Hôm nay ngày 29/10, giải trình trước Quốc hội, Phó thủ tướng, Bộ trưởng Tài chính Hồ Đức Phớc cho biết sẽ bãi bỏ Quyết định 78 năm 2010 về việc miễn thuế VAT đối với hàng hóa dưới 1 triệu nhập khẩu qua các sàn thương mại điện tử như Shopee, hay Temu.
Phó thủ tướng Hồ Đức Phớc cho biết, Chính phủ sẽ bãi bỏ quyết định miễn thuế giá trị gia tăng (VAT) hàng giá trị dưới 1 triệu nhập qua các sàn thương mại điện tử như Shopee, Temu, tất cả hàng hóa đều phải nộp thuế VAT.
Theo ông Hồ Đức Phớc cho biết, việc miễn thuế VAT đối với hàng giá trị nhỏ dưới 1 triệu đồng là thực hiện theo cam kết Công ước Tokyo. Tuy nhiên, hiện nay, các quốc gia khác đã bỏ thuế này. Như EU xóa bỏ việc không tính thuế với giá trị hàng dưới 22 USD, Singapore cũng bỏ chính sách miễn thuế với hàng giá trị nhỏ từ tháng 1.2023, Thái Lan thu thuế 7% với tất cả hàng giá trị nhỏ.
Điều này chứng tỏ các nước tham gia công ước đã không thực hiện. Chính phủ sẽ bãi bỏ Quyết định 78 và bổ sung vào dự thảo luật, quy định hàng hóa giá trị nhỏ cũng phải nộp thuế.
“Như sàn thương mại Temu, với các loại hàng hóa dưới 1 triệu đang tận dụng Quyết định 78 để bán hàng giá rẻ”, ông Phớc nói thêm.
Tại báo cáo tiếp thủ, chỉnh lý của Ủy ban Thường vụ Quốc hội cũng cho biết, luật Thuế VAT hiện hành (cũng như dự thảo luật) không quy định việc miễn thuế VAT đối với hàng hóa nhập khẩu có giá trị nhỏ.
Quyết định số 78 năm 2010 của Thủ tướng Chính phủ cho phép hàng hóa nhập khẩu có giá trị nhỏ dưới 1 triệu đồng gửi qua dịch vụ chuyển phát nhanh được miễn thuế nhập khẩu và thuế VAT ở khâu nhập khẩu. Điều này đã ảnh hưởng lớn đến đến hiệu quả thu thuế VAT (và cả thuế nhập khẩu) đối với các giao dịch mua bán hàng hóa trực tuyến trên các nền tảng thương mại điện tử.
Báo cáo của Ủy ban Thường vụ Quốc hội cũng dẫn số liệu của Tổng công ty cổ phần Bưu chính viễn thông, tại thời điểm tháng 3.2023, hàng ngày đang có khoảng 4 – 5 triệu đơn hàng giá trị nhỏ được vận chuyển từ Trung Quốc về Việt Nam qua các sàn thương mại điện tử. Hàng ngày, trung bình có 45 – 63 triệu USD hàng giá trị nhỏ đã không được thu thuế nhập khẩu và thuế VAT.
Còn theo báo cáo về thương mại điện tử 9 tháng năm 2024 của nền tảng số liệu thương mại điện tử Metric, các sản phẩm dưới 200.000 đồng đang chiếm hơn một nửa doanh số toàn thị trường thương mại điện tử Việt Nam. Người Việt chi 1 tỉ USD mua hàng online mỗi tháng.
“Với hiệu lực của Quyết định 78 chúng ta đang thất thu thuế đối với một lượng lớn hàng hóa nhập khẩu trên các nền tảng thương mại điện tử”, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho hay.
Chính phủ đang dự thảo nghị định về quản lý hải quan đối với hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu giao dịch qua thương mại điện tử.
Ủy ban Thường vụ Quốc hội đề nghị Chính phủ khẩn trương ban hành nghị định này và trước mắt cần chấm dứt ngay hiệu lực của Quyết định số 78 để bảo đảm tính thống nhất của hệ thống pháp luật và cơ sở pháp lý cho việc thu thuế đối với thương mại điện tử đang được sửa đổi trong dự thảo luật thuế VAT.
Theo Ủy ban Thường vụ Quốc hội, điều này sẽ làm tăng số thu về thuế VAT từ các hoạt động kinh doanh thương mại điện tử đối với hàng hóa.
Tại báo cáo thẩm tra dự án luật sửa đổi, bổ sung một số điều của 7 luật trong lĩnh vực tài chính, liên quan tới việc sửa đổi luật Quản lý thuế, Ủy ban Tài chính – Ngân sách Quốc hội cũng nêu quan điểm cho rằng, nếu Quyết định 78 vẫn còn hiệu lực thì các nội dung sửa đổi về cách thu thuế đối với thương mại điện tử đang được dự thảo trong luật Quản lý thuế (và dự thảo luật thuế VAT) khó có thể phát huy hiệu lực, hiệu quả.
“Đề nghị Chính phủ khẩn trương chấm dứt hiệu lực của Quyết định 78, để bảo đảm tính thống nhất của hệ thống pháp luật và cơ sở pháp lý cho việc thu thuế đối với thương mại điện tử đang được sửa đổi trong dự thảo dự thảo luật thuế VAT, luật Quản lý thuế”, Ủy ban Tài chính – Ngân sách đề nghị.
Bích Ngân