng.

Thật ra, đây không phải là ý tưởng mới. Cuối tháng 4.2020, trả lời PV Dân trí, ông Vũ Đăng Minh, Chánh Văn phòng Bộ Nội vụ cho biết chuyện này đã được đưa ra bàn cách đây 20 năm trước.

Theo quan điểm của ông Minh, nên đưa nhà công như đưa xe công vào lương của cán bộ công chức. Còn lại, chỉ áp dụng với một số lượng rất ít chức danh cán bộ cấp cao vì lý do an ninh và trong lĩnh vực quốc phòng, công an.

“Chúng ta đã chuyển mạnh sang cơ chế thị trường, chế độ chính sách, ưu đãi được tính vào lương của cán bộ công chức. Cán bộ có khó khăn về nhà ở, hỗ trợ cũng được đưa vào tiền lương. Tại các nước phát triển, tiền nhà cũng được tính vào lương. Trong tiền lương đã có tiền ăn, ở, bảo hiểm… rồi”, Chánh Văn phòng Bộ Nội vụ đề xuất.

Đến đây thì người viết bài này đành phải thốt lên, ý tưởng hay như thế mà đã 20 năm qua, nó vẫn nằm “lắt lay” trên giấy.

Càng đáng tiếc thay, việc này ở ta lại không lạ!

Bùi Hoàng Tám/DT

Đọc nhiều