130115
topics
537246

Nhiều nhà máy thực hiện ‘3 tại chỗ’ phát hiện ca nhiễm

29/07/2021 07:07

Nhiều nhà máy tổ chức phương án “3 tại chỗ” – ăn, nghỉ và sản xuất tại chỗ đã bị phong toả, dừng hoạt động do xuất hiện hàng trăm ca dương tính nCoV.

Công ty TNHH Estec Vina ở Khu công nghiệp VSIP 1, phường Bình Hoà, TP Thuận An, có hơn 2.800 lao động, chuyên sản xuất linh kiện điện tử. Từ ngày 19/7, theo yêu cầu chính quyền địa phương, doanh nghiệp tổ chức cho 1.700 công nhân ăn ở và làm việc tại nhà máy, quy mô sản xuất giảm còn 60%. Công ty trang bị nệm, mền, gối, màn chụp, lắp 220 nhà tắm dã chiến, dọn dẹp các khu vực trống làm sân phơi phục vụ nhu cầu sinh hoạt của lao động.

Ông Trương Hùng Dũng, Chủ tịch công đoàn công ty cho biết tối 18/7 nhà máy đón công nhân để sáng hôm sau xét nghiệm nhanh, nhưng đơn vị y tế không sắp xếp được người. Toàn bộ lao động phải ở tại nhà máy 4 ngày mới được test PCR mẫu gộp. Ba ngày sau, kết quả xét nghiệm ghi nhận 136 người dương tính. Nhà máy bị phong tỏa, ngừng hoạt động để phục vụ truy vết. Những công nhân là F2 được cho về cách ly tại nhà, hơn 700 F1 cách ly tập trung tại nhà máy.

Nhóm hậu cần đặc biệt ở nhà máy EsTec Vina dọn dẹp, bố trí lại khu ăn ở của 207 ca F0. Ảnh: An Phương.
Nhóm hậu cần đặc biệt ở nhà máy EsTec Vina dọn dẹp, bố trí lại khu ăn ở của 207 ca F0. Ảnh: An Phương.

“Nhiều khu vực nhà máy là phòng kín, sử dụng máy lạnh, cùng với việc chậm xét nghiệm, kết quả trả về trễ, đã không phát hiện kịp thời người mang mầm bệnh khiến dịch lây lan”, ông Dũng nói và cho biết đến tối 27/7 nhà máy ghi nhận tổng cộng hơn 340 ca nghi nhiễm. Hơn 30 thành viên thuộc đội hậu cần đặc biệt của công ty cấp tốc sắp xếp lại chỗ nghỉ ngơi, chăm sóc bước đầu, động viên tinh thần các F0 trong khi chờ ngành y tế địa phương có phương án tiếp theo.

Công ty EstecVina là một trong 18 doanh nghiệp ở Khu công nghiệp VSIP thực hiện “3 tại chỗ”, phát hiện ca nhiễm, phải dừng sản xuất. Ngoài nơi này, các khu công nghiệp ở Bình Dương ghi nhận ca nhiễm khi tổ chức ăn ở, sản xuất tại nhà máy, như: Khu công nghiệp Việt Hương có 3 nhà máy với 7 ca nghi nhiễm; Khu công nghiệp Đồng An, Đại Đăng mỗi nơi một nhà máy với tổng 4 F0. Tại huyện Bàu Bàng, 10 công ty xuất hiện ca nhiễm. Tại thị xã Tân Uyên, hai nhà máy tổng cộng 270 ca. Công ty cổ phần kỹ nghệ gỗ Long Việt, TP Dĩ An, ghi nhận 248 ca nhiễm sau 14 ngày bố trí công nhân ăn ở, làm việc tại phân xưởng.

Bà Đặng Thị Kim Chi, Chủ tịch Công đoàn VSIP cho biết các doanh nghiệp trong các khu công nghiệp đăng ký thực hiện “3 tại chỗ” hoặc “một cung đường, 2 địa điểm” (chỉ duy nhất tuyến đường chở tập trung công nhân từ nơi sản xuất đến nơi ở) có 3 ngày để chuẩn bị. Nhiều công ty chưa tổ chức xét nghiệm sàng lọc Covid-19 cho công nhân nhưng đã bố trí ăn ở, làm việc đã đưa mầm bệnh vào nhà máy. Ngoài ra một số nhà máy tổ chức xét nghiệm đầu vào chặt chẽ nhưng đến khi test tầm soát định kỳ lại phát hiện ca nhiễm không rõ nguồn lây.

Một nhà máy ở Bình Dương bố trí công nhân ở lại nhà máy. Ảnh: An Phương.
Một nhà máy ở Bình Dương bố trí công nhân ở lại nhà máy. Ảnh: An Phương.

Theo Bí thư Thành ủy TP Dĩ An Bùi Thanh Nhân, địa phương có hơn 4.000 doanh nghiệp. Sau khi có yêu cầu phải tổ chức lao động ăn nghỉ, sản xuất tại chỗ, khoảng 440 doanh nghiệp đăng ký, nhưng nhiều công ty chưa đăng ký vẫn tổ chức thực hiện. Chính quyền huy động lực lượng kiểm tra nhưng thời gian quá ngắn không thể thẩm định hết. Do đó các nhà máy tự tổ chức test nhanh, bố trí công nhân vào sản xuất rồi báo cáo cơ quan chức năng sau.

Giám đốc sở Y tế Bình Dương Nguyễn Hồng Chương cho rằng có hai nguyên nhân chính khiến dịch xâm nhập vào các nhà máy thực hiện “3 tại chỗ”. Thứ nhất nếu xét nghiệm nhanh lấy mẫu vào 2 ngày đầu và từ ngày thứ 6 của chu kỳ nhiễm sẽ khó phát hiện virus nCov, khiến các ca nhiễm bị bỏ qua, mầm bệnh từ đó len lỏi vào nhà máy. Nguyên nhân thứ hai, doanh nghiệp thực hiện không nghiêm, vẫn để người ra vào nhà máy khiến dịch xâm nhập.

“Một số thời điểm số ca nhiễm ở Bình Dương tăng cao khiến ngành y tế quá tải, các ca bệnh ở nhà máy không được tách kịp thời làm dịch bùng phát”, ông Chương nói.

Người đứng đầu ngành y tế Bình Dương cho rằng ngoài ăn ở, làm việc tại chỗ, các nhà máy cần bố trí thêm nhân lực tại chỗ để kịp thời phối hợp xử lý, phân luồng F0, chuyển ca nghi nhiễm đến khu vực cách ly tạm thời. Doanh nghiệp cũng nên mua các bộ kit test nhanh để lực lượng y tế tại chỗ xét nghiệm đầu vào, định kỳ hoặc khi phát hiện ca nhiễm, nhằm sàng lọc trường hợp tiếp xúc gần F0, giúp sớm ổn định tình hình.

“Những doanh nghiệp có phương án tốt dù phát hiện ca nhiễm vẫn hạn chế lây lan, không phải ngừng sản xuất”, ông Chương nói và cho biết thêm Sở Y tế đã yêu cầu các doanh nghiệp lập các khu cách ly trung gian tách biệt với nhà máy. Công ty khi muốn thay, bổ sung nhân sự trước hết phải test âm tính, sau đó đưa lao động vào ở các khu này ít nhất 3 ngày, tiếp tục xét nghiệm Covid-19, nếu âm tính mới vào nhà máy.

Nhà máy TCL có hơn 1.000 công nhân ăn ở, làm việc tại chỗ. Ảnh: An Phương.
Nhà máy TCL có hơn 1.000 công nhân ăn ở, làm việc tại chỗ. Ảnh: An Phương.

Ông Đào Minh Tính, Chủ tịch công đoàn Công ty TNHH điện tử thông minh TCL Việt Nam, Khu công nghiệp VSIP 2A, cho biết nhà máy đã lập khu cách ly trung gian từ ngày 7/7, khi tổ chức phương án “3 tại chỗ”, với hơn 1.000 công nhân tham gia. Điều này giúp hạn chế ca nhiễm lọt vào phân xưởng. Ngoài ra, suốt quá trình thực hiện, nhà máy luôn sẵn sàng lực lượng để truy vết, khoanh vùng nhanh khi xuất hiện ca nhiễm. Toàn bộ lao động vẫn phải tuân thủ 5K.

Thống kê từ Sở Lao động, Thương binh và Xã hội Bình Dương, đến ngày 25/7, tỉnh có hơn 3.700 doanh nghiệp với khoảng 390.000 công nhân đăng ký ăn nghỉ, sản xuất tại nhà máy. Mới đây, Bí thư Tỉnh ủy Bình Dương Nguyễn Văn Lợi đã chỉ đạo những nhà máy chưa đảm bảo an toàn trong phòng chống dịch bệnh phải dừng sản xuất.

Bình Dương hiện có hơn 1,2 triệu công nhân lao động làm viêc tại 29 khu công nghiệp, 12 cụm công nghiệp. Ở đợt dịch thứ 4, tỉnh phát hiện hơn 8.400 ca nhiễm, trong đó có gần 2.000 trường hợp là công nhân. Địa phương đang là vùng dịch xếp thứ hai ở phía Nam, chỉ sau TP HCM.

Lê Tuyết

Đọc nhiều